Lưu trữ Blog

26/3/09

Xã hội hóa sản xuất giống lúa ở Nam bộ


TINKHOAHOC. Theo báo Nông nghiệp Việt Nam 25/3/2009, với diện tích 4,2 triệu ha gieo trồng lúa ở Nam Bộ, hàng năm yêu cầu 500.000 tấn giống xác nhận hay 120.000 ha để sản xuất giống. Nhưng các công ty giống lớn ở Nam bộ như Cty CP Giống cây trồng miền Nam, Cty CP BVTV An Giang, Cty Giống cây trồng Đồng Tháp... chỉ đáp ứng 50.000 tấn giống lúa hàng năm, chỉ đảm bảo 10 - 15% lượng giống cung cấp cho sản xuất; tư nhân sản xuất lúa giống đảm bảo chất lượng khoảng 10%; Như vậy trên thực tế 70% hạt giống sản xuất vẫn chưa được cung ứng theo tiêu chuẩn quốc gia. Do đó muốn đảm bảo lượng giống lúa xác nhận phải tổ chức lại sản xuất theo hướng: “Xã hội hóa sản xuất lúa giống” ở Nam Bộ.

Trước năm 2000, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận của người dân chỉ đạt dưới 10%, nhưng đến năm 2006 - 2007 đã tăng đến 25 - 27% ở các tỉnh Nam bộ. Ý thức của người dân đã có những bước chuyển đáng kể về sử dụng giống xác nhận. Tuy vậy, so với nhiều nước tiên tiến trong khu vực, mức độ sử dụng giống xác nhận ở các tỉnh Nam bộ vẫn còn thấp. Vì vậy bước đầu tiên là làm cho người sản xuất phải thay đổi tư duy về giống cây trồng. Người dân có ý thức càng cao về vai trò quan trọng của giống cây trồng thì càng có động lực để thúc đẩy công tác sản xuất giống, kích cầu cung ứng giống và do đó hệ thống giống từ khâu nghiên cứu, sản xuất và lưu thông giống mới có điều kiện phát triển.

Với vai trò chủ đạo của Nhà nước mà trực tiếp là Bộ NN-PTNT lâu nay đã đề ra nhiều chủ trương chính sách từ khâu nghiên cứu giống, khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng. Các khâu kiểm tra, kiểm định giống từ cấp trung ương đến địa phương. Đặc biệt trong sản xuất giống, Bộ NN-PTNT đã quy định các cấp nhân giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và cấp xác nhận. Bên cạnh đó để tạo điều kiện trong công tác lưu giữ bảo tồn, khai thác nguồn gen và giống cây trồng địa phương; chọn tạo giống cây trồng mới; sản xuất và trao đổi giống cây trồng cộng đồng hoặc lưu thông trên thị trường Bộ NN-PTNT đã ban hành Quy định 35/2008/QĐ-BNN năm 2008 về quản lý sản xuất giống cây trồng nông hộ.

Quy định này đã xác định rõ nông hộ có quyền tham gia vào các công tác chọn tạo, sản xuất để sử dụng, hoặc trao đổi trên thị trường. Quyết định này rất quan trọng, là một trong các cơ sở pháp lý để phát triển ngành giống theo hướng “xã hội hóa”. Trong thực tế, dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học, các dự án bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cộng đồng ở ĐBSCL, nhiều nông dân đã được tập huấn kỹ năng lai tạo và chọn lọc giống lúa. Một số nông dân giỏi đã tự lai tạo chọn lọc giống lúa tốt phục vụ trực tiếp cho sản xuất như trường hợp giống CLV.1 của nông dân Kim Suôi ở Sóc Trăng, giống HĐ 4 của nông dân Nguyễn Văn Tính ở Kiên Giang và nhiều nông dân ở Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh cũng đã lai tạo thành công giống lúa cho kết quả tốt ở các thử nghiệm tại một số tỉnh ĐBSCL. Đây là một hướng tốt cần khuyến khích và quản lý các giống chọn tạo từ nguồn nông dân theo đúng quy định của Bộ NN-PTNT.

Hiện nay có “mạng lưới” sản xuất giống ở các địa phương, từ tổ giống đến HTX. Các tổ chức này nhiều nơi còn mang tính tự phát, vì vậy cần củng cố, nâng chất lượng hoạt động của các tổ nhân giống lúa cũ, thành lập thêm các tổ nhân giống lúa mới, đặt dưới sự quản lý của HTX nông nghiệp. Hoặc các tổ nhân giống này đặt dưới sự hướng dẫn của câu lạc bộ nhân giống, câu lạc bộ khuyến nông ở những nơi chưa có HTX. Đặc biệt có sự quan tâm của các ngành các cấp của địa phương hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phương tiện, điều kiện nhân giống với số lượng giống lớn theo yêu cầu của từng vùng sinh thái có chất lượng cao. Sự phát triển của mạng lưới sản xuất giống địa phương từ khâu sản xuất, chế biến cung ứng giống, từng bước nâng dần diện tích sử dụng giống có chất lượng, nhằm góp phần cải thiện năng suất, cải thiện chất lượng lúa thương phẩm trên toàn vùng.

Để mở rộng mạng lưới sản xuất giống ở địa phương, trước hết các cơ sở kinh doanh giống phải đăng ký, tập huấn và được cung cấp các thông tin quan trọng về quản lý giống cây trồng. Các Sở NN-PTNT thành lập bộ phận quản lý về giống, củng cố và nâng cấp các phòng kiểm định, kiểm nghiệm với đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận hành nghề về giống ở địa phương. UBND cấp tỉnh ban hành những quy định quản lý nhà nước về giống trên địa bàn của tỉnh dựa trên cơ sở quyết định của Nhà nước về quản lý giống cây trồng.

Trong sản xuất lúa nhiều năm qua, bà con nông dân thường chú ý đến giống lúa mà ít quan tâm đến chất lượng hạt giống. Trong thực tế sản xuất ở Nam bộ, đa phần người dân sử dụng giống tự sản xuất hoặc trao đổi giữa các nông dân với nhau, thậm chí nhiều người còn dùng lúa ăn để làm giống.

Vì vậy hậu quả giống bị lẫn tạp, thoái hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng lúa gạo, đồng thời giảm giá trị đối với người tiêu dùng và xuất khẩu.

Vai trò của Sở NN-PTNT, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm giống của các tỉnh rất lớn trong chiến lược xã hội hóa công tác giống. Vai trò, nhiệm vụ của các tổ chức này thể hiện từ khâu quy hoạch cơ cấu giống của địa phương, tổ chức mạng lưới khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất giống, hỗ trợ giống cho nông dân, trình diễn, hội thảo, xây dựng mô hình sản xuất giống nông hộ, tọa đàm, phát hành tài liệu, thông tin qua báo đài... Nhờ đó giải quyết được đầu ra cho những nơi sản xuất giống và kích thích sự phát triển của hệ thống giống. Vấn đề “liên kết 4 nhà” đối với xã hội hóa giống cũng cần phải đặt ra thật căn cơ dựa trên nguyên tắc lợi ích và trách nhiệm của các bên, dựa trên các hợp đồng kinh tế - kỹ thuật... Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, giống lúa phải vào cuộc ngay từ những bước ban đầu: Quy hoạch cơ cấu giống, hỗ trợ giống cho nông dân, đầu tư kỹ thuật sản xuất lúa giống, dự án cụ thể dưới sự giám sát của các tổ chức nhà nước và được hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ phía các nhà khoa học. Để liên kết “giữa các nhà” thật bền vững phải dựa vào những cơ chế liên kết theo kinh tế thị trường và phải có sự hỗ trợ, giám sát của Nhà nước.

So với Thái Lan trong sản xuất lúa gạo, Việt Nam có ưu thế về năng suất, sản lượng, giá thành nhưng lại yếu thế về chất lượng lúa gạo. Nếu vấn đề “xã hội hóa sản xuất và sử dụng giống xác nhận” thành công thì trong cuộc cạnh tranh trên thị trường gạo quốc tế, Việt Nam sẽ có những bước đột phá ở thị trường gạo chất lượng cao...

12/3/09

ĐBSCL Nông dân lại tìm mua giống lúa IR50404

TINKHOAHOC. Nhiều nông dân ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng hiện đang tìm mua hoặc trao đổi giống lúa IR50404 để đưa vào sản xuất vụ hè thu sắp tới. Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng này là do bước sang năm 2009, thị trường xuất khẩu gạo có xu hướng đổi chiều, nhu cầu gạo cấp thấp tăng cao, giá cả hợp lý…Từ đó, có nhiều doanh nghiệp chọn đối tác có nhu cầu loại gạo này để ký hợp đồng xuất khẩu, đẩy giá lúa IR50404 lên đến 4.050-4.150 đồng/kg, tương đương với giá lúa hạt dài phẩm chất gạo tốt. Trong khi đó, giống lúa IR50404 có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 85- 90 ngày), thích nghi rộng với nhiều vùng đất, năng suất đạt khá cao 6- 7 tấn/ha nên nông dân trồng giống lúa này trong vụ lúa đông xuân 2008- 2009 thắng đậm.

IR50404 là giống lúa hạt tròn, phẩm chất gạo thấp, trước đây rất khó xuất khẩu. Cụ thể như trong năm 2008, nông dân phải đối mặt với tình trạng lúa IR50404 bị tồn đọng không bán được. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đều khuyến cáo chính quyền và nông dân không nên đưa giống lúa này vào sản xuất trong vụ lúa đông xuân 2008- 2009 khiến diện tích giảm mạnh.

Điều đáng lo ngại là hiện nay có nhiều nông dân ở ĐBSCL đang có xu hướng mở rộng sản xuất giống lúa IR50404. Vì vậy, khả năng tái diễn lúa tồn đọng bán không ai mua trong vụ lúa hè thu tới rất dễ xảy ra.

Lê Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/29693/Default.aspx

Được đăng trên trang Lúa gạo của NGUYỄN CHÍ CÔNG

11/3/09

Bọ xít đen hại lúa và cách phòng trị



TINKHOAHOC. Trên trang Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Quang Lãng đã trao đổi về bọ xít đen hại lúa và cách phòng trị.

Hỏi: Lúa đông xuân 2008-2009 ở chỗ chúng tôi đang bị bọ xít đen gây hại rất nhiều. Cây lúa bị vàng, nếu nặng có thể làm cho cả cây lúa bị khô cháy. Xin được nói rõ về con bọ xít này và phải làm gì để phòng trị chúng? Nguyễn Đình Miền và một số nông dân ở Hải Lăng (Quảng Trị).

Trả lời: Bọ xít đen (Scotinophora sp.), thuộc họ Bọ xít (Pentatomidae), Bộ cánh nửa (Hemiptera). Trước đây ở các tỉnh phía Nam loài bọ xít này chỉ xuất hiện rải rác và gây hại không đáng kể, nhưng những năm gần đây chúng xuất hiện và gây hại nhiều hơn, trên các giống lúa mùa cũng như các giống lúa ngắn ngày. Thực tế đồng ruộng cho thấy những giống nào không kháng được rầy nâu, thì thường là những giống bị bọ xít đen gây hại nhiều hơn những giống khác.

Con trưởng thành của loài bọ xít này dài khoảng 8-10 mm, chiều rộng cơ thể khoảng 5-6 mm, có mầu đen hoặc nâu đen. Nếu bị khua động chúng thường tiết ra mùi hôi để tự vệ. Ban ngày ẩn náu dưới gốc lúa (nếu ruộng khô chúng chui xuống các lỗ nẻ hoặc nấp trong rễ lúa). Chúng có thể lặn sâu trong nước ruộng để lẩn trốn nhờ các bọt không khí bám quanh lớp da không thấm nước. Bọ xít đen rất thích ánh sáng đèn, nên ban đêm thường thấy chúng bay vào những bóng đèn thắp gần khu vực trồng lúa, nhất là ở những vùng, những ruộng lúa vừa được gặt (do không còn chỗ trú ẩn).

Một con trưởng thành cái có thể đẻ vài trăm trứng (trung bình khoảng 200 quả). Trứng hình trụ (giống cái trống), mầu hồng hơi xanh. Trứng được đẻ thành từng ổ trên bẹ lá, phiến lá (kể cả lá khô) nằm gần mặt nước ruộng. Mỗi ổ trứng khoảng 15-20 quả, thường được xếp thành 3-4 hàng. Trứng có thể bị ung (không nở), nếu bị ngâm trong nước khoảng một ngày đêm. Giai đoạn trứng kéo dài 4-5 ngày.

Con ấu trùng có hình bầu dục, mới nở kích thước cơ thể khoảng 1-2 mm, mầu nâu đỏ, chưa có cánh, di chuyển chậm chạp. Khi lớn có mầu tro nâu. Thời gian ấu trùng kéo dài khoảng một tháng.

Cả con trưởng thành và con ấu trùng đều bu bám ở phần gốc của cây lúa (gần mặt đất hoặc mặt nước) để chích hút nhựa. Để lại những đốm mầu vàng, làm cho lá chân của cây lúa bị vàng dần. Nếu bị hại nhẹ, cây lúa sinh trưởng và phát triển kém, nếu bị hại nặng cây lúa có thể bị khô héo, chết từng khóm, từng chòm (giống như bị cháy rầy). Ở thời kì trỗ, nếu bị hại nặng hạt lúa có thể bị lép, hoặc bạc trắng, gây thất thu năng suất rất nhiều.

Để hạn chế tác hại của bọ xít đen, các bạn phải tiến hành kết hợp một số biện pháp sau:
- Cuối mỗi vụ lúa hoặc trước khi xuống giống vụ sau, cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, tiêu diệt hết lúa chét, cỏ dại (nhất là cỏ mồm, cỏ bắc, cỏ đuôi chồn… là những kí chủ phụ của bọ xít), đốt hết gốc rạ vụ trước để tiêu diệt bọ xít, không cho chúng sống sót, sinh sản lan truyền cho vụ sau.
- Không nên gieo sạ quá dầy, nên sạ khoảng 100-120 kg giống cho một ha là vừa (nếu sạ hàng chỉ cần khoảng 70-80 kg).

- Cần bón cân đối hợp lý giữa đạm, lân và kali. Không nên bón quá nhiều đạm để hạn chế chồi vô hiệu. Diệt sạch sẽ cỏ dại để ruộng lúa luôn thông thoáng, giảm bớt điều kiện thuận lợi cho bọ xít phát sinh, phát triển.

- Kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để phát hiện sớm và phun xịt thuốc diệt trừ bọ kịp thời. Do bọ xít đen thường tập trung ở phần gốc của cây lúa, vì thế khi đi kiểm tra các bạn phải lội hẳn xuống ruộng kiểm tra kỹ từng bụi lúa (giống như kiểm tra rầy nâu) thì mới có thể phát hiện sớm từ khi mật độ bọ còn thấp. Kinh nghiệm của một số nông dân Long An là khi thấy bọ xít đen bay vào đèn, hoặc chớm thấy lá bị vàng ngọn hoặc lá chân bị rủ thì phải kiểm tra bọ xít ngay.

Khi phát hiện có bọ xít trên ruộng, nếu ruộng chủ động nước các bạn có thể bơm nước cao khoảng 15-20 cm, rồi giữ mực nước này khoảng 2 ngày, để ổ trứng bị ngập, trứng sẽ bị ung không nở được. Sau đó rút cạn bớt nước (chỉ để còn khoảng vài cm) rồi rải thuốc hột như: Virigent 0.3G; Sago-Super 3G; Vicarp 4H; Diaphos 10G...
Cũng có thể phun xịt một trong những loại thuốc như: Vifast 10SC; Bifentox 30ND; Vibasa 50ND; Sherzol 205EC…

Nhớ xịt trực tiếp xuống gốc lúa, nơi bọ xít đang bu bám và gây hại.

VŨ QUANG LÃNG
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/84/84/29565/Default.aspx

9/3/09

200.000 dòng lúa đột biến phục vụ cho nghiên cứu chức năng genome học của họ hòa thảo



TINKHOAHOC. Mặc dù bộ gen cây lúa đã được giải mã vào năm 2002, các nhà khoa học vẫn chưa đọc được các chức năng của từng gen trong 50.000 gen. Để đạt được mục đích ấy, họ đang xây dựng kho dự trữ các giống lúa biến đổi gen, hầu hết là những dòng đột biến bị mất đi một chức năng nào đó, nhằm hiểu rõ hơn bộ genome của Oryza. Gần đây, consortium quốc tế về genome học chức năng cây lúa (IRFGC) đã tạo ra một bộ dòng lúa đột biến với 200.000 mutants. Những dạng đột biến như vậy của hơn một nửa số gen có chức năng đã được ghi nhận trên bản đồ di truyền cây lúa. 200.000 dòng đột biến này được ghi nhận trên bản đồ nhờ sự kiện chèn vào của “flanking sequence tags” (những phân tử đánh dấu trình tự kế cận nhau) – đó là những hợp phần bé nhỏ của DNA, hoặc “molecular tags” hợp nhất trong bộ gen lúa. Cách tiếp cận này rất hữu dụng bởi vì nó cho phép nhà khoa học liên kết được một vị trí vật lý trên genome với một gen chuyên biệt nào đó, và đặc điểm thấy được của nó, hoặc kiểu hình của nó. Các dòng đột biến như vậy sẽ giúp cho nhà khoa học thu nhận kết quả trên cây bắp, lúa mì, lúa mạch, vì cây lúa được xem như cây mô hình của nhóm mễ cốc. Xem chi tiết https://www.vbi.vt.edu/public_relations/press_releases/rice_lines_available_for_investigation Bài viết trên tạp chí Plant Physiology trên địa chỉ http://www.plantphysiol.org/cgi/content/full/149/1/165 hoặc tra cứu trên trang web của IRRI http://irfgc.irri.org/index.php

GS.TS. Bùi Chí Bửu

Không có ảnh hưởng nào của hiện tượng dòng chảy gen từ cây bắp biotech

TINKHOAHOC. Giống bắp volunteers từ giống biến đổi gen MON810 được chứng minh là không có ảnh hưởng nào đến năng suất của giống bắp truyền thống do dòng chảy gen Gene Flow). Sự xuất hiện của những giống bắp biến đổi gen có tính chất volunteers như vậy trên đồng ruộng chưa đủ để đạt ngưỡng 0,9 “adventitious GM” do Ủy Ban Châu Âu đề ra. Đó là phát biểu của Institut de Recerca y Tecnologica Agroalimentaries (IRTA) và Đại học Girona, Tây Ban Nha. Kết luận này có được từ kết quả nghiên cứu ở vùng Foixa, Girona, Tây Ban Nha. Tính kháng côn trùng của cây bắp Bt và của cây bắp truyền thống được quan sát trên 3 năm ở qui mô ruộng đại trà, 2004-2006. Trong thời gian này, có khoảng 30-35% giống bắp thương mại được trồng là bắp biến đổi gen. Các nhà nghiên cứu cho rằng volunteers biểu thị kém cường lực lai so với cây bình thường trong điều kiện khí hậu hiện tại. Cho dù có sự thụ phấn chéo xảy ra thông qua giống volunteers, chúng đều thể hiện sự phát triển kém cờ bắp, với mức độ thấp từ 3,05 xuống còn <0,10%, trung bình là 0,37 ± 0,11. Xem tạp chí Transgenic Research tại http://dx.doi.org/10.1007/s11248-009-9250-7.

(Bùi Chí Bửu)

Cải tiến năng suất nông nghiệp và thị trường đối với an ninh lương thực toàn cầu và dinh dưỡng

TINKHOAHOC. Trong phần kết luận tại “World Islamic Economic Forum” lần thứ Năm ở Jakarta, Indonesia, Joachim Von Braun, Tổng Giám Đốc của tổ chức “International Food Policy Research Institute” đã nhấn mạnh rằng có những trong thập niên tới với 3 chiến lược quan trọng cho nhà làm chính sách, các nhà thực thi sự phát triển, các nhà đầu tư và những lĩnh vực tư nhân cần phải cam kết với nhau chiến thắng đói nghèo trong những thập niên tới. Đó là: gia tăng đầu tư trong năng suất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho thương nghiệp trong dự trữ lương thực hạt ở qui mô toàn cầu và khu vực, và đầu tư phục vụ nội dung bảo vệ an sinh xã hội và dinh dưỡng cho trẻ em. Ông nói rằng ông rất lạc quan về những giải pháp có sự kết hợp các chính sách quốc gia và sự hợp tác quốc tế; sự cam kết của cộng đồng quốc tế sẽ giúp choviệc giảm đói nghèo, số người suy dinh dưỡng rất có ý nghĩa. Xem chi tiết http://www.ifpri.org/pressrel/2009/20090303.asp

(Bùi Chí Bửu)

Phát triển giống bắp giàu đường

TINKHOAHOC. Nhờ khai thác gen “Glossy 15”, các nhà khoa học thuộc Đại Học Illinois đã phát triển được giống bắp chuyển gen sản sinh ra lượng sinh khối cao. Gen này được phân lập đầu tiên với biểu hiện cây con có lớp sáp bao bọc nhằm bảo vệ chúng ánh sáng gay gắt của mặt trời, nhờ hệ thống lọc của lớp sáp. Gen này cũng có nhiệm vụ làm chậm sự trưởng thành của chồi thân. Stephen Moose và ctv. đã quan sát sự khuếch đại của gen Glossy 15 trong cây bắp do cây được kích hoạt. mặc dù chúng có ít hạt, nhưng bù lại cây sản sinh nhiều đường hơn trong thân bắp. Điều này làm cho giống bắp trở nên thích ứng với nhu cầu phục vụ thức ăn gia súc và cây cho nhiên liệu sinh học. Xem chi tiết http://www.aces.uiuc.edu/news/stories/news4683.html

(Bùi Chí Bửu)

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!