Lưu trữ Blog

14/4/09

Kết quả khảo nghiệm cơ bán giống ngô đường và ngô nếp ở phía Bắc vụ đông 2008


TINKHOAHOC. Theo báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 15/4/2009 nguồn tin của ThS Nguyễn Tiên Phong: Vụ đông 2008, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia đã tiến hành khảo nghiệm cơ bản 9 giống ngô đường và ngô nếp mới được lai tạo trong nước và nhập nội trong mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia ở các tỉnh phía Bắc. Kết luận: Hai giống ngô nếp MX6 và Milky 36 qua ba vụ khảo nghiệm có triển vọng, đề nghị công nhận cho sản xuất thử. Giống ngô đường Starbrix 07 cần kết hợp với kết quả khảo nghiệm DUS để xác định tính khác biệt. Giống ngô nếp TK1 có triển vọng cần tiếp tục khảo nghiệm cơ bản kết hợp khảo nghiệm sản xuất.

NHẬN XÉT CÁC GIỐNG NGÔ

Nhóm ngô đường
Giống qua khảo nghiệm 3 vụ
Starbrix 07: TGST tương đương đối chứng (ĐC) Sugar 75, cây sinh trưởng phát triển khỏe, đóng bắp thấp, che kín bắp (điểm 1,3), nhiễm nhẹ sâu bệnh, bắp to đều, hạt tươi màu vàng nhạt. Năng suất bắp thu ăn tươi dao động từ 71,43 – 96,19 tạ/ha, trung bình tại các điểm đạt (87,64 tạ/ha). Chất lượng ăn tươi tương đương Sugar 75.

Giống qua khảo nghiệm 1 vụ

Hai giống Win99 và Đường lai số 10 khảo nghiệm vụ đầu cho thấy TGST ngắn, cây sinh trưởng phát triển khỏe, năng suất đạt cao. Giống Win 99 và đường lai số 10 cho năng suất cao vượt ĐC Sugar 75 (89,75 tạ/ha). Chất lượng ăn tươi tương đương Sugar 75.

Nhóm ngô nếp
Giống qua khảo nghiệm 2 - 3 vụ
MX6: TGST (94 ngày) dài hơn ĐC MX4 khoảng 3 ngày, cây sinh trưởng khoẻ, chiều cao cây và chiều cao đóng bắp thấp, độ đồng đều khá (điểm 2,0), che kín bắp (điểm 2,5), nhiễm nhẹ sâu bệnh, chịu úng khá (điểm 2), bắp to đều, dạng hạt đá, hạt tươi màu trắng đục. Năng suất bắp thu ăn tươi trung bình tại các điểm đạt 78,54 tạ/ha. Chất lượng ăn tươi tương đương MX4.

Milky 36: TGST tương đương ĐC MX4, cây sinh trưởng phát triển khỏe, thấp cây, che kín bắp (điểm 1,3), nhiễm nhẹ sâu bệnh, bắp to đều, tỉ lệ hạt/bắp cao (74,5 %), dạng hạt đá, hạt tươi màu trắng đục. Năng suất bắp thu ăn tươi cao hơn MX4 có ý nghĩa tại 4/5 điểm khảo nghiệm, tại Hải Dương đạt cao nhất 103,40 tạ/ha, trung bình tại các điểm đạt 88,33 tạ/ha. Chất lượng ăn tươi: Hương thơm và vị đậm hơn MX4, độ dẻo kém MX4.

TK1: TGST dài hơn ĐC MX4 khoảng 7 ngày. Chiều cao cây và chiều cao đóng bắp trung bình, độ đồng đều khá (điểm 2,0), sinh trưởng khoẻ, sâu đục thân (điểm 2,0), đục bắp (điểm 2,0), nhiễm bệnh khô vằn (5,2 %), chịu úng tốt (điểm 1), bắp to dài, tỉ lệ kết hạt khá (71,7%). Năng suất bắp tươi cao hơn ĐC MX4 có ý nghĩa tại 5/5 điểm khảo nghiệm, năng suất bắp thu ăn tươi trung bình đạt cao nhất trong nhóm (99,88 tạ/ha). Chất lượng ăn tươi: Độ dẻo kém so với MX4, hương thơm và vị đậm tươi tương đương MX4.

Giống qua khảo nghiệm 1 vụ

Ba giống Wax45, Wax48 và Wax50 khảo nghiệm vụ đầu cho thấy giống Wax48 và Wax50 có nhiều ưu điểm nổi trội, TGST ngắn. Chiều cao cây và chiều cao đóng bắp thấp, sinh trưởng khoẻ, sâu đục thân (điểm 1,5 – 1,8), đục bắp (điểm 1,5 – 1,8), nhiễm nhẹ bệnh khô vằn, chịu úng tốt (điểm 1). Năng suất bắp tươi trung bình đạt cao trong nhóm. Chất lượng ăn tươi: Độ dẻo và hương thơm tương đương MX4, đậm hơn MX4.

TÌNH HÌNH SÂU BỆNH VÀ KHẢ NĂNG CHỊU ÚNG

1. Tình hình sâu bệnh:
- Các giống ngô bị sâu đục thân và đục bắp hại ở mức độ nhẹ đến trung bình. Các giống ngô nếp, ngô đường bị sâu đục thân hại đều nhẹ hơn ĐC Sugar75 và MX4. Giống bị sâu đục bắp nặng hơn ĐC MX4 và Sugar75 là Wax45, Milky36, TK1 và Đường lai số 10.

- Các giống nhiễm rệp cờ ở mức độ từ không nhiễm đến nhiễm nhẹ (điểm 1- 2).

- Ở nhóm ngô đường mức độ nhiễm bệnh khô vằn của các giống nhẹ hơn so với ĐC, dao động từ 3,6 - 4,1%. Nhóm ngô nếp, hầu hết các giống đều có tỉ lệ nhiễm khô vằn nhẹ hơn so với ĐC MX4, riêng giống Wax45 và TK1 tỉ lệ nhiễm khô vằn (5,1 - 5,2 %) cao hơn ĐC MX4.

2. Khả năng chịu úng của các giống:
Thời tiết vụ đông 2008 nhìn chung không thuân lợi cho cây trồng nói chung và cho cây ngô nói riêng, mưa nhiều, khả năng chịu úng của các giống tham gia khảo nghiệm đều khá (điểm 2), riêng hai giống Starbrix07 và Wax45 chịu úng kém hơn, điểm 2,5.

Ghi chú: Đánh giá mức độ sâu bệnh trên đồng ruộng có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

+ Sâu đục thân, sâu đục bắp
Điểm 1: < 5% số cây, số bắp bị sâu.
Điểm 2: 5 - <15% số cây, bắp bị sâu.
Điểm 3: 15 - <25% số cây, bắp bị sâu.
Điểm 4: 25 - <35% số cây, bắp bị sâu.
Điểm 5: 35 - <50% số cây, bắp bị sâu.

+ Rệp cờ
Điểm 1: Không có rệp
Điểm 2: Rất nhẹ, có từ một - một quần tụ rệp trên lá, cờ.
Điểm 3: Nhẹ, xuất hiện một vài quần tụ rệp trên lá, cờ.
Điểm 4: Trung bình, số lượng rệp lớn, không thể nhận ra các quần tụ rệp.
Điểm 5: Nặng, số lượng rệp lớn, đông đặc, lá và cờ kín rệp.

+ Chịu úng
Điểm 1: Tốt; Điểm 2: Khá; Điểm 3: Trung bình; Điểm 4: Kém; Điểm 5: Rất kém.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
1. Các giống qua 3 vụ khảo nghiệm có triển vọng, đề nghị công nhận cho sản xuất thử là MX6 và Milky 36. Giống Starbrix 07 cần kết hợp với kết quả khảo nghiệm DUS để xác định tính khác biệt.

2. Đề nghị tiếp tục khảo nghiệm cơ bản kết hợp khảo nghiệm sản xuất giống TK1.

3. Các giống qua 1 - 2 vụ khảo nghiệm, tiếp tục khảo nghiệm cơ bản.

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!