Lưu trữ Blog

14/11/14

Tư liệu bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

TINKHOAHOC. Các bản đồ cổ Việt Nam nhất quán khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa thuộc về Việt Nam. Bản đồ cổ Trung Quốc cũng nhất quán ghi nhận hai quần đảo này không liên quan gì đến cương giới, lãnh thổ Trung Quốc. Điều này, một lần nữa được xác nhận bởi hàng trăm bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây xuất bản từ đầu thế kỷ XVI đến thập niên 80 của thế kỷ XX. Nguồn:  Tư liệu bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa – Phần 1 (FB Trần Đức Anh Sơn); Tư liệu bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa – Phần 2  (FB Trần Đức Anh Sơn).























TƯ LIỆU BẢN ĐỒ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

Trần Đức Anh Sơn
Bài viết sau đây của tôi là bài tổng hợp những bài viết trước đó về bản đồ cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa trong những năm qua, có bổ sung thêm tư liệu mới. Bài này đã in 2 kỳ trên tạp chí PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐÀ NẴNG (Số 57 và 58 - Tháng 9 và tháng 10/2014). Tạp chí in có hạn, nhưng có nhiều người gửi mail xin quá. Vậy nên tôi đề nghị ai cần thì vào địa chỉ: www.dised.danang.gov.vn để tải bản pdf về đọc nhé. Nếu ai làm biếng tải về từ địa chỉ trên thì có thể đọc ở đây. (Kỳ 1)

Bản đồ cổ là một trong những nguồn tư liệu quan trọng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Chúng tôi đã tiếp cận và thu thập hàng trăm bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bao gồm: bản đồ do nhóm nghiên cứu đề tài Fond tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - Thành phố Đà Nẵng sưu tầm; bản đồ do kỹ sư Trần Thắng (Việt kiều ở bang Connecticut, Hoa Kỳ) sưu tầm và hiến tặng; bản đồ do tôi sao chụp từ các văn khố, thư viện ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu trong thời gian tham gia đoàn làm phim Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời trong năm 2013.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp nhận thông tin và hình ảnh các bản đồ được công bố trong các biên khảo, bài nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ đó chúng tôi đã tập hợp thành một fond tư liệu bản đồ nhằm chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Fond tư liệu bản đồ này gồm bốn thư mục:

- Các bản đồ biên soạn và xuất bản ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa;
- Các bản đồ biên soạn và xuất bản ở phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa;
- Các bản đồ biên soạn và xuất bản ở Trung Quốc từ đầu Công nguyên đến đầu thế kỷ XX chứng minh quần đảo Hoàng Sa không thuộc về Trung Quốc;
- Các bản đồ biên soạn và xuất bản ở phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX chứng minh quần đảo Hoàng Sa không thuộc về Trung Quốc.

I. BẢN ĐỒ CỔ VIỆT NAM CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

Ngoài các thư tịch cổ do các nhà nước phong kiến Việt Nam và các bậc thức giả đương thời biên soạn, xác nhận quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (và quần đảo Trường Sa), còn có nhiều bản đồ, địa đồ, dư đồ... được soạn vẽ trong các thế kỷ XVI - XIX xác nhận Hoàng Sa nằm trong cương vực nước ta. Đó là những bản đồ hành chính quốc gia, bản đồ các tỉnh thành do nhà nước tổ chức soạn vẽ, cùng những địa đồ, dư đồ... trong các tác phẩm sử học, địa dư, địa phương chí... do các học giả đương thời biên soạn.

Trên những bản đồ, địa đồ, dư đồ... này, quần đảo Hoàng Sa được vẽ hoặc ghi tên bằng chữ Nôm như: 罢葛鐄, ��葛鐄, 罷葛鐄, 罷吉鐄, 罷吉黄, 罷割鐄 (đều đọc là Bãi Cát Vàng), 罢沙鐄 (Bãi Sa Vàng), 葛鐄處 (Cát Vàng xứ), ��鐄 (Cồn Vàng)…; hoặc bằng chữ Hán như: 黃沙 (Hoàng Sa), 黃沙洲 (Hoàng Sa châu), 黃沙渚 (Hoàng Sa chử), 黃沙處 (Hoàng Sa xứ), 大長沙 (Đại Trường Sa), 萬里黃沙 (Vạn Lý Hoàng Sa), 萬里長沙 (Vạn Lý Trường Sa)…, nằm ở ngoài khơi vùng biển miền Trung Việt Nam ngày nay.

Những bản đồ cổ Việt Nam vẽ vào các thế kỷ XVII - XVIII chủ yếu là bản đồ khổ ngang theo lối vẽ bản đồ truyền thống của Trung Hoa, có cách thể hiện phương vị là: phương tây ở phía trên, phương đông ở phía dưới, phương bắc ở bên phải và phương nam ở bên trái. Trên những bản đồ khổ ngang này, hình vẽ hoặc địa danh Hoàng Sa thường được thể hiện ở phía dưới bản đồ. Phía trên bản đồ thường có phần chú dẫn bằng chữ Hán miêu tả hình thế núi sông, diễn giải vị thế, diên cách các địa phương và địa danh được đề cập trên bản đồ. Tiêu biểu cho những bản đồ khổ ngang này là tờ bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá (tự là Công Đạo) vẽ vào năm 1686.

Sang thế kỷ XIX, lối vẽ bản đồ khổ ngang truyền thống vẫn được tiếp tục. Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ XVIII có nhiều kỹ sư, công binh, chuyên gia quân sự người Pháp tham gia vào lực lượng của Nguyễn Ánh trong cuộc chiến tranh Nguyễn - Tây Sơn. Có lẽ họ là những người đã du nhập kỹ thuật vẽ bản đồ khổ dọc với các phương pháp đo đạc và định vị hiện đại hơn của phương Tây vào Việt Nam. Sau khi triều Nguyễn thành lập (1802), những chuyên gia người Pháp này vẫn còn phục vụ cho các vua Gia Long (1802 - 1820), Minh Mạng (1820 - 1841)… Vì thế, kỹ thuật vẽ bản đồ đã có những thay đổi căn bản vào thời Nguyễn, mà kết quả là sự ra đời của tấm bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vào năm 1838 đời Minh Mạng. Đây là bản đồ hành chính đầu tiên của nước ta được vẽ theo khổ dọc, với phương bắc ở trên, phương nam ở dưới, phương đông ở bên phải và phương tây ở bên trái. Trên bản đồ này, hình vẽ Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa xuất hiện ở bên phải bản đồ, tương tự như trên các bản đồ Việt Nam sau này.

Bản đồ đầu tiên của Việt Nam có đề cập Hoàng Sa được ghi nhận cho đến thời điểm này, là tờ bản đồ xứ Quảng Nam trong Toản tập An Nam lộ do Đỗ Bá biên soạn vào đời Chính Hòa (1680 - 1705). Đây là bản đồ khổ ngang truyền thống. Bản đồ có ghi ba chữ Nôm Bãi Cát Cá Vàng ở phía dưới, nằm trong vùng biển ngoài khơi phủ Quảng Ngãi thuộc xứ Quảng Nam lúc bấy giờ.

Năm 1686, Đỗ Bá biên soạn Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư [1] theo lệnh của chúa Trịnh, trên cơ sở hiệu chỉnh và chú dẫn những địa đồ, bản đồ nước ta được soạn vẽ từ thế kỷ XV và những bản đồ trong Toản tập An Nam lộ của ông. Trong toản tập này có tờ bản đồ vẽ hình thế huyện Bình Sơn (phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam) và vùng biển phía đông huyện này. Đây cũng là tờ bản đồ khổ ngang, phía trên có phần chú dẫn bằng chữ Hán viết về Bãi Cát Vàng, là hòn đảo nằm ở phía đông huyện này. Chú dẫn miêu tả khoảng cách từ đất liền đi đến Bãi Cát Vàng và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trị vì Đàng Trong:

“...Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Mỗi lần có gió tây nam thì thuyền buôn các nước đi ở phía trong trôi giạt ra đây; gió đông bắc thì thuyền buôn chạy phía ngoài cũng trôi giạt vào đây, đều bị chết đói hết cả. Hàng hóa đều vứt bỏ nơi đây. Họ Nguyễn [2] mỗi năm vào tháng cuối đông, họ Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đây thu nhặt hàng hóa, của cải, phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đây [mất] một ngày rưỡi, từ cửa Sa Kỳ đến đây [mất] nửa ngày...” (Bản đồ 1). Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá đã được sao chép lại vào thế kỷ XIX, riêng các bản đồ thì được tô thêm màu sắc. Tờ bản đồ có miêu tả về Bãi Cát Vàng cũng được tô màu, nhưng hình vẽ và chú dẫn về Bãi Cát Vàng vẫn không thay đổi (Bản đồ 2).

Ngoài Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, còn có một số tập bản đồ được soạn vẽ trong thế kỷ XVIII, trong đó có các tờ bản đồ vẽ xứ Quảng Nam hoặc phủ Quảng Ngãi, có miêu tả, ghi danh hoặc chú dẫn về Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) là đảo thuộc về nước ta thuở ấy. Đó là các bản đồ trong: Thiên Nam lộ đồ do Nhữ Ngọc Hoàn biên soạn vào năm 1771; Giáp Ngọ niên bình Nam đồ do Đoan Quận công Bùi Thế Ðạt biên soạn trong các năm 1774 - 1775; Thiên hạ bản đồ (khuyết danh) biên soạn vào thời Lê, sao lục vào thời Nguyễn (Bản đồ 3); An Nam hình thắng đồ phụ Nam Bắc xứ đồ (khuyết danh) biên soạn vào cuối thế kỷ XVIII... Các bản đồ này đều là bản đồ khổ ngang, phần dưới vẽ bản đồ, phần trên ghi chú dẫn, miêu tả về Bãi Cát Vàng, nội dung tương tự như chú dẫn trên tờ bản đồ vẽ huyện Bình Sơn trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá.

Sang thế kỷ XIX, các tờ bản đồ khổ ngang có miêu tả hoặc ghi các địa danh: Bãi Cát Vàng, Cát Vàng xứ, Hoàng Sa... tiếp tục được soạn vẽ hoặc sao chép từ thư tịch cổ thời Lê. Đáng chú ý là những bản đồ trong các tác phẩm sau:

- Thiên tải nhàn đàm do Đàm Thận Hữu biên soạn vào năm Gia Long thứ 9 (1810) có ba tờ bản đồ đều có tên là Quảng Nam tam phủ cửu huyện: bản đồ thứ nhất có vẽ hòn đảo ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi và chú thích 沙金堆俗号罢吉鐄 (Sa Kim đồi tục hiệu Bãi Cát Vàng: Cồn cát vàng, tục gọi là Bãi Cát Vàng) (Bản đồ 4 - Bản đồ này không load được ở đây); bản đồ thứ hai cũng vẽ hòn đảo ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi, ghi tên Nôm là 葛鐄處 (Cát Vàng xứ) (Bản đồ 5); bản đồ thứ ba cũng vẽ hòn đảo ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi, ghi tên Nôm là 罢葛鐄 (Bãi Cát Vàng) (Bản đồ 6).

- Nam Việt bản đồ (khuyết danh) biên soạn vào thế kỷ XIX, có tờ bản đồ vẽ hình thế hai phủ Thăng Hoa và Quảng Ngãi và vùng biển ngoài khơi hai phủ này. Phía trên tờ bản đồ này có chú dẫn bằng chữ Hán miêu tả khoảng cách từ đất liền đến hòn đảo nằm ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi, tên Nôm là 罢葛鐄 (Bãi Cát Vàng) và các đặc điểm địa lý, sản vật của đảo này (Bản đồ 7).

- An Nam dư địa chí biên soạn vào thế kỷ XIX, có tờ bản đồ vẽ hình thế nước ta từ Bắc vào Nam. Trên bản đồ này có vẽ hòn đảo tên là 黃沙渚 (Hoàng Sa chử: bãi Hoàng Sa) ở ngoài khơi phủ Thừa Thiên (Bản đồ 8).

Ngoài ra còn có một số bản đồ khổ ngang khác, đều có tên là Bản quốc địa đồ vẽ hình thế nước ta từ Bắc chí Nam, xuất hiện trong nhiều tác phẩm biên soạn vào thế kỷ XIX như:
- Khải đồng thuyết ước do Phạm Vọng biên soạn vào năm 1853, tiến sĩ Ngô Thế Vinh nhuận sắc, khắc in vào năm 1881 dưới triều Tự Đức (1848 - 1883) dùng làm sách giáo khoa bậc tiểu học. Trong sách này có in hình Bản quốc địa đồ, trên đó có vẽ hòn đảo tên là 黃沙渚 (Hoàng Sa chử: bãi Hoàng Sa) nằm ở ngoài khơi vùng biển miền Trung (Bản đồ 9). 

Việc đưa bản đồ có ghi địa danh Hoàng Sa vào sách giáo khoa tiểu học cho thấy triều Nguyễn rất coi trọng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và giáo dục ý thức chủ quyền đó đối với thế hệ trẻ đương thời.

- Nam Việt địa dư trích lục là tập biên khảo về địa lý các tỉnh nước ta thời Nguyễn. Trong biên khảo này cũng có tờ bản đồ tên là Bản quốc địa đồ, trên đó có vẽ hòn đảo tên là 黃沙渚 (Hoàng Sa chử: bãi Hoàng Sa) nằm ở ngoài khơi vùng biển miền Trung (Bản đồ 10).

- Nam Việt địa đồ quốc hiệu sơn thủy bảo hóa cựu lục là tập biên khảo và địa đồ, khảo quốc hiệu nước ta qua các đời, niên hiệu của triều vua và núi sông tiêu biểu của cả nước. Tập biên khảo này cũng có tờ bản đồ tên là Bản quốc địa đồ, trên đó có vẽ hòn đảo tên là 黃沙渚 (Hoàng Sa chử: bãi Hoàng Sa) nằm ở ngoài khơi vùng biển miền Trung (Bản đồ 11).

Thành tựu lớn nhất trong việc soạn vẽ bản đồ thời Nguyễn là sự ra đời tấm bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vào năm 1838 (Bản đồ 12 và Bản đồ 13). Những ghi chép trong các bộ chính sử thời Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Minh Mạng chính yếu… đều cho biết các vua Gia Long và Minh Mạng đã ra lệnh cho bộ Công hàng năm phái người ra khảo sát các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa ở ngoài Biển Đông, xác định vị trí các đảo, ghi lên bản đồ đem về dâng trình cho nhà vua. Những chuyến đi này đã cung cấp các dữ liệu quan trọng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để Vệ Giám thành tập hợp đưa vào bản đồ hành chính chính thức, ghi nhận hai quần đảo này là những thực thể địa lý thuộc chủ quyền của nước ta đương thời.

Ngoài ra, trong phần dẫn của bài thơ Vọng kiến Vạn Lý Trường Sa [3] do tiến sĩ Lý Văn Phức (1785 - 1849), Hữu tham tri bộ Lễ và Quyền Thủy sư kinh kỳ thời Nguyễn cảm tác, có chép việc các vua đầu triều Nguyễn đã thuê những thủy thủ dày dạn kinh nghiệm và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của phương Tây, trực tiếp dẫn dắt binh thuyền của triều đình đi ra Biển Đông khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ. Kết quả của những chuyến khảo sát biển đảo thường xuyên và liên tục này là sự ra đời của Đại Nam nhất thống toàn đồ. Đây là tấm bản đồ khổ dọc đầu tiên của nước ta, và là bản đồ cập nhật nhiều thông tin mới có độ chính xác khá cao về biển đảo Việt Nam đương thời. Trên bản đồ này hình thế nước ta được thể hiện gần giống với hình thế Việt Nam trên các bản đồ do các nước phương Tây xuất bản trong các thế kỷ XVII - XIX, với đường bờ biển phía đông cong hình chữ S và hình vẽ hai quần đảo 黃沙 (Hoàng Sa) và 萬里長沙 (Vạn Lý Trường Sa) trong vùng biển nước ta. Đây là bản đồ hành chính đầu tiên của triều Nguyễn có sự phân biệt giữa quần đảo Hoàng Sa với quần đảo Trường Sa, dù bên ngoài hai quần đảo này vẫn còn một đường vẽ đứt đoạn bao quanh cả hai quần đảo trong một thực thể chưa được tách biệt rõ ràng. Ngoài ra, vua Minh Mạng còn cho biên soạn và ấn hành tập Địa đồ vẽ bản đồ các tỉnh của nước Đại Nam dưới triều Minh Mạng, trong đó, có tờ bản đồ vẽ hai dải đảo được định danh là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa.

Vua Thiệu Trị (1841 - 1847) tiếp tục sự nghiệp soạn vẽ bản đồ của tiền triều bằng việc hoàn thiện và xuất bản bộ Đại Nam toàn đồ. Đây là tập bản đồ nước ta vẽ bằng nhiều màu, gồm một bản đồ toàn quốc và bản đồ các tỉnh trong nước. Đại Nam toàn đồ cũng là bản đồ khổ dọc, kế tục thành tựu vẽ bản đồ theo kỹ thuật phương Tây, trên đó có ghi tên 72 cửa biển từ Bắc vào Nam và các đảo ngoài khơi của Việt Nam, bao gồm cả 黃沙 (Hoàng Sa) ở ngoài khơi vùng biển miền Trung (Bản đồ 14).

Dưới triều Tự Đức (1848 - 1883), triều đình ấn hành tập bản đồ Nam Bắc kỳ hội đồ trên cơ sở chỉnh lý Đại Nam nhất thống toàn đồ đời Minh Mạng và cập nhật, bổ sung nhiều địa danh của nước ta, cả trong đất liền lẫn ngoài hải đảo, trong đó có Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa.
Nhìn chung, các bản đồ thời Nguyễn đã đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật vẽ bản đồ, chuyển từ kiểu vẽ bản đồ khổ ngang truyền thống sang kiểu vẽ bản đồ khổ dọc với kỹ thuật đo vẽ hiện đại hơn, hình thế quốc gia trên các bản đồ này cũng gần sát với thực tế hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là dù được vẽ theo cách truyền thống hay hiện đại, thì các bản đồ Việt Nam có niên đại vào các thế kỷ XVII - XIX luôn có hình vẽ hoặc có tên quần đảo Hoàng Sa bằng chữ Nôm hoặc chữ Hán, cho dù đó là những bản đồ do nhà nước ấn hành, hay là những địa đồ, dư đồ… đính kèm trong các biên khảo của các học giả. Điều này chứng tỏ quần đảo Hoàng Sa (và quần đảo Trường Sa) là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam trong hàng trăm năm qua và các nhà nước phong kiến cũng như các học giả, trí thức Việt Nam trong các thế kỷ XVII - XIX chưa bao giờ sao nhãng ý thức chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo này.

II. BẢN ĐỒ CỔ PHƯƠNG TÂY CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

Trong các thế kỷ XVI - XX, các nhà hàng hải, nhà phát kiến địa lý, nhà bản đồ học... ở phương Tây đã biên soạn và xuất bản nhiều bản đồ về châu Á và khu vực Đông Nam Á, trong đó có nhiều bản đồ ghi nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (và quần đảo Trường Sa).

Từ thế kỷ XVI, các nhà hàng hàng hải Bồ Đào Nha trong hành trình khám phá thế giới và tìm kiếm thị trường từ đã đi qua Biển Đông để đi tới các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Cao Ly…. Họ đã ghi chép và vẽ bản đồ các đảo và quần đảo trong vùng biển này và đặt tên cho chuỗi đảo nằm ở ngoài khơi vương quốc Đàng Trong là Pracel (hay Parcel) và gọi nhóm đảo lớn nhất nằm ở cực bắc Pracel là I. des baixos Cachina [4] hay I. da Pracell.[5] Họ cũng gọi vùng bờ biển ở phía tây, đối diện với Pracel là Costa da Pracel (Bờ biển Hoàng Sa). Quần đảo mà người Bồ Đào Nha gọi là Pracel chính là nhóm đảo mà người Việt đương thời gọi là Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa, còn Costa da Pracel là vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, trải dài từ cửa biển Đại Chiêm ở Hội An (Quảng Nam) đến cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi).

Như vậy là từ thế kỷ XVI, các nhà hàng hải người Bồ Đào Nha đã ghi nhận mối quan hệ mật thiết giữa quần đảo Pracel (hay Parcel) với vương quốc Đàng Trong nằm ở bờ biển phía tây quần đảo này. Nói cách khác là họ thừa nhận các quần đảo ấy thuộc về vương quốc Đàng Trong. Sự thừa nhận ấy càng rõ ràng hơn trên hàng loạt bản đồ được công bố ở châu Âu và Bắc Mỹ trong các thế kỷ XVII - XX, khi nhận thức về Biển Đông và các đảo trong vùng biển này của người phương Tây ngày càng phong phú và sát thực. Rất nhiều bản đồ do các nước phương Tây xuất bản trong các thế kỷ này đều gọi chuỗi đảo nằm giữa Biển Đông, tương ứng với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày nay, là Parcels / Paracels / Paracel Islands và vùng bờ biển Trung Trung Bộ của Việt Nam là Costa da Pracel / Coste de Parcels. “Đó là cách mặc nhiên thế giới công nhận Hoàng Sa và Trường Sa đích thực thuộc chủ quyền của Việt Nam ít nhất từ 5 thế kỷ nay”.[6]

Những bản đồ sớm nhất xuất bản ở phương Tây có miêu tả Hoàng Sa có lẽ là hai bản đồ do người Bồ Đào Nha vẽ vào năm 1560: một bản đồ do Bartholomen Velho vẽ và bản đồ còn lại do João de Lisboa vẽ.[7] Trên hai bản đồ này đều có hình vẽ một chuỗi đảo dài và cong như một lưỡi dao đối diện với bờ biển miền Trung Việt Nam ngày nay. Cực bắc chuỗi đảo này vẽ một nhóm đảo tương ứng với vị trí của quần đảo Hoàng Sa và ghi tên là I. bas do Pracell (Bãi ngầm Hoàng Sa). Cực nam là hòn đảo có tên là Pulo Ceciss, chính là Cù Lao Thu (đảo Phú Quý).

Tiếp đến là tờ bản đồ Cabo Comorim, Japao, Moluco e Note in Atlas [8] (Bản đồ 15) nằm trong bộ bản đồ thế giới gồm 8 bức do Fernão Vaz Dourado, người Bồ Đào Nha, vẽ năm 1571. Trên bản đồ này cũng vẽ một chuỗi đảo nằm ở ngoài khơi vùng biển Đàng Trong, hình tựa lưỡi dao thẳng cạnh, không cong như hình vẽ chuỗi đảo trên hai bản đồ của Bartholomen Velho và João de Lisboa. Phía bắc chuỗi đảo này là cụm đảo có tên là I. des baixos Cachina (Bãi ngầm Giao Chỉ). Điểm cuối ở phía nam là đảo Pulo Sissi (Cù Lao Thu).[9] Phía tây chuỗi đảo này các hòn đảo ven bờ biển Đàng Trong, được định danh là P. Champello (Cù Lao Chàm), P. Cotao (Cù Lao Ré), P. Cambiz (Cù Lao Xanh). Như vậy là từ năm 1571, Fernão Vaz Dourado đã phân biệt I. des baixos Cachina (Bãi ngầm Giao Chỉ, tức là quần đảo Hoàng Sa) với các đảo ven bờ như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Cù Lao Xanh...

Năm 1576, Fernão Vaz Dourado công bố thêm một bản đồ vẽ khu vực Đông Nam Á [10] (Bản đồ 16), trên đó cũng có hình vẽ chuỗi đảo ở ngoài khơi vùng biển Đàng Trong tương tự như hình vẽ trên bản đồ Cabo Comorim, Japao, Moluco e Note in Atlas 1571. Tuy nhiên tên của quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ này ghi là I. da Pracell, không phải là I. des baixos Cachina như trên bản đồ do ông công bố năm 1571.

Trong thập niên 90 của thế kỷ XVI có thêm nhiều bản đồ công bố ở phương Tây có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa như các bản đồ của: Barthlomen Lasso, Van Langren, Linschoten, Petrus Plancius…

Barthlomen Lasso có hai bản đồ vẽ vào các năm 1590 và 1592 - 1594. Trên hai bản đồ này quần đảo Pracel được vẽ như hình lưỡi dao dài ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và những đảo nhỏ khác ở phía nam. Vùng bờ biển phía tây ghi nhiều địa danh như: Varella (Mũi Nạy, tức mũi Đại Lãnh), Pulo Cambi (Cù Lao Xanh), Pulo Cantão (Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn) Sinoa (Thuận Hóa)... Đặc biệt, vùng bờ biển giáp với Pulo Cantão được ghi trên bản đồ là Costa de Pracel (Bờ biển Hoàng Sa). Điều này chứng tỏ vào cuối thế kỷ XVI, các nhà vẽ bản đồ phương Tây đã ghi nhận “một sự liên hệ nào đó về mặt địa lý giữa vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, Cù Lao Ré và quần đảo Paracels”.[11]

Bản đồ Insullae Moluccae do Petrus Plancius (1552 - 1622)[12] vẽ năm 1592 (Bản đồ 17). Quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ này cũng được gọi là Pracel, bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa và một số đảo ở phía nam Biển Đông. Bờ biển đối diện với Pracel ở phía tây cũng được gọi là Costa da Pracel. Riêng cụm đảo ở phía bắc chuỗi đảo này thì được ghi danh là Doa Tavaquero thay cho các tên gọi I. des baixos Cachina hay I. da Pracell như trên các bản đồ của người Bồ Đào Nha

Năm 1595, hai anh em người Hà Lan là Van Langren đã công bố tấm bản đồ vẽ rất toàn diện và chi tiết về khu vực Đông Á (Bản đồ 18). Trên bản đồ này cũng có vẽ chuỗi đảo hình lưỡi dao ở ngoài khơi vùng biển Đàng Trong, với cụm đảo ở cực bắc tên là I. de Pracel, còn vùng bờ biển đối diện ở phía tây có tên là Costa de Pracel. Hình vẽ chuỗi đảo này không dài và cong như trên các bản đồ trước đó, mà chỉ giới hạn trong phạm vi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời có sự phân biệt rõ ràng với các đảo ven bờ và các đảo ở phía nam. Điều này cho thấy đến thời điểm này thì nhận thức về Hoàng Sa và Trường Sa của người phương Tây đã sát với thực tế hơn so với trước đó. “Có thể nói rằng, bản đồ Van Langren đã đánh dấu sự chuyển giao thế thượng phong ở Biển Đông từ các nhà hàng hải Bồ Đào Nha sang các nhà hàng hải Hà Lan”.[13]

Bản đồ do Linschoten công bố năm 1599 có lẽ là bản đồ cuối cùng của các nhà hàng hải phương Tây trong thế kỷ XVI có vẽ quần đảo Hoàng Sa.[14] Bản đồ này xác nhận những điều đã được thể hiện trên bản đồ của anh em Van Langren nhưng chi tiết hơn. Ba đảo ven bờ được ghi tên lên bản đồ này là Polo Cecir (Cù Lao Thu) ở cực nam, bãi đá Pracel đi qua phía đông Polo Cambir (Cù Lao Xanh) và Pulo Ampelo (Cù Lao Chàm). Tận cùng ở phía bắc là các đảo ngoài khơi nằm ngang hàng với Pulo Ampelo ở gần bờ.[15]

Thế kỷ XVII ở phương Tây xuất hiện thêm nhiều bản đồ có hình vẽ quần đảo quần đảo Hoàng Sa với các tên gọi: Parcels, Paracels, Paracel Islands… và ghi nhận mối liên hệ giữa quần đảo này với lãnh thổ Việt Nam lúc đó. Đó là các bản đồ: Insulæ Indiæ Orientalis Praæcipuæ (do Jodocus Hondius thực hiện năm 1606), India Orientalis (do Jodocus Hondius thực hiện năm 1613) (Bản đồ 19), Asia noviter delineata (do Willem Janszoon Blaeu thực hiện năm 1617), Asia (do John Speed thực hiện năm 1626), Asia (do John Speed thực hiện năm 1626), India Orientalis (do Gerard Mercator thực hiện năm 1630), Insulæ Indiæ Orientalis (do Jodocus Hondius thực hiện năm 1632), bản đồ khuyết danh (do Pedro Berthelot vẽ năm 1635), Asia (do Herman Moll thực hiện năm 1636), Carte de l’Asie (do Van Lochem thực hiện năm 1640), India quæ Orientalis dicitur, et Insvlæ Adiacentes (do Willem Janszoon Blaeu thực hiện năm 1645), Indiæ Orientalis Nova Desriptio (do Janssouius thực hiện năm 1645), Tabula Indiæ Orientalis (do F. De Wit thực hiện năm 1662), Indiæ Orientalis (do Visscher thực hiện năm 1680), Carte du Royaume de Siam et des pays circonvoisins (do P. du Val thực hiện năm 1686), The East Indies in trong tập du ký của W. Dampier xuất bản năm 1688…[16] Quần đảo Pracel / Parcel / Paracels trên những bản đồ này thường được vẽ gộp cả Hoàng Sa và Trường Sa, và bắt đầu vẽ dịch lên phía bắc, gần đúng với vị trí thực tế của hai quần đảo này. Một số bản đồ ghi tên quần đảo Hoàng Sa là I. de Pracel như các bản đồ của Janssouius (1645), của F. De Wit (1662) của Visscher (1680); là Island Pracell như bản đồ của Thornton (1669); là Shoales of Pracel như bản đồ của W. Dampier (1688).

Thế kỷ XVIII có thêm nhiều bản đồ vẽ khu vực Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa được công bố ở phương Tây. Đó là các bản đồ: L’ Asia (do Dressée thực hiện năm 1700), Carte des Costes de l’Asie sur l’ocean contenant les bancs isles et costes & c. (do Alexis Hubert Jaillot thực hiện năm 1720), India Orientalis (do Seutter thực hiện năm 1720), A Map of the Continental of the East-Indie (do Herman Moll thực hiện năm 1736), Carte de l’Asia (do Homann Heirs thực hiện năm 1744), Carte de Costes de Cochinchine, Tunquin et partie de celles de la Chine (do Kaart van de Kusten thực hiện năm 1754), Seconde partie de la carte d’Asie (do Jean Baptiste d’Anville thực hiện năm 1752), A New and Elegant Imperial Sheet Atlas (do Robert Laurie xuất bản năm 1794), East Indies (do Thomas Salmon thực hiện năm 1767), Karte von dem Morgenlændichen Ocean oder dem Indischen Meere (do Jacques Nicolas Bellin thực hiện khoảng năm 1770), Carte generale des Indes orientales et des Islles Adiacentes (do Mariette xuất bản năm 1790), Carte Hydro-Geographique des Indes Orientales (do M. Bonne xuất bản năm 1791)…

Đáng chú ý là bản đồ Carte de Costes de Cochinchine, Tunquin et partie de celles de la Chine do Kaart van de Kusten thực hiện năm 1754 (Bản đồ 20). Trên bản đồ này, mặc dù bao quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn còn đường viền hình lưỡi dao, và tên chung của hai quần đảo này là Le Paracel, nhưng các đảo thuộc hai quần đảo này đã được vẽ tách rời và đã phân biệt Les Lunettes (nhóm Nguyệt Thiềm) ở phía đông với các đảo còn lại ở phía tây của quần đảo Hoàng Sa.

Tấm bản đồ in trong cuốn Neptune Oriental của A. de Manneviletle xuất bản năm 1775, được đánh giá là “đã có nhiều tiến bộ so với các bản đồ của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha, tuy nhận thức vẫn chưa có những thay đổi cơ bản” [17], do lẽ trên bản đồ này có đoạn ghi chú mô tả khá rõ về quần đảo Hoàng Sa: “Paracels là một bãi đá lớn, trải rộng ra từ bắc xuống nam ở ngoài khơi bờ biển xứ Đàng Trong. Phần lớn các bản đồ đều ghi là chiều dài của nó khoảng chừng 92 dặm, từ 12010’ đến 16045’ vĩ độ Bắc, còn chiều rộng của nó khoảng chừng 20 dặm. Trong vài năm gần đây, người ta đã nhận biết rằng không gian này đã chứa chất đầy nhiều hòn đảo to nhỏ khác nhau, với những bãi cát và bãi đá ở rất nhiều nơi”.[18]


Thế kỷ XIX ghi nhận sự xuất hiện ngày càng nhiều bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài những bản đồ của Pháp, Đức, Bỉ... thời kỳ này xuất hiện nhiều bản đồ của Anh và Hoa Kỳ, đánh dấu sự trỗi dậy của hai cường quốc này trong việc chinh phục các đại dương trên thế giới. Tiêu biểu là các bản đồ: An Accurate map of the East Indies (do Thomas Banke xuất bản tại London năm 1805), Chart of the East India Islands (do Longman Hurst Rees & Orme Paternoster Row xuất bản tại Anh năm 1808), A New Map of the East India Isles (do J. Carry thực hiện năm 1811), East India Isles (do John Thomson thực hiện năm 1817), East India Islands (do Samuel Walker xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1834), An Nam đại quốc họa đồ (do Giám mục Jean Louis Taberd thực hiện năm 1838), Ost-Indien (do Stieler’s Hand-Atlas xuất bản tại Đức năm 1870), Map of Indo- China (do Scottish Geographica Magazine xuất bản tại Anh năm 1886), Asia (do McNally & Company’s xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1887), Siam and the Malay Archipelago (do The Times Atlas, Printing House Square xuất bản tại Anh năm 1896). Trên các bản đồ này luôn có hình vẽ quần đảo Hoàng Sa với các tên gọi là I. de Paracel, Paracels, Paracel Islands, I. Ciampa (đảo Champa).[19]

Đặc biệt, có hai bản đồ khẳng định chắc chắn quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam được xuất bản trong nửa đầu thế kỷ XIX. Đó là bản đồ Partie de la Cochinchine (Bản đồ 21) trong bộ Atlas Universel (6 tập) do nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen biên soạn, xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827 và An Nam đại quốc họa đồ do Giám mục Jean Louis Taberd vẽ (Bản đồ 22), in trong từ điển Latin - Annam xuất bản năm 1838.

Bản đồ Partie de la Cochinchine là tờ bản đồ số 106 trong tập 2 (Asie)   của bộ Atlas Universel. Bản đồ này vẽ vùng bờ biển miền Trung Việt Nam kéo dài từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16, gồm các vùng: Bink-Kang (Bình Khang, tên cũ của tỉnh Khánh Hòa), có các địa danh: Carmraigne havre (cảng Cam Ranh), Nhiatrang (Nha Trang); Quin-Hone (Quy Nhơn), có các địa danh: Phuyen havre (cảng Phú Yên), Cambir B. (Cù Lao Xanh, nay là xã đảo Nhơn Châu ở thành phố Quy Nhơn), P. Quinhone (Quy Nhơn), Batangan (mũi Ba Làng An, Bình Sơn, Quảng Ngãi)… ở trên đất liền và ven bờ biển. Bản đồ còn thể hiện một chuỗi đảo ven biển, bắt đầu từ các đảo thuộc vịnh Cam Ranh ở phía nam, chạy lên phía bắc với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ và kết thúc bằng quần đảo Cham Collac ou Champella (Cù Lao Chàm) ở ven biển Quảng Nam.

Điểm quan trọng nhất là ở phần chính của bản đồ có hình vẽ quần đảo Paracels nằm trong vùng biển có vĩ độ từ 160 đến 170, kinh độ từ 1090 đến 1110, gồm các đảo: I. Pattles (đảo Hoàng Sa), I. Dccan (đảo Duncan, tức đảo Quang Hòa), Tree I. (đảo Cây), I. Lincoln (đảo Lincoln), Triton (nhóm đảo Tri Tôn), Rocher au dessus de l’eau (khu vực Đá Bông Bay). Vị trí các đảo, đá, nhóm đảo… thuộc quần đảo Paracels trên bản đồ này là tương đối chính xác so với tọa độ thực tế hiện nay.

Bên phải hình vẽ quần đảo Paracels là ô hình chữ nhật ghi dòng chữ Empire d’An-nam (Đế chế An Nam) giới thiệu tóm tắt về vương quốc An Nam bằng tiếng Pháp, theo từng tiểu mục: Phisique (Hình thế), Politique (Thể chế chính trị), Statistique (Thống kê) và Minéralogie (Khoáng vật).

Cách đặt tên bản đồ là Partie de la Cochinchine, việc thể hiện các địa danh trên đất liền, các đảo ven bờ biển và quần đảo Paracels ở ngoài khơi vùng biển Việt Nam cùng với việc giới thiệu vương quốc An Nam trên bản đồ, cũng như việc xếp tờ bản đồ này vào nhóm bản đồ miêu tả hình thế và vị trí địa lý của Việt Nam đương thời trong bộ Atlas Universel chứng tỏ tác giả bộ atlas này đã thừa nhận Paracels là một phần lãnh thổ của đế chế An Nam lúc đó. Tờ bản đồ này lại nằm trong bộ bản đồ thế giới do một nhà địa lý học của phương Tây biên soạn từ đầu thế kỷ XIX, được Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ xuất bản chính thức nên có giá trị khoa học và giá trị pháp lý rất cao.

Cũng lưu ý thêm rằng, từ thế kỷ XVI các nhà địa lý và nhà hàng hải phương Tây, đầu tiên là những người Bồ Đào Nha, đã vẽ bản đồ vùng biển Hoàng Sa và đã định danh Pracel (hay Parcel, Paracels) trên bản đồ để chỉ cụm đảo mà người Việt gọi là Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa. Đồng thời, họ cũng định danh vùng bờ biển đối diện với quần đảo Pracel (Parcel, Paracels) ở phía tây là Costa de Pracel / Coste de Paracels (Bờ biển Hoàng Sa). Tuy nhiên vào thời điểm này, vị trí Paracels trên các bản đồ phương Tây cũng như vị trí quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ cổ Việt Nam chưa được thể hiện chính xác về tọa độ. Paracels theo cách hiểu của người phương Tây cũng như quần đảo Hoàng Sa người Việt lúc đó bao gồm cả quần đảo Trường Sa ngày nay, thậm chí cả một số đảo gần bờ ở vùng biển Nam Trung Bộ. Song với tấm bản đồ Partie de la Cochinchine thì các đảo ven bờ như: Cham Collac ou Champella (Cù Lao Chàm), Cambir B. (Cù Lao Xanh), P. Canton ou Cacitam (Cù Lao Ré, đảo Lý Sơn)… đã có sự phân biệt rạch ròi với Paracels (quần đảo Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông.
Sau Philippe Vandermaelen, trong cuốn từ điển Latinh - Annam xuất bản năm 1838, Giám mục Jean Louis Taberd công bố tờ bản đồ có tên ghi bằng ba ngôn ngữ: Hán - Quốc ngữ - Latin: 安南大國畫圖 / An Nam đại quốc họa đồ / Tabula Geografica Imperii Anamiciti. Trên bản đồ này có vẽ 9 dấu chấm nhỏ tượng trưng cho quần đảo Hoàng Sa, có tọa độ gần đúng với thực tế, kèm theo dòng chú thích “Paracel seu Cát Vàng” (Paracel tức là Cát Vàng). Trong bài viết Note on the Geography of Cochin China in trên tập san The Journal of the Asiatic Society of Bengal (Vol. 6, Part II) xuất bản năm 1837, Giám mục Taberd đã viết: “Paracel, hay Pracel, tức là Hoàng Sa - Cồn Vàng, thuộc về Cochin China (Việt Nam)”, đồng thời khẳng định vào năm 1816, vua Gia Long đã cho người đến cắm cờ và tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này mà không gặp bất cứ ai tranh chấp với ông về việc này.

Cùng với bản đồ Partie de la Cochinchine của Philippe Vandermaelen, bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của Jean Louis Taberd đã khẳng định Paracels chính là Cát Vàng hay quần đảo Hoàng Sa và thuộc về Việt Nam. Đây là bằng chứng để bác bỏ ý kiến của học giới Trung Quốc khi họ cho rằng Paracels chính là Xisha qundao (Tây Sa quần đảo) và thuộc về Trung Quốc. Còn quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền chỉ những đảo nhỏ ven bờ như Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré… không liên quan gì đến Paracels.


 Như vậy, ngoài những sự kiện lịch sử đã được chứng thực, cùng với các nguồn tư liệu thành văn được ghi chép bởi nhiều ngôn ngữ khác nhau, thì những tấm bản đồ cổ của phương Tây đã chứng minh từ gần năm thế kỷ trước, Việt Nam đã xác lập chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này được ghi nhận trên những tấm bản đồ do nhà bản đồ học, các nhà hàng hải, các nhà phát kiến địa lý phương Tây soạn vẽ và công bố trong các thế kỷ XVI - XIX. Đây chính là nguồn tư liệu quý, góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

CHÚ THÍCH

[1]. Tập tài liệu này còn có tên là Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, lưu trữ trong một số thư viện ở Việt Nam, Nhật Bản, Pháp… và được ghép chung với nhiều tập bản đồ khác nhau như: Hồng Đức bản đồ, Toản tập An Nam lộ, Giáp Ngọ niên bình Nam đồ…
[2]. Chỉ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
[3]. Dẫn theo: Nguyễn Quang Ngọc, “Hoàng Sa Trường Sa: Những trang sử được viết bằng máu”, Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 275, tháng 7/2011.
[4]. Địa danh I. des baixos Cachina xuất hiện trên bản đồ Cabo Comorim, Japao, Moluco e Note do Fernão Vaz Dourado, người Bồ Đào Nha, vẽ năm 1571.
[5]. Địa danh I. do Pracell xuất hiện trên bản đồ do Fernão Vaz Dourado vẽ năm 1576.
[6]. Nguyễn Đình Đầu, Giới thiệu một số bản đồ cổ thềm lục địa và hải đảo Việt Nam, http://www.viet-studies.info.
[7]. Bản đồ này nằm trong tập tài liệu chép tay, tựa là Livro da Marinharia, gồm 20 tờ bản đồ và 254 trang văn bản (ký hiệu PT-TT-CRT-166) đang lưu trữ tại Văn khố Quốc gia Bồ Đào Nha (Arquivo Nacional da Torre do Tombo) ở Lisbon. Về sau, bản đồ này được chép lại trong cuốn Peregrination của giáo sĩ kiêm nhà hàng hải người Bồ Đào Nha F.M. Pinto nên nhiều người thường tưởng nhầm F.M. Pinto là tác giả bản đồ này, trong khi nhiều người khác thường gọi bản đồ này là “bản đồ Livro da Marinharia”. Điều này cũng không chính xác vì trong tập tài liệu Livro da Marinharia có đến 24 bản đồ vẽ nhiều vùng khác nhau trên thế giới.
[8]. Bản đồ này (ký hiệu PT-TT-CRT-165-m0008) đang lưu trữ tại Văn khố Quốc gia Bồ Đào Nha ở Lisbon.
[9]. Tên của Cù Lao Thu trên các bản đồ phương Tây viết khác nhau, tùy từng thời điểm và tùy từng ngôn ngữ: Pulo Ceciss, Pulo Sissi, Pulo Cecir de Mer, Pullo Sissir do Mar…
[10]. Bản đồ này (ký hiệu PT-TT-CRT-165-m0009) đang lưu trữ tại Văn khố Quốc gia Bồ Đào Nha. Ngoài ra còn có tờ bản đồ tương tự, tái bản vào năm 1843 (ký hiệu il-171_0034_29_t0) đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha ở Lisbon.
[11]. Nguyễn Thừa Hỷ, “Quần đảo Paracels và các nhà hàng hải Bồ Đào Nha trong thế kỷ XVI”. In trong: Nguyễn Văn Kim (Chủ biên), Người Việt với biển, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2011, tr. 469.
[12]. Petrus Plancius là tên Latin của nhà địa lý học người Bỉ Pieter Platevoet. Ông là một trong những thành viên sáng lập Công ty Đông Ấn Hà Lan (V.O.C), đã vẽ hơn 100 bản đồ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Petrus Plancius cũng là người thực hiện tờ bản đồ quy mô về châu Á có tên là Exacta & accurata delinatio… regionibus China, Cauchinchina, Camboja, sive Champa, Syao, Malacca, Arracan & Pegu trong cuốn sách nổi tiếng Itinerario của Jan Huygen van Linschoten, xuất bản năm 1596.
[13]. Nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ trong bài “Quần đảo Paracels và các nhà hàng hải Bồ Đào Nha trong thế kỷ XVI”, Sách đã dẫn, tr. 469.
[14]. Bản đồ này đã được giới thiệu trong cuốn Nordenskiold-Périphis, được giới thiệu trong bài nghiên cứu “Note sur I’histoire de la Cartographie Indochinoise” của M.Cl. Maitre in trong tập Atlas de Chabert-Gallois, xuất bản ở Hà Nội và Hải Phòng năm 1909).
[15], [16], [18]. Dẫn theo: Nguyễn Thừa Hỷ “Quần đảo Paracels và các nhà hàng hải Bồ Đào Nha trong thế kỷ XVI”, Sách đã dẫn, tr. 469, 479, 489.
[17]. Đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ trong bài “Quần đảo Paracels và các nhà hàng hải Bồ Đào Nha trong thế kỷ XVI”, Sách đã dẫn, tr. 489.
[19]. Trên bản đồ Carte de l’Asia do Homann Heirs vẽ năm 1744, hình vẽ quần đảo Hoàng Sa cũng được gộp chung với quần đảo Trường Sa và ghi tên là I. Ciampa, nghĩa là “đảo (thuộc) Ciampa”. Ciempa hay Campa là tên các nước phương Tây lúc bấy giờ gọi xứ Đàng Trong, do họ cho rằng đây là đất cũ của vương quốc Champa.
Ghi chú: Các bản đồ từ 1 đến 14 (trừ bản đồ 13) giới thiệu ở đây được trích dẫn từ sách "Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và một số vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông" do Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản năm 2014. Những bản đồ còn lại trong bài này thuộc Fond tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - Thành phố Đà Nẵng do TĐAS chủ trì thực hiện.

Trần Đức Anh Sơn

TƯ LIỆU BẢN ĐỒ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM
ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA


Trần Đức Anh Sơn


(Kỳ 2)

III. BẢN ĐỒ CỔ TRUNG QUỐC CHỨNG MINH QUẦN ĐẢO HOÀNG SA KHÔNG THUỘC CHỦ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC

Kể từ khi bắt đầu tranh chấp với chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1909, chính quyền và học giới Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm những tư liệu thư tịch và bản đồ cổ của Trung Quốc có liên quan đến địa lý và lịch sử Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa để chứng minh quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, mà họ gọi là Xisha qundao (Tây Sa quần đảo) và Nansha qundao (Nam Sa quần đảo) thuộc về Trung Quốc.

Tuy nhiên, cả thư tịch cổ và bản đồ cổ mà họ trích cứu từ thời Tần - Hán cho đến thời Minh - Thanh, dài ngót 2.000 năm, đều phản ánh một sự thật là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc như họ đã tuyên bố trong mấy chục năm qua.

Đối với nguồn tư liệu bản đồ, nhiều học giả Việt Nam và quốc tế đã dày công nghiên cứu hàng trăm bản đồ quốc gia, dư đồ, địa đồ của các địa phương ở phía nam Trung Quốc do chính quyền và các học giả Trung Quốc soạn vẽ và công bố từ thời Tần - Hán (đầu Công nguyên) cho đến thời Trung Hoa Dân quốc (nửa đầu thế kỷ XX) đều xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không hề xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc. Những bản đồ do triều đình phong kiến và các học giả Trung Quốc soạn vẽ từ thời Minh trở về trước thì: hoặc là ghi nhận đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc và không thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong cương vực Trung Quốc, hoặc có ghi nhận hai quần đảo này bằng các tên gọi Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường… nhưng chú dẫn đó là những đảo thuộc “Phiên quốc” (nước ngoài). Nói cách khác bản đồ cổ Trung Quốc khẳng định hai quần đảo này không thuộc về nước này.

Dưới thời nhà Thanh (1644 - 1911), việc vẽ bản đồ quốc gia và bản đồ các tỉnh của Trung Quốc rất được các vị hoàng đế của triều đại này chú trọng. Bấy giờ Trung Quốc đã áp dụng kỹ thuật đo vẽ bản đồ tiên tiến của phương Tây và đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong khảo sát, đo vẽ và in ấn bản đồ của Trung Quốc. Năm 1708, hoàng đế Khang Hi sử dụng các giáo sĩ Dòng Tên đến từ phương Tây để tiến hành khảo sát, đo vẽ bản đồ trên toàn cõi Trung Hoa. Sau gần 10 năm thực hiện thì công việc hoàn thành với kết quả là sự ra đời bộ bản đồ Hoàng dư toàn lãm đồ (皇輿全覽圖) vào năm 1717.[20] Đây là bộ bản đồ công phu và hoàn chỉnh nhất về cương giới Trung Quốc cho đến thời điểm bấy giờ do nhà Thanh chính thức ấn hành. Bản đồ có tỉ lệ từ 1: 4000.000 đến 1: 5000.000, in khắc gỗ có 28 tờ bản đồ, có cả bản đồ Mông Cổ và Mãn Châu, nhưng không có bản đồ Tân Cương và Tây Tạng.[21] Trên bộ bản đồ này, cương vực phía đông nam của Trung Quốc thực sự chấm dứt ở đảo Hải Nam.

Năm 1728, nhà Thanh xuất bản bộ bách khoa thư Cổ kim đồ thư tập thành (古今圖書集成)[22] một vạn quyển, trong đó tập hợp 216 bản đồ là toàn đồ và bản đồ các tỉnh của Trung Quốc trong suốt diễn trình lịch sử của đế chế này. Vậy nhưng, trong tập bách khoa thư đồ sộ này hoàn toàn không có bản đồ nào ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc.[23] Quyển 1 trong mục Chức phương điển (Sách điển chế về địa đồ các đơn vị hành chính) của bộ bách khoa thư này có các bản đồ: Chức phương tổng bộ đồ, Quảng Đông cương vực đồ, Quỳnh Châu phủ cương vực đồ, là những bản đồ vẽ về phần lãnh thổ phương nam của Trung Quốc đến đời Khang Hi (1661 - 1722) nhà Thanh, đều không ghi nhận các quần đảo xa hơn đảo Hải Nam.[24] Ngoài ra, sách Quảng Đông lịch sử địa đồ tập khi trích in lại địa đồ từ sách Quảng Đông thông chí biên soạn đời Gia Tĩnh (1522 - 1566) triều Minh thì phần hải đảo của Trung Quốc chỉ giới hạn ở Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam).[25]

Ngoài các bản đồ trong bộ Hoàng dư toàn lãm phân đồ và trong bách khoa thư Cổ kim đồ thư tập thành, còn có nhiều bản đồ do nhà Thanh hoặc do chính quyền các tỉnh ở Trung Quốc xuất bản chính thức, không hề ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiêu biểu là các bản đồ: Hoàng dư toàn lãm phân tỉnh đồ (皇與全覽分省圖) ấn hành khoảng năm 1717, Nhị kinh thập bát tỉnh tổng đồ (二京十八省圖) (Bản đồ 23) và Quảng Đông toàn đồ (廣東全圖) (Bản đồ 24) trong sách Thanh nhị kinh thập bát tỉnh cương vực toàn đồ (清二京十八省疆域全圖) ấn hành năm 1850, Hoàng dư toàn đồ (皇輿全圖) ấn hành năm 1899, 廣東省 (Quảng Đông tỉnh) trong sách Địa dư đồ khảo (地與圖考) (Bản đồ 25) ấn hành đời Quang Tự (1875 - 1908), Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (皇朝直省地與全圖) ấn hành năm 1904 (Bản đồ 26), Đại Thanh đế quốc (大清帝國) trong sách Thanh đại địa đồ tập (清大地圖集) ấn hành năm 1905, Đại Thanh đế quốc (大清帝國) (Bản đồ 27) và Quảng Đông tỉnh (廣東省) trong sách Đại Thanh đế quốc toàn đồ (大清帝國全圖) ấn hành năm 1908; Trung Hoa dân quốc phân tỉnh tân đồ (中華民國分省新圖) (Bản đồ 28)… Điểm chung của các bản đồ này là cương giới cực nam của Trung Quốc luôn dừng lại ở đảo Hải Nam.

Mặt khác, sách Hải quốc đồ chí do Ngụy Nguyên biên soạn vào năm 1842 có in bức địa đồ Đông nam dương các quốc diên cách đồ (東南洋各國延隔圖)[26], trên đó có vẽ khá chi tiết hai quần đảo Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường, là hai quần đảo mà học giới Trung Quốc ngày nay cho là Xisha qundao và Nansha qundao và nhận “vơ” là của Trung Quốc, thì tác giả sách này lại xác nhận hai quần đảo này nằm ngoài cương vực Trung Quốc như cách đặt tên địa đồ này.[27]

Đặc biệt, từ năm 1908 đến năm 1933, triều đình nhà Thanh và sau đó là Chính phủ Trung Hoa Dân quốc đã tổ chức đo đạc, biên soạn và xuất bản bốn atlas[28] rất quy mô và công phu, theo kỹ thuật vẽ bản đồ của phương Tây, tập hợp các bản đồ hành chính và bản đồ bưu chính tất cả tỉnh thành của Trung Quốc để phát hành ra thế giới. Đó là các atlas:

- Atlas of the Chinese Empire / 中國地圖 [29] xuất bản bằng tiếng Anh năm 1908. Atlas này gồm một bản đồ tổng thể (Index Map) (Bản đồ 29) vẽ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Các bản đồ đều có kích thước 31 cm x 41 cm. Ðây là atlas do phái bộ truyền giáo The China Inland Mission có trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc) biên soạn và in ấn với sự trợ giúp kỹ thuật của một người Anh tên là Edward Stanford. Đây cũng là bộ atlas đầu tiên theo kiểu phương Tây được xuất bản ở Trung Quốc, và được phát hành với sự giúp đỡ của Tổng cục Bưu chính nhà Thanh.

- Complete Atlas of the China / 中國全圖[30] xuất bản bằng tiếng Anh năm 1917. Đây là ấn phẩm tái bản của Atlas of the Chinese Empire / 中國地圖, cũng bao gồm toàn đồ nước Trung Quốc (Bản đồ 30) và 22 bản đồ các tỉnh, in cùng kích thước, hình thức, màu sắc như Atlas of the Chinese Empire / 中國地圖.

- Atlas Postal de Chine / 中華郵政與圖[31] / Postal Atlas of China do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919. Atlas được in bằng ba thứ tiếng Trung - Anh - Pháp, gồm một bản đồ tổng thể (Bản đồ 31) và 46 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Các bản đồ đều có kích thước 61 cm x 71 cm.

- Atlas Postal de Chine / 中華郵政與圖 / Postal Atlas of China, cũng do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân quốc xuất bản tại Nam Kinh vào năm 1933. Đây là ấn phẩm tái bản có bổ sung của Atlas Postal de Chine / 中華郵政與圖 / Postal Atlas of China xuất bản lần đầu vào năm 1919. Atlas này cũng in bằng ba thứ tiếng Trung - Anh - Pháp, gồm một bản đồ tổng thể (Bản đồ 32) và 29 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc, bao gồm cả Tây Tạng và Mông Cổ. Các bản đồ trong atlas này đều có kích thước 61 cm x 71 cm. Tấm bản đồ số 23 trong atlas này là bản đồ tỉnh Quảng Đông và đảo Hải Nam, nhưng do kích thước atlas hạn chế nên đảo Hải Nam được in ở góc trái phía trên tấm bản đồ tỉnh Quảng Đông.[32]

Các atlas nói trên là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ do nhà Thanh đề ra vào năm 1906 và được chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ vẽ chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh thành của Trung Quốc bấy giờ. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Vì thế mà cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không hề có hình vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cuối các atlas này đều có phần Index rất chi tiết, liệt kê các địa danh của Trung Quốc từ cấp hương, trấn đến cấp phủ, tỉnh và kinh sư nhưng không có địa danh nào tên là Xisha qundao hay Nansha qundao. Điều này chứng tỏ cho đến khi nhà Thanh ấn hành Atlas of the Chinese Empire / 中國地圖 vào năm 1908 và sau đó Chính quyền Trung Hoa Dân quốc tái bản Complete Atlas of the China / 中國全圖 vào năm 1917, đồng thời tiếp tục biên soạn và xuất bản Atlas Postal de Chine / 中華郵政與圖 / Postal Atlas of China vào các năm 1919 và 1933, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc gọi là Xisha qundao và Nansha qundao, vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” phi pháp do họ mới bịa ra trong mấy chục năm trở lại đây.

Tóm lại, bản đồ hành chính quốc gia và bản đồ các địa phương của Trung Quốc từ thời Trung Hoa Dân quốc trở về trước đều không vẽ các đảo nằm ở phía nam đảo Hải Nam mà chỉ giới hạn cương vực Trung Quốc trong phạm vi phía bắc vĩ tuyến 18, và do vậy, không hề có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên các bản đồ này. Sử sách Trung Quốc cũng chép việc các quan lại nhà Thanh thường dùng các chữ 海角天涯 (hải giác thiên nhai)[33] để chỉ trấn Tam Á, huyện Nhai tức là vùng đất phía nam tỉnh Hải Nam ngày nay.[34] Ở trấn Du Lâm, cực nam của đảo Hải Nam ngày nay vẫn còn các tảng đá tự nhiên rất lớn, được cư dân địa phương coi là danh thắng của vùng này. Trên tảng đá đẹp nhất ở sát biển có khắc các đại tự 天涯 (thiên nhai) và 海闊天空 (hải khoát thiên không).[35]

Như vậy, từ thư tịch, đến bản đồ cổ do Trung Quốc xuất bản từ trước đến nay, cũng như những dấu tích ở trên thực địa đều nhất quán xác nhận rằng, cương giới cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, không thuộc chủ quyền Trung Quốc như họ đang yêu sách phi lý và hung hăng tranh chấp như hiện nay.

IV. BẢN ĐỒ CỔ TRUNG QUỐC DO PHƯƠNG TÂY XUẤT BẢN CHỨNG MINH QUẦN ĐẢO HOÀNG SA KHÔNG THUỘC CHỦ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC

Chiều ngày 28.3.2014, trong tiệc chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân chuyến thăm của ông này đến Cộng hòa Liên bang Đức, Thủ tướng nước chủ nhà, bà Angela Merkel, đã tặng một tấm bản đồ cổ vẽ lãnh thổ Trung Quốc (Ảnh gần cuối). Tấm bản đồ có tên là China Proper (Trung Quốc đích thực), do nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ, dựa trên các cuộc khảo sát địa lý do các nhà truyền giáo Dòng Tên thực hiện ở Trung Quốc trước đó, và được một nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735 (Bản đồ 33).

Sự kiện này gây chú ý của giới truyền thông quốc tế bởi tấm bản đồ Trung Quốc mà Thủ tướng Đức Merken tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tấm bản đồ không thể hiện các khu vực Tây Tạng, Tân Cương và Mãn Châu Lý thuộc về lãnh thổ Trung Quốc. Các đảo Hải Nam và Đài Loan có trên bản đồ nhưng được tô màu khác với màu của lãnh thổ Trung Quốc. Quần đảo Senkaku / Diaoyu (Điếu Ngư) mà Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền với Nhật Bản cũng không được thể hiện là lãnh thổ của Trung Quốc. Và tất nhiên, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng không hề có trên bản đồ này. Báo chí quốc tế bình luận đây là “cái tát ngoại giao” đối với Chủ tịch Tập và là một thông điệp mà Thủ tướng Merkel muốn gửi đến nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc nhằm phản ứng chính sách tranh chấp chủ quyền tham lam và phi lý mà Trung Quốc đang theo đuổi một cách hung hãn.[36]



Thật ra, bản đồ China Proper của Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville, xuất bản năm 1735 không có Senkaku, Hoàng Sa và Trường Sa… chỉ là một trong số hàng trăm bản đồ cổ do các nước phương Tây xuất bản, vẽ lãnh thổ Trung Quốc mà không có các quần đảo này.
Trong fond tư liệu bản đồ thuộc đề tài Fond tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - Thành phố Đà Nẵng có 20 bản đồ Trung Quốc, xuất bản ở phương Tây từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XX, đều vẽ lãnh thổ Trung Quốc tương tự bản đồ China Proper của Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville. 


Ngoài ra còn có 50 bản đồ khác vẽ lãnh thổ Trung Quốc không hề có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điểm chung của những bản đồ này là cương giới Trung Quốc luôn được tô khác màu, hoặc được giới hạn bằng những đường kẻ đậm nét để phân biệt với cương giới của các nước láng giềng và cương giới Trung Quốc luôn chỉ giới hạn đến cực nam của đảo Hải Nam mà thôi. Đó là các bản đồ sau:

1. The Kingdom of China, do Vintage China Orient Map (Anh) ấn hành năm 1626.
2. Qvangxi, do Jacob Van Meurs (Hà Lan) thực hiện năm 1665.
3. L’Empire da la Chine, do Geographe ordinaire du Roi, Avec Privilege (Pháp) ấn hành năm 1751.
4. China, do Thomson’s New General Atlas ấn hành tại Edinburgh (Anh) năm 1815.
5. China, do A Gerneral Atlas, Fielding Lucas Jr.’s ấn hành tại Baltimore (Hoa Kỳ) năm 1823.
6. China, do The General Gazeteer Geographical Dictionary ấn hành tại Berwick (Anh) năm 1823.
7. China, do Maps of the Diffusion of Useful Knowledge, Baldwin & Cradock ấn hành tại London (Anh) năm 1834.
8. China, do Tanner’s Universal Atlas, Henry S. Tanner ấn hành tại Philadelphia (Hoa Kỳ) năm 1836.
9. China and Burma, do Illustrations by A.H.Wray - Engraved by J.B. Allen & J. Rapkin ấn hành tại London (Anh) năm 1851.
10. China, do Family Atlas, Johnson & Browning ấn hành tại New York (Hoa Kỳ) năm 1860.
11. Asia, do Mitchell’s Modern Atlas, E.H. Butler ấn hành tại Philadelphia (Hoa Kỳ) năm 1867.
12. China and Japan, do The Atlas of The World, Johnsons Atlas, ấn hành tại New York (Hoa Kỳ) năm 1869.
13. China Proper, do The National Encyclopedia, William Mackenzie, ấn hành tại London (Anh) năm 1880.
14. China, Korea and Japan, do London Geographical Institute ấn hành tại London (Anh) năm 1880.
15. Chinese Empire and Japan, do Blackie & Son ấn hành tại London (Anh) năm 1880.
16. China, do Encyclopedia Britannica, W & A.K Johnston ấn hành tại London (Anh) năm 1881.
17. Map of Southern China, do Royal Geographical Society ấn hành tại London (Anh) năm 1882.
18. China, do John Murray ấn hành tại London (Anh) năm 1883.
19. China, do Cram’s Atlas ấn hành tại Chicago (Hoa Kỳ) năm 1885.
20. China and Japan, do Royal Atlas, W. & A. K. Johnston ấn hành tại Edinburgh (Anh) năm 1888.
21. China, do Handy Reference Atlas ấn hành tại Edinburg (Anh) năm 1888
22. China, Burma, Siem and Annam, do Atlas of the World, Bacon’s Geographical Establishment ấn hành tại London (Anh) năm 1891.
23. China, do International Cyclopedia, Dodd, Mead & Company, Buffalo ấn hành tại New York (Hoa Kỳ) năm 1891.
24. China, do Atlas of Universal Geography, Edward Stanford ấn hành tại London (Anh) năm 1892.
25. China, do Columbian Atlas of the World, Hunt & Eaton ấn hành tại New York (Hoa Kỳ) năm 1893.
26. Ubersichtskarte von China und Japan, do Hand-Atlas, Verlag Von Velhagen & Klasing ấn hành tại Leipzig (Đức) năm 1893.
27. China, do The World Wide Atlas, W & A.K Johnston ấn hành tại London (Anh) năm 1893.
28. China and Tibet, do Harmsworth Atlas and Gazeteer ấn hành tại London (England) năm 1895.
29. China and Japan, do The Century ấn hành tại London (Anh) năm 1895.
30. China and Japan, do Edinburgh Geographical Institute ấn hành tại Westminster (Anh) năm 1896.
31. Chine et Corée, do Nouvel Atlas Illustre Geographie Universelle ấn hành tại Paris (Pháp) năm 1896.
32. China Empire and Japan, do Citizen’s Atlas of the World ấn hành tại London (Anh) năm 1898.
33. Chinese Empire, do Cram Atlas, George F. Cram ấn hành tại Chicago (Hoa Kỳ) năm 1899.
34. China and Japan, do Keith Johnson’s General Atlas ấn hành tại London (Anh) năm 1899.
35. Map of China, do G.W. Bacon Company ấn hành tại London (Anh) năm 1900.
36. Route Map Showing Journey from St Petersburg to Gulf of Tongking do Harper & Brothers ấn hành tại London (Anh) năm 1900.
37. Southern China and Adjoining Countries, do Harper & Brothers ấn hành tại London (Anh) năm 1900.
38. Asia, do Crowell & Kirkpatrick ấn hành tại Ohio (Hoa Kỳ), năm 1901.
39. China, Manchuria, Mongolia and Korea, do Dodd, Mead & Company, Buffalo ấn hành tại New York (Hoa Kỳ) năm 1903.
40. China, Eastern Part, do Encyclopedia Britannica 10th Edition ấn hành tại London (Anh) năm 1903.
41. Chinese Empire, do Business Atlas, Rand McNally ấn hành tại Chicago (Hoa Kỳ) năm 1904.
42. China, do Universal Geography, Edward Stanford ấn hành tại London (Anh) năm 1904.
43. China, do Cassell and Company ấn hành tại London (Anh) năm 1910.
44. China and Japan, do Cassell’s Atlas, Edinburgh Geographical Institute ấn hành tại London (Anh) năm 1910.
45. China, Siam and Annam, do Bacon’s Popular Atlas of The World ấn hành tại London (Anh) năm 1912.
46. China, do Stieler’s Hand-Atlas ấn hành tại London (Anh) năm 1912.
47. Empire of China and Japan, do The Century Atlas and Gazeteer of The World ấn hành tại London (Anh) năm 1912.
48. China, do Atlas of the World ấn hành tại London (Anh), năm 1914.
49. Asia Eastern Part, do Complete Atlas of the World ấn hành tại New York (Hoa Kỳ) năm 1919.
50. China Political, do The Time Atlas, Edinburgh Geographical Institute ấn hành tại London (Anh) năm 1920.
51. China, do The Atlas of The World, Allace Scott ấn hành tại London (Anh) năm 1921.
52. China, do The Times Atlas, Edinburgh Geographical Institute ấn hành tại London (Anh) năm 1922.
53. China Political, do The Times Atlas, Edinburgh Geographical Institute ấn hành tại London (Anh) năm 1922.
54. Ostasien, do Meyer Gross Hand-Atlas ấn hành tại Leipzig (Đức) năm 1928.
55. Ostasien, do Minerva Atlas Hand-Atlas fuer das Deutsche Volk ấn hành tại Leipzig (Đức) năm 1928.
56. China and Dependencies, do Hammond’s Loose Leaf Atlas ấn hành tại New York (Hoa Kỳ) 1929.
57. China, do United China Relief ấn hành năm 1930.
58 Eastern China, do London Geographical Institute ấn hành tại London, (Anh) năm 1934.
59. Asie Politique, do Atlas Universel de Geographie, Librairie Hachette ấn hành tại Paris (Pháp) năm 1937.
60. China and Japan, do Commercial Atlas, Rand McNally ấn hành tại Chicago (Hoa Kỳ) năm 1942.
61. China, do National Geographic Magazine ấn hành tại Washington (Hoa Kỳ) năm 1945.
62. China and Japan, do C.S. Hammond & Company ấn hành tại New York (Hoa Kỳ) năm 1947.
63. Chine, do Nouveau Dictionnaire Encyclopédique, Librairie Larousse ấn hành tại Paris (Pháp) năm 1948.
64. China Coast and Korea, do National Geographic Magazine ấn hành tại Washington (Hoa Kỳ) năm 1953.
65. The War with Japan, do Frederick A Praeger ấn hành tại New York (Hoa Kỳ), năm 1959.
66. China, do National Geographic Magazine ấn hành tại Washington (Hoa Kỳ) năm 1965.
67. Fuels and Power, do Bureau of Mines, Department of Interior ấn hành tại Hoa Kỳ năm 1975.
68. China, do Johnson Map (Hoa Kỳ) ấn hành năm 1979.
69. Oil and gas map of China do Petroleum News SE Asia ấn hành tại Hong Kong năm 1979.
70. The Peoples of China, do National Geographic Society ấn hành tại Washington (Hoa Kỳ) năm 1980.

Tóm lại, cùng với thư tịch cổ, bản đồ cổ Việt Nam do Việt Nam và nhiều bản đồ liên quan đến Việt Nam do các nước phương Tây xuất bản trong các thế kỷ XVI - XIX đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoặc ghi nhận Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với hai quần đảo này từ rất lâu trong lịch sử. Cùng với các nguồn thư tịch liên quan, các bản đồ này là nguồn tư liệu bổ sung những thông tin xác thực, có giá trị lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo này cũng như nhiều vùng biển đảo khác của Việt Nam.

Trong khi đó, những bản đồ do chính Trung Quốc xuất bản trong gần 2.000 năm qua thì: hoặc là không ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc, hoặc trực tiếp hay gián tiếp ghi nhận hai quần đảo này thuộc về Giao Chỉ quốc, Giao Châu, An Nam quốc…, là những danh xưng mà sử liệu Trung Hoa gọi nước ta trước đây. Điều này cho thấy trong khi các bản đồ cổ Việt Nam nhất quán khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa thuộc về Việt Nam, thì bản đồ cổ Trung Quốc cũng nhất quán ghi nhận hai quần đảo này không liên quan gì đến cương giới, lãnh thổ Trung Quốc. Điều này, một lần nữa được xác nhận bởi hàng trăm bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây xuất bản từ đầu thế kỷ XVI đến thập niên 80 của thế kỷ XX. 




















CHÚ THÍCH
[20]. Vũ Quang Việt, “Bản đồ nhà Thanh do hoàng đế Khang Hi sai vẽ xác định cương vực của Trung Quốc chấm dứt ở đảo Đải Nam”, http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai…/201431_VuQuangViet.pdf.
[21]. Do kết quả đo vẽ khu vực Tân Cương không chính xác nên bản đồ hai khu vực này chưa hoàn thành. Đến năm 1719, hai khu vực Tân Cương và Tây Tạng mới được đưa vào Hoàng dư toàn lãm đồ. Tập bản đồ này còn được tái ấn vào năm 1721 (tỉ lệ 1:1.200.000), gồm 32 tờ. Dẫn theo: Vũ Quang Việt, “Bản đồ nhà Thanh do hoàng đế Khang Hi sai vẽ xác định cương vực của Trung Quốc chấm dứt ở đảo Đải Nam”. http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai…/201431_VuQuangViet.pdf. Truy cập ngày 10.7.2014.
[22]. Cổ kim đồ thư tập thành là bách khoa thư của triều Thanh, 5.020 tập, gồm các minh họa và trước tác từ thời thượng cổ đến thời kỳ đầu triều đại này. Bộ bách khoa thư được khởi soạn dưới triều Khang Hi, hoàn tất năm 1726 và khắc in năm 1728 dưới triều Ung Chính (1723 - 1735). Bộ sách gồm 800.000 trang, 100 triệu chữ, ghi chép từ các hiện tượng tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn chương đến bộ máy nhà nước của các triều đại Trung Quốc. Số lượng bản in năm 1728 là 60 bản. Dẫn theo: Vũ Quang Việt, “Bài đã dẫn”. Truy cập ngày 10.7.2014.
[23], [24], [25], [27]. Dẫn theo: Phạm Hoàng Quân, “Tây Sa và Nam Sa trong sử liệu Trung Quốc”, Ngày 11.12.2007, http://www.nguyenthaihocfoundation.org/…/hsts_tsns_suTrungH…. Truy cập ngày 22.12.2009.
[26]. Đông nam dương các quốc diên cách đồ: Bản đồ về sự thay đổi địa giới của các nước ở biển đông nam.
[28]. Atlas là tập bản đồ theo một chủ đề nào đó, chẳng hạn: bản đồ hành chính, bản đồ tự nhiên, bản đồ bưu chính…
[29]. 中國地圖: Trung Quốc địa đồ.
[30]. 中國全圖: Trung Quốc toàn đồ.
[31]. 中華郵政與圖: Trung Hoa bưu chính dư đồ.
[32]. Bốn atlas này do kỹ sư Trần Thắng ở bang Connecticut (Hoa Kỳ) phát hiện vào năm 2012. Ông Trần Thắng đã mua Atlas of the Chinese Empire / 中國地圖 (xuất bản năm 1908) và Atlas Postal de Chine / 中華郵政與圖 / Postal Atlas of China (xuất bản năm 1919) gửi về tặng cho Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng. Riêng Atlas Postal de Chine / 中華郵政與圖 / Postal Atlas of China (tái bản năm 1933) thì do UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng bỏ tiền mua. Ba atlas này hiện đang được lưu giữ tại thành phố Đà Nẵng. Complete Atlas of the China / 中國全圖 hiện vẫn do một nhà sưu tập bản đồ ở Hoa Kỳ sở hữu.
[33]. Hải giác thiên nhai nghĩa là “góc biển, chân trời”, cũng có khi viết là Thiên nhai hải giác nghĩa là “chân trời góc biển”, ý nói đó là nơi “cùng trời cuối đất”, tức là phần tận cùng của đất nước Trung Quốc.
[34]. Theo: Địa lý song khẩu, Đương Án xuất bản xã, 1988. Dẫn theo: Phạm Hoàng Quân, “Bài đã dẫn”. Truy cập ngày 22.12.2009.
[35]. Hải khoát thiên không nghĩa là “biển rộng vô bờ”. Tôi được ông Lê Hiếu Hữu, một người Việt đã đi du lịch tới Du Lâm (Hải Nam, Trung Quốc) năm 2007, tặng bức ảnh chụp tảng đá có khắc dòng chữ này (Ảnh cuối cùng). Xem: https://www.facebook.com/photo.php….
[36]. Xem thông tin về sự kiện này tại các link sau:
http://tuoitre.vn/…/qua-ban-do-nhay-cam-cua-thu-tuong-merke…; http://time.com/…/angela-merkel-xi-jinping-china-germany-m…/; http://www.foreignpolicy.com/…/…/01/merkel_map_message_china; http://www.smh.com.au/…/angela-merkels-historical-china-map…...
Ghi chú: Các bản đồ từ 23, 24, 27 dùng trong bài này là do ThS Chử Đình Phúc (VASS) cung cấp. Bản đồ 25 do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn công bố trên báo Thanh Niên. Các bản đồ 28 - 30 do kỹ sư Trần Thắng trao tặng cho Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng.


Trần Đức Anh Sơn

Video yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, foodcrops.vnCassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Câu chuyện ảnh, 5 phút thư giản, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con
 

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!