Lưu trữ Blog

27/10/14

Để duy trì nguồn lợi trên sông trên biển

TIN KHOA HỌC. Chúng ta cần làm cuộc “Cách mạng thủy sản” vì lợi ích chung cho cả nước, vì lợi ích cho các ngư dân và nhất là những gia đình nghèo sống ven sông ven biển, bằng cách phát động phong trào đánh bắt thủy sản một cách văn minh: không kích điện, không dùng thuốc nổ, không bắt các loài thủy hải sản còn nhỏ hay đang có trứng, và khuyên nông gia không dùng thuốc trừ sâu quá liều lượng để duy trì và gia tăng nguồn lợi thủy sản cho cả nước. Để làm được việc này, chúng ta cần có sự chung tay, phối hợp của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, các cơ quan truyền thông và của tất cả mọi người nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Ông Trần Văn Xẻn, nguyên chuyên viên thủy sản, Việt kiều ở Mỹ, đã trao đổi như vậy trong bài viết "Để Duy Trì Nguồn Lợi Trên Sông, Trên Biển" gửi cho trang TIN KHOA HỌC và DẠY VÀ HỌC.

Theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu tài nguyên thủy sản phong phú và đa dạng với hơn 20 kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gien phong phú và đặc hữu. Đến nay, Việt Nam đã có 2 di sản thiên nhiên thế giới, 8 khu dự trữ sinh quyển UNESCO và 6 Khu Ramsar đã được công nhận. Trong đó, khu vực hạ lưu sông Mê Kông có khoảng 1.200 loài cá, đứng thứ nhì thế giới chỉ sau sông Amazon ở Nam Mỹ. Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long đã tìm thấy hơn 200 loài cá, khoảng 60 loài có giá trị thương phẩm cao như cá tra, ba sa, bông lau, mè vinh hoặc có sản lượng đặc biệt như cá linh... và nổi trội nhất là tôm càng xanh. Ngoài ra, còn các loại cá khổng lồ, quí hiếm như cá hô, cá tra dầu… nặng hàng trăm ký. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng tôm cá trên sông ngòi khắp cả nước đang suy giảm một cách đáng kể (có nhiều loài cá có nguy cơ bị tuyệt chủng) do các hoạt động khai thác bừa bãi, đánh bắt tận diệt, nạn rác thải và những tai nạn tràn dầu trên biển… 


Quan sát một số nước trên thế giới, mặc dù không được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên thủy sản phong phú, đa dạng, thậm chí phải chịu nhiều thiệt thòi vì những tác hại của thiên tai, thảm họa, nhưng họ vẫn duy trì được mật độ thủy sản dồi dào trên sông, trên biển. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng ta sẽ thấy đó là kết quả của cách người dân đánh bắt các loài thủy sản trong quốc gia của họ. Có sự khác biệt lớn trong phương thức đánh bắt giữa ta và người:
- Ta dùng kích điện, người không dùng kích điện
- Ta dùng thuốc nổ, người không dùng thuốc nổ
- Ta bắt cá có trứng, người thả cá có trứng
- Ta bắt cá lớn lẫn cá bé, người chỉ bắt cá lớn
- Ta đánh bắt quanh năm, người đánh bắt theo mùa(tránh
mùa tôm, cua, cá sinh sản)

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc trừ sâu quá mạnh và quá liều lượng của ta cũng là một yếu tố quan trọng khiến lượng cá đồng giảm sút đáng kể.


Hiện nay, tại nhiều nơi, đặc biệt là các khu vực sông, ao hồ, vẫn còn tình trạng người dân đánh bắt cá bằng xung điện, thuốc nổ, tận diệt cá con, đánh cá mùa sinh đẻ, dư lượng thuốc sâu thuốc diệt cỏ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

1.  Dùng xung điện để đánh bắt cá 

Việc dùng xung điện
để đánh bắt cá là phương pháp đã có từ lâu và khá phổ biến ở những làng quê nghèo Việt Nam – nơi mà điều kiện và cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, cũng như trình độ văn hóa và tư tưởng chưa được phổ cập rộng rãi. Có một thời gian, việc dùng kích điện đánh cá đã trở thành nghề “kiếm cơm hằng ngày” của nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số lượng người làm nghề này đã giảm đi đáng kể. Nguyên nhân chính là do sông ngòi, hồ ao, mương máng bị ô nhiễm nặng, lượng cá trong tự nhiên ngày càng suy kiệt và thu nhập từ nghề cũng không còn hấp dẫn như trước nữa. Từ đó, có thể thấy được tác hại của việc đánh cá bằng xung điện là rất nghiệm trọng. Thật vậy, khi sử dụng xung điện để đánh bắt thì không chỉ có cá, tôm mà các loài khác trong phạm vi chịu ảnh hưởng của xung điện như lươn, ếch, nhái, thậm chí các loài sinh vật và vi sinh vật trong nước - nguồn thực phẩm thiên nhiên của cá - cũng bị tiêu diệt. Đây là một cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài vì phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hậu quả của việc làm này phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh. Thêm vào đó, tính mạng của người dân cũng rất nguy hiểm khi sử dụng những dụng cụ tự chế thiếu an toàn này.
2. Dùng thuốc nổ để đánh bắt cá
Theo ghi nhận của trang Bách khoa toàn thư (Wikipedia): “Đánh cá bằng thuốc nổ là một phương pháp có tính hủy diệt khác mà ngư dân sử dụng để đánh bắt cá nhỏ. Những thanh dynamite, lựu đạn, hoặc thuốc nổ tự chế được châm ngòi hoặc kích hoạt rồi ném xuống nước. Vụ nổ gây chấn động dưới nước, làm nội tạng cá bị vỡ nát và cá chết gần như ngay lập tức. Người ta thường cho nổ lần thứ hai để giết các con cá ăn mồi lớn hơn bị thu hút bởi xác những con cá nhỏ bị chết do vụ nổ đầu. Phương pháp đánh bắt này không chỉ giết cá trong khu vực nổ chính, là còn lấy đi sự sống của nhiều sinh vật khác tại rạn san hô, những sinh vật không phải mục tiêu đánh bắt. Ngoài ra, nhiều xác cá không nổi lên mặt nước để được vớt mà chìm xuống đáy biển. Vụ nổ còn giết cả san hô trong khu vực, tiêu diệt chính cấu trúc của rạn, phá hủy nơi cư trú cho cá và các động vật quan trọng khác có tầm quan trọng đối với việc bảo tồn một rạn san hô mạnh khỏe. Những vùng từng phủ đầy san hô trở thành hoang mạc đầy vụn san hô, cá chết và không còn gì khác sau cuộc đánh cá bằng thuốc nổ. Kiểu đánh cá này đã làm cho nhiều loài cá bắt đầu quá trình tuyệt chủng”.

3. Bắt cả cá con bất kể kích thước
Ngư dân ta thường bắt tất cả các loải thủy sản bất kể kích thước. Một phần vì ham lợi, một phần vì nghĩ rằng mình không bắt thì người khác cũng bắt. Chính suy nghĩ và hành động đó đã tiêu diệt nguồn thủy sản to lớn lúc còn trong trứng nước, làm giảm đi một số lượng đáng kể các loài thủy sản trên sông và trên biển. Nếu là cá nuôi, những con cá nhỏ sẽ được thả trở lại ao nuôi, còn ở sông, ở biển, chúng ta bắt hết, không chừa. Tại sao lại có sự khác biệt đó? Tại sao chúng ta không thể coi sông, biển là “ao nhà” để cùng nhau bảo quản các nguồn thủy sản một cách hợp lý để cùng hưởng lợi?

Nước ngoài có qui định rõ ràng về kích thước của các loài thủy hải sản. Sau đây là vài kích thước tiêu biểu ở Hoa Kỳ:

Ở sông:
- Cá Channel Catfish (giống cá bông lau của ta) phải dài hơn 25” (25 inches = 63.5 cm) hay nặng hơn 12 lbs (12 pounds = 5.4 kg).
- Cá White Catfish (giống cá tra) phải dài hơn 22” (55.9 cm) hay nặng hơn 5 lbs (2.27 kg).
- Spotted Sunfish (giống cá rô) dài hơn 7” (18 cm) hay nặng hơn 0.5 lbs (227 grams).
- Stripped Bass dài hơn 30” (76.2 cm) hay nặng hơn 12 lbs (5.4 kg).
- Asian Clam (hến) phải lớn hơn 1.5” (3.81cm).
- Lươn phải dài hơn 9” (22.9 cm).
- Cá Trout dài hơn 14” (35.56 cm).
- V.v. (có thể xem thêm ở website: myfwc.com/media/2824110/2014flfwregulations)


Ở biển:
- Cua biển: chỉ được bắt cua đực, không bắt cua cái hoặc cua con. Cua đực phải có kích thước như sau: Red Rock King Crab phải lớn hơn 4.5” (11.5 cm), Dungeness King Crab phải lớn hơn 6.5” (16.5 cm).
- Cá Salmon phải dài hơn 24” (61 cm).
- Cá Pacific Halibut (cá lưỡi trâu biển) phải dài hơn 22” (55.9 cm).
- Cá Rock Fish phải dài hơn 28” (71.1 cm).
- V.v. (có thể xem thêm ở website: myfwc.com/media/2714988/coastal-species-quick-chart).


4. Mùa đánh bắt:
Ngư dân ta đánh bắt quanh năm và bắt luôn những loài thủy sản có trứng - đó là cách đánh bắt tận diệt. Nước ngoài chỉ cho đánh bắt theo mùa, tránh mùa các loại tôm, cua, cá đẻ trứng hoặc còn quá nhỏ. Ở Hoa Kỳ, mùa đánh bắt cho từng loại thủy sản được qui định như sau:


Ở sông:
- Cá Bass được phép đánh bắt từ 16 tháng 6 đến 14 tháng 4 năm sau.
- Channel Catfish (cá bông lau?) được phép đánh bắt quanh năm.
- Cá Grass Carp (cá chép cỏ?) là loại quí hiếm – không được đánh bắt.
- Clams (hến) được phép đánh bắt từ 1 tháng 9 đến 30 tháng 4.
- V.v...

(xem thêm ở website: http://nrm.dfg.ca.gov/FileHandler.ashmx?DocumentID=88056&inline=1)

Ở biển:
- Dungeness Crab (một loại cua biển) được phép đánh bắt từ 15 tháng 11 đến hết tháng 6 năm sau.
- Lobster (một loại tôm biển) từ 1 tháng 10 đến 15 tháng 3 năm sau.
- Cá Salmon từ 5 tháng 4 đến 9 tháng 11.
- Pacific halibut (cá lưỡi trâu biển) từ 16 tháng 6 đến 14 tháng 3 năm sau.
- V.v. (có thể xem thêm ở website: www.dfg.ca.gov/marine/calendar.asp)

Khi xem phóng sự nước ngoài, đặc biệt là chương trình “Deadliest Catch” – đánh bắt cua King Crab ở eo biển Bering (Alaska), chúng ta sẽ thấy họ thả hết cua cái, cua con, chỉ bắt cua đực đã lớn. Với những con cua có kích thước nghi ngờ, họ lấy dụng cụ ra đo trước khi có quyết định bắt hay thả. Với loài cua này, mỗi năm chỉ được phép đánh bắt trong vài tháng. Thời gian còn lại để cua yên ổn mà sinh sản và tăng trưởng. 

5. Dư lượng thuốc sâu thuộc cỏ hại tôm cá
Thuốc trừ sâu được sử dụng ngày càng phổ biến trong sản xuất lúa để khống chế dịch bệnh và lượng dư của thuốc đã ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sinh vật nhất là tôm cá. Các loại thuốc trừ sâu thường có tính năng động, nghĩa là có thể diệt được nhiều loại côn trùng kể cả côn trùng có ích. Nói tóm lại, thuốc trừ sâu, diệt cỏ không chỉ có tác dụng tích cực bảo vệ mùa màng, mà còn gây ra nhiều hệ quả môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, tôm cá và con người. 



Sông ngòi ta nhiều nhưng không đủ tôm cá để tiêu dùng, đây là một sự lãng phí, giống như một xứ sở có nhiều đồng ruộng nhưng không đủ lúa gạo để ăn, nghĩ cũng tiếc phải không các bạn? Có thể ví sông ngòi như ao hồ thiên nhiên, những ao hồ vô cùng rộng lớn. Bây giờ đã có ao hồ thì chúng ta tìm cách nuôi cá, nuôi một cách tự nhiên – để thiên nhiên nuôi dưỡng, ta quản lý, chờ cá lớn để đánh bắt, thu thật nhiều lợi nhuận từ thiên nhiên. Nuôi cách này không tốn công cho cá ăn, cũng không tốn tiền mua thức ăn cho cá. Chuyện này có thể xảy ra không? Chắc chắn là có, vì nó đã hình thành ở những quốc gia tiên tiến. Ở những quốc gia này, người ta không đánh bắt các loài thủy sản bằng kích điện, thuốc nổ, chất độc, không bắt cá nhỏ, cá có trứng…Họ có luật đánh bắt rất rõ ràng. Luật được thi hành rất nghiêm minh. Hình phạt sẽ rất nặng với ai vi phạm. Lâu dần, người dân họ quen với nề nếp đánh bắt thông minh này và duy trì được nguồn lợi hết sức lớn lao mà thiên nhiên đã ban tặng. Coi phim phóng sự nước ngoài, chúng ta thường thấy cảnh thuyền bè chạy trên sông làm cá hoảng sợ nhảy tung lên thuyền, việc này cho thấy số lượng cá trên sông của họ rất lớn.


Một rổ cá lòng ròng (cá lóc con) chưa đầy một ký bây giờ, nhưng sẽ là hàng trăm ký cá lóc trong tương lai..
Nhớ ngày xưa, ở quê, mẹ thường đi chợ mua cá lòng ròng về kho xả. Cá lòng ròng là cá lóc mới nở, lớn bằng đầu đũa, màu đỏ, thường tụ lại thành bầy khi di chuyển, có cá mẹ canh chừng. Người đi câu lợi dụng tình mẫu tử, thả mồi (nhái, cá ..) xuống gần đàn con. Cá mẹ vì muốn bảo vệ cho con bèn cắn mồi, do đó dính câu. Bắt xong cá mẹ, người ta dùng rổ xúc luôn bầy cá con về ăn hay đem bán. Như thế là tận diệt. Đây là cách đánh bắt vô cùng bất nhân, dẫn đến hệ quả chúng ta thiếu cá trên sông ngày hôm nay. Một con cá lòng ròng, nếu để lớn thành cá lóc trên một ký thì trọng lượng sẽ tăng gấp trăm lần so với hồi còn nhỏ. 



Cá lòng ròng mang xuất xứ Việt Nam được đóng gói cẩn thận, bày bán trong ngăn thực phẩm đông lạnh tại siêu thị nước ngoài.
Mỗi năm, sau rằm tháng bảy, là mùa cá linh non. Cá linh nở ra ở biển hồ và theo dòng nước chảy xuống sông Tiền và sông Hậu. Bà con mình đóng đáy ngang sông bắt được nhiều vô kể. Cá linh non được bán đầy các chợ miền tây vào mùa này. Đây cũng là một phí phạm tài nguyên thiên nhiên, vì chỉ cần ba tháng sau là cá trưởng thành, trọng lượng tăng gấp mười, do đó, thu nhập của người đánh cá cũng sẽ tăng gấp mười nếu không đánh bắt lúc còn non. Ngoài ra, với số lượng cá trưởng thành gia tăng thì số lượng cá có trứng và đẻ trứng cũng gia tăng, việc này sẽ gia tăng số lượng cá sinh ra mùa sau theo cấp số nhân – một lợi nhuận không phải nhỏ.
Người nghèo ở thôn quê đa phần sống nhờ vào các loài thủy sản từ thiên nhiên như cá, tôm, cua, ốc... Khi sông, rạch không còn đủ tôm cá thì bữa ăn gia đình sẽ rất thiếu thốn, trẻ em sẽ bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Do đó, họ phải quơ quào kiếm ăn bằng bất cứ phương tiện nào kể cả các phương tiện bị cấm đoán. Họ bắt tất cả cá tôm dù còn nhỏ hay đang có trứng. Chính sự việc này càng làm nguồn thủy sản thêm cạn kiệt, đưa đến hệ quả tất yếu là cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn.


Theo số liệu báo cáo của Chi Cục Thủy Sản tỉnh Bắc Ninh, sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên của tỉnh đang ngày một giảm dần. Năm 1997, sản lượng khai thác tự nhiên chiếm đến 23,68% tổng sản lượng thủy sản, nhưng đến năm 2013 thì chỉ còn chiếm khoảng 4%. Điều này cho thấy nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng. Trong đó, có nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như: cá măng, cá chày, cá bống, cá ngạnh, cá trắm đen sông... Cá hô ở An Giang, có thể lớn hàng trăm ký, cũng đang dần dần bị tuyệt chủng.




Cá hô được mệnh danh là loài cá vua ở sông nước miền Tây bởi vóc dáng khổng lồ, nặng trên 160 kg, thịt ngon và được ưa chuộng. Cá hô là loài cá nước ngọt đã được Ủy ban Sông Mê Kông đưa vào sách Đỏ, vì có nguy cơ tuyệt chủng.


Kể từ 1998, Thủ tướng chính phủ của nhiều nhiệm kỳ đã ban hành pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; UBND các thành phố, quận, huyện… cũng đã có văn bản cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Tất cả những biện pháp này có làm giảm bớt việc khai thác thủy sản trái phép. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng kích điện trên các sông, hồ, mương máng tại nhiều địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Việc này cho thấy ý thức của người dân về việc duy trì nguồn lợi thủy sản chưa được cao lắm. Chúng ta cần sự hỗ trợ của giới truyền thông nhiều hơn trong việc thuyết phục người dân không đánh bắt tận diệt để thu được lợi nhuận nhiều hơn trong tương lai.

Bộ Thủy Sản nên ấn định kích thước và mùa đánh bắt các loài thủy hải sản chủ yếu trên sông, trên biển, rồi kiểm soát việc đánh bắt này qua các ngư cảng và các chợ cá thật gắt gao. Việc này chắc chắn sẽ làm hồi phục và gia tăng số lượng các loài thủy sản chỉ trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, chúng ta hãy khuyến cáo nông gia sử dụng thuốc trừ sâu với số lượng vừa đủ và các nhà sản xuất thuốc trừ sâu nên nghiên cứu và chế tạo một loại thuốc mới – loại thuốc chỉ diệt trừ sâu bệnh mà không làm hại con người và tôm cá. Ở nước ngoài, khi cần diệt một loại cỏ hay một loại côn trùng, người ta chế thuốc diệt trừ chỉ loài cỏ đó hay loài côn trùng đó mà thôi, không ảnh hưởng đến con người, các sinh vật và hoa màu khác. 

Vì lợi ích chung cho cả nước, vì lợi ích cho các ngư dân và nhất là những gia đình nghèo sống ven sông ven biển, chúng ta cần làm cuộc “Cách mạng thủy sản” bằng cách phát động phong trào đánh bắt thủy sản một cách văn minh: không kích điện, không dùng thuốc nổ, không bắt các loài thủy hải sản còn nhỏ hay đang có trứng, và khuyên nông gia không dùng thuốc trừ sâu quá liều lượng để duy trì và gia tăng nguồn lợi thủy sản cho cả nước. Để làm được việc này, chúng ta cần có sự chung tay, phối hợp của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, các cơ quan truyền thông và của tất cả mọi người nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Trần Văn Xẻn

Theo dòng sự kiện
Huế: Thả hơn 31.000 con cá nước ngọt về tự nhiên
Quảng Ngãi: Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
Phát động Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Thả nhiều tấn cá xuống sông Hậu

Phim tài liệu - Cá nước ngọt miền Tây


Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con 


Không có nhận xét nào:

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!