Lưu trữ Blog

17/1/08

Ninh Thuận: Những cánh đồng mì trăm triệu

TINKHOAHOC. Chưa bao giờ nông dân Hòa Sơn (Ninh Sơn) lại trúng mì như năm nay. Ít ai nghĩ rằng “cây mì xóa đói” chỉ trồng ở những đồi đất khô cằn như ở Hòa Sơn bỗng chốc lại “lên ngôi” như vậy. Lâu nay các hộ trồng mì ở Hòa Sơn trầy trật vì được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Trồng mì giỏi lắm chỉ giải quyết được khâu lương thực. Vì vậy, chuyện người dân trúng mì hàng trăm triệu đồng như là chuyện “trong mơ” ở Hòa Sơn. Cây mì vì thế đang là vấn đề “thời sự” của người dân nơi đây.

Chúng tôi về Hòa Sơn những ngày đầu năm 2008, đi đâu cũng thấy người dân hỏi nhau: Năm nay nhà bác trồng được mấy “héc” mì? Dẫn tôi đi coi bà con thu hoạch mì, đồng chí Châu Thanh Nghiệp, Trưởng Công an xã nói vui: “Bà con thu hoạch mì mà rầm rộ chẳng khác gì một công trường!”. Những chiếc máy cày nối thùng cao dựng đứng chất đầy mì từ mọi nơi chạy về đổ chất thành từng đống quanh trụ sở UBND xã. Hàng trăm người, chia thành từng tốp, số dùng máy thái mì, số dùng xe cút kít đẩy mì đi phơi, số chất mì vào bao tải chờ xe chuyển đi tiêu thụ…

Rời khu vực tập kết mì, chúng tôi ngược về thôn Tân Lập, nơi có nhiều hộ trúng mì nhất. Mặc dù tất bật thu hoạch mì, nhưng gương mặt nông dân Hồ Viết Linh không giấu được niềm vui: “Năm nay mì vừa được mùa, vừa được giá. Nhà tôi làm 7 ha, thu lãi hơn 150 triệu đồng”. Ngoài anh Linh, thì hộ trồng mì Võ Thành Đạt và một số hộ khác cũng trúng lớn. Ngay như thôn Tân Định, thôn có 100% hộ dân là đồng bào Raglai, lần đầu tiên trồng 25 ha mì cũng đạt năng suất cao. Đồng chí Katơ Rớt, Trưởng thôn, cho biết: “Lâu nay bà con chỉ có trồng bắp và mía. Đây là vụ đầu tiên chúng tôi thử nghiệm trồng cây mì. Với đà này, năm sau thôn sẽ mở rộng thêm diện tích mì”.

Vụ mì năm nay, toàn xã Hòa Sơn trồng 340 ha. Điều đáng nói là, ngoài số ít diện tích bị úng thủy bà con phải thu hoạch sớm, thì phần lớn số diện tích còn lại tập trung ở những gò đồi nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt rất cao. Nếu như những vụ trước, năng suất mì đạt khoảng từ 10 đến 12 tấn/ha, thì vụ này đạt từ 15 đến 20 tấn/ha; giá cả cũng tăng gấp đôi năm ngoái. Theo tính toán của bà con nông dân, với giá tư thương thu mua 1.000 đồng/1kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí người dân còn lãi từ 15 đến 16 triệu đồng/ha.

Hiện trên địa bàn xã Hòa Sơn có 2 tư thương tổ chức thu mua mì. Những tư thương này sẵn sàng mua “trọn gói” cả cánh đồng mì rồi thuê hàng chục người thu hoạch, cắt phơi, đóng bao, vận chuyển vào Đồng Nai tiêu thụ. Việc tư thương mua giá cao hơn giá của Nhà máy tinh bột mì Ninh Thuận, đã làm ảnh hưởng đến mối liên kết giữa “hai nhà”. Chị Nguyễn Thị Hà Đông, cán bộ kế hoạch xã, cho biết: “Trong tổng số 340 ha mì, có khoảng 60% diện tích các hộ trồng mì ký kết với Nhà máy Chế biến tinh bột mì theo phương thức Nhà máy cung cấp phân bón khoảng 1 triệu đồng/ha và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên giá thu mua 970 đồng/1kg của Nhà máy thấp hơn tư thương, đã vậy các hộ trồng mì phải chịu chi phí vận chuyển 70.000 đồng/tấn, nên nhiều hộ trồng chỉ thực hiện một phần nghĩa vụ với nhà máy, còn lại bán cho tư thương”. Anh Nguyễn Huy Duyên, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã , cho biết thêm: “Chúng tôi đã vận động các hộ trồng mì thực hiện nghĩa vụ với nhà máy, nhưng nếu nhà máy không nâng giá bằng giá với tư thương thì khó mà ngăn được người dân bán mì ra ngoài”.

Phải đến ra tết Nguyên đán, Hòa Sơn mới thu hoạch xong vụ mì. Nhưng ngay bây giờ, các hộ trồng mì đã chọn khu vực mì tốt để dành làm giống cho vụ tới. Nhiều khả năng diện tích mì vụ tới ở Hòa Sơn sẽ được mở rộng. Và các hộ dân đang nghĩ về những cánh đồng mì trăm triệu tiếp theo.

(Theo Báo Ninh Thuận)

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!