Lưu trữ Blog

19/3/23

Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen dược liệu năm 2018-2019

Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen dược liệu năm 2018-2019

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm nên có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng với trên 10.000 loài thực vật bậc cao có mạch, khoảng 800 loài Rêu, 600 loài Nấm, hơn 2000 loài Tảo và trong đó có nhiều loài được sử dụng làm thuốctổng số loài cây thuốc đã biết ở Việt Nam hiện nay đã lên tới trên 5.000 loài. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) cho đến nay có trên 80% dân số thế giới sử dụng cây cỏ trong việc phòng và điều trị bệnh. Bước sang thế kỷ 21, con người càng hiểu rõ hơn về giá trị của sức khỏe và càng quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn. Chính nguồn tài nguyên cây thuốc sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu để nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng và nguyên liệu phục vụ chăm sóc sức khỏe, y học cổ truyển và Công nghiệp Dược.

 

 

Do đặc điểm về các điều kiện tự nhiên và lịch sử tri thức văn hóa bản địa về cây thuốc mà tài nguyên di truyền cây thuốc của Việt Nam có sự phong phú và đa dạng riêng. Ngoài các cây thuốc nhiệt đới còn nhiều loài cây thuốc cận nhiệt đới và ôn đới, đã tạo nên nguồn tài nguyên di truyền cây thuốc phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, do khai thác liên tục nhiều năm, khai thác không chú ý bảo vệ tái sinh và nhiều nguyên nhân tác động khác đã làm cho nguồn cây thuốc tự nhiên ở Việt Nam suy giảm nghiêm trọng. Trong nhiều thập niên gần đây việc trồng cây dược liệu ngày càng được chú trọng, ngoài những loài cây thuốc nhập nội, các loài bản địa đều thu giống trong tự nhiên đưa vào trồng trọt. Nhưng đến nay chưa có nhiều nghiên cứu chọn tạo giống, chưa có giống cây dược liệu được công nhận giống cấp ngành hay cấp quốc gia…

 

Nguồn gen cây dược liệu có vị trí rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu ban đầu cho nghiên cứu, chọn tạo giống cây dược liệu và cung cấp giống phát triển tạo nguồn nguyên liệu. Trước tình trạng đáng báo động và nhu cầu về nguồn nguyên liệu làm thuốc, ngay từ năm 1988, Nhà nước ta đã có chủ trương bảo tồn cây dược liệu. Qua gần 30 năm thực hiện, trong số các loài đang được bảo tồn và lưu giữ có nhiều loài quí hiếm thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng; loài đặc hữu; loài có giá trị kinh tế; loài có nguồn gốc từ nước ngoài đã thích nghi và có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất ở Việt Nam. Các loài đang bảo tồn trong hệ thống được lưu giữ tại những vườn bảo tồn phù hợp với điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng. Nhiều loài đang là đối tượng cần khai thác phát triển tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhu cầu của thị trường.

 

Để đáp ứng với yêu cầu của ngành y tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học công tác bảo tồn và phát triển không ngừng nguồn gen cây thuốc, nhóm đề tài Viện Dược Liệu do PGS. TSKH. Nguyễn Minh Khởi đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Lưu giữ và bảo tồn nguồn gen dược liệu năm 2018-2019” nhằm lưu giữ và bảo tồn an toàn các nguồn gen cây thuốc quý, hiếm, có giá trị phục vụ yêu cầu nghiên cứu, học tập và khai thác phát triển sử dụng hiệu quảnguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam; góp phần phát triển y tế, kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc đã thực hiện được một số kết quả cụ thể như sau:

 

- Đã điều tra và thu thập bổ sung được 50 nguồn gen: trong đó có 43 nguồn gen quý hiếm và 07 nguồn gen có giá trị kinh tế. Những loài này đã được chuyển về bảo tồn tại những nơi phù hợp và được xây dựng phiếu đánh giá ban đầu và nâng tổng số nguồn gen lưu giữ và bảo tồn lên 763 nguồn gen (602 loài)

 

- Đã giám định tên khoa học cho 32 nguồn gen chưa xác định được tên khoa học trong hệ thống vườn bảo tồn và 50 nguồn gen mới thu thập

 

- Xác định được các danh mục: đang lưu giữ và bảo tồn, các loài an toàn, các loài cần bảo tồn, các loài cần thu thập cho bảo tồn.

 

- Bảo tồn an toàn 713 mẫu nguồn gen (thuộc 552 loài) trong hệ thống đảm bảo đủ số lượng và diện tích. Trồng lại 106 nguồn gen, nhân giống trồng lại 149 nguồn gen. Những nguồn gen này đều sinh trưởng tốt phù hợp với mục tiêu bảo tồn

 

- Đã đánh giá tỷ lệ nảy mầm của 232 mẫu hạt giống cây thuốc trong kho lạnh ngắn hạn. Thu thập mới được 50 mẫu hạt giống đưa vào bảo tồn trong kho lạnh. Sau khi đánh giá tỷ lệ nảy mầm, đã đề xuất loại bỏ 80 mẫu khả năng nảy mầm dưới 20%, do vậy sô lượng hat còn để lưu giữ: 202 mẫu

 

- Xây dựng hồ sơ bảo tồn nguồn gen của từng đơn vị: bao gồm các bộ phiếu đánh giá chi tiết đã được hoàn thiện các chỉ tiêu về đặc điểm nông sinh học của 50 nguồn gen; 50 phiếu đánh giá ban đầu của các nguồn gen mới thu thập.

 

Nhóm đề tài kiến nghị cần tiếp tục đánh giá để xác định đối tượng bảo tồn phù hợp cho từng đơn vị. Trong đó đề xuất quan tâm đến các nguồn gen có giá trị: Bảy lá một hoa, Bách hợp, Bát giác liên, Thiên niên kiện, Thuốc thượng, Đinh lăng lá tròn, Bạch cập, Hoàng tinh vòng, Hoàng tinh cách...để đẩy mạnh công tác khai thác và phát triển nguồn gen; Tiếp tục thu thập bổ sung các loài cây thuốc quí hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng và tăng cường bảo tồn theo tập đoàn các loài có tiềm năng phát triển để phục vụ công tác chọn, tạo giống; Tăng cường công tác đánh giá chất lượng với những nguồn gen có giá trị và tiềm năng phát triển. Tập trung đánh giá chất lượng nguồn gen của một số tập đoàn: Nghệ, Sả, Đinh lăng, Thiên niên kiện, Giảo cổ lam, Bảy lá một hoa, Náng, Rau đắng biển...; Tăng cường công tác phối hợp với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong triển khai bảo tồn các loài cây thuốc quí hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng; Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ làm công tác bảo tồn và cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến lĩnh vực bảo tồn cho toàn hệ thống; Xây dựng phần mềm quản lý nguồn gen phù hợp. Hoàn thiện các dữ liệu về đặc điểm nông sinh học và chất lượng của các nguồn gen có tiềm năng khai thác và phát triển.

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!