Việt Nam chính thức tham gia nền tảng quản lý dữ liệu bảo hộ cây trồng UPOV e-PVP kể từ ngày 28/9/2023
Ngày 28/9, tại Hà Nội, Cục Trồng trọt tổ chức lễ Khai trương nền tảng UPOV e-PVP tại Việt Nam. Kể từ ngày hôm nay, Việt Nam đã chính thức tham gia hệ thống quản lý bằng bảo hộ giống cây trồng trên nền tảng trực tuyến UPOV e-PVP.
Tham dự lễ khai trương có ông Peter Button, Phó tổng thư ký Hiệp hội Quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng (UPOV) và bà Akiko Nagano từ Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, từ năm 2017, Việt Nam thực hiện bảo hộ cho tất cả các loại cây trồng, đơn đăng ký bảo hộ từ trong nước và nước ngoài đều tăng. Từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản và UPOV, Việt Nam đã từng bước tham gia hệ thống UPOV e-PVP bao gồm nhiều mô-đun và cơ bản được xây dựng theo hình thức website trực tuyến, hỗ trợ các nước thành viên UPOV trong quá trình nộp đơn đăng ký bảo hộ, quản lý dữ liệu hiệu quả, nhanh chóng, an toàn.
Hệ thống UPOV e-PVPsử dụng công nghệ điện toán đám mây tích hợp block chain. Với sự hỗ trợ của ông Peter Button - Phó tổng thư ký UPOV và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là nước đầu tiên chính thức sử dụng mô đun quản lý dữ liệu của UPOV e-PVP kể từ ngày 28/9/2023.
Ông Nguyễn Như Cường cho biết, Cục Trồng trọt thực hiện bảo hộ giống cây trồng do các nhà khoa học trong nước, ngoài nước, khối tư nhân, khối Nhà nước chọn tạo, phát triển đồng thời việc tham gia bảo hộ, thực hiện quyền tác giả là động lực phục vụ chọn tạo giống cây trồng mới từ Việt Nam, thúc đẩy nhập khẩu giống cây trồng từ nước ngoài nhằm tạo điều kiện phát triển giá trị sản xuất ngành trồng trọt.
Theo mục tiêu chiến lược sở hữu trí tuệ của Việt Nam, từ khi trở thành thành viên của UPOV đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc xác lập quyền đối với giống cây trồng và trở thành một quốc gia hàng đầu trong khu vực về bảo hộ giống cây trồng. Tại Việt Nam, số đơn đăng ký bảo hộ mới hàng năm tăng, tính đến cuối năm 2022, tổng số đơn đã lên đến 2.200 đơn. Trong đó có khoảng 1.000 giống cây trồng Nhà nước cấp quyền bảo hộ, rất nhiều cây trồng mới có năng suất cao được đưa ra thị trường góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành. Ngoài đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 100 triệu dân, ngành trồng trọt còn đảm bảo nguồn cung mỗi năm xuất khẩu gạo từ 6,5 – 7 triệu tấn, cà phê, tiêu Việt Nam đều là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, giá trị xuất khẩu của riêng ngành trồng trọt dự báo đạt khoảng 25 tỷ USD trong năm 2023.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét