Các nhà khoa học trồng cây bằng nước mặn có khả năng giúp chúng ta thoát khỏi nạn đói
Nước mặn là tin xấu đối với hầu hết các loại cây trồng, nhưng không phải là tin xấu đối với một loạt cây như cà chua, cỏ linh lăng (alfalfa), hành (onions) và lúa đang nảy mầm trong phòng thí nghiệm ở Israel.
Những loại cây trồng này là sản phẩm trí tuệ không biến đổi gen của Ṛcā Godbole, nhà sinh học phân tử thực vật và đồng sáng lập của SaliCrop. Và chúng không chỉ phát triển mà còn phát triển trong nước mặn.
Trong bốn năm qua, SaliCrop đã thử nghiệm công nghệ cải thiện chất lượng hạt giống trên cà chua ở miền nam Tây Ban Nha, nơi hạn hán tàn khốc đã gây ra hiện tượng nhiễm mặn nghiêm trọng, quá trình đất trở nên quá mặn làm cho cây trồng không phát triển hiệu quả.
Tập thể SaliCrop từ trái qua gồm: Oron Bet Or, Carmit Oron, Ṛcā Godbole, Sharon Devir, Shimon Rachmilevitch. Nguồn: Guy Shery.
Tuy nhiên, với hạt giống của SaliCrop, những người nông dân trồng cà chua tham gia đã nhận thấy năng suất cây trồng tăng từ 10-17%, giúp họ kiếm thêm 1.600 USD/ha, Giám đốc điều hành SaliCrop Carmit Oron nói với Business Insider.
Tây Ban Nha chỉ là một trong nhiều nơi trên thế giới gặp phải vấn đề nhiễm mặn nghiêm trọng. Tác động xấu của việc tưới nước trong nhiều năm, nhiệt độ toàn cầu ấm lên và mực nước biển dâng cao đã khiến 20-50% đất được tưới trên toàn thế giới trở nên quá mặn. Điều này khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại ước tính khoảng 27 tỷ USD/năm do mất mùa.
Trong khi đó, số lượng dân số toàn cầu dự kiến sẽ đạt gần 10 tỷ người vào năm 2050, Liên Hợp Quốc ước tính. Oron nói: “Làm thế nào để chúng tôi trồng trọt nhiều hơn trên những vùng đất đang bị suy thoái? Đây là câu hỏi chính và là động lực để thành lập SaliCrop”.
Godbole thành lập SaliCrop cùng với Sharon Devir, kỹ sư nông nghiệp, với sứ mệnh lớn lao: Giúp đỡ những người nông dân đối mặt với những thách thức của thế giới đang thay đổi nhanh chóng của chúng ta và ngăn chặn nạn đói cho hàng tỷ người có thể xảy ra.
Devir nói với Báo Business Insider “Chúng tôi tin rằng đây là giải pháp bắt buộc”.
Salicrop đã thực hiện nghiên cứu cải thiện chất lượng hạt giống trên các trang trại trồng cà chua ở miền Nam Tây Ban Nha trong 4 năm qua. Nguồn: Guy Shery.
Salicrop thành công về nước mặn
Các nhà khoa học tại SaliCrop đang phát triển một loạt cây trồng có khả năng thích ứng cao, có thể phát triển dưới những áp lực như đất mặn hơn và nhiệt độ ấm hơn.
Muối xuất hiện tự nhiên trong đất ở khắp mọi nơi, nhưng quá nhiều muối có thể khiến cây khó hấp thụ nước và chất dinh dưỡng hơn, khiến cây chậm phát triển, làm giảm năng suất cây trồng và cuối cùng đe dọa sản xuất lương thực toàn cầu.
Trên toàn cầu, hơn 1,5 tỷ người sống cùng với đất đã trở nên quá mặn không thể trồng cây hiệu quả. Và nó được dự đoán sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.
Chẳng hạn ở Ấn Độ, 44% đất đai đã bị nhiễm mặn và các nhà nghiên cứu ước tính rằng tình trạng nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến 50% đất đai của quốc gia này vào năm 2050.
Vấn đề mà người nông dân trên toàn thế giới không thể tránh khỏi là nhiệt độ trung bình ấm hơn, làm tăng tốc độ bốc hơi trong đất, tập trung muối trong đất - đặc biệt là ở những vùng khô hạn.
Lũ lụt do mực nước biển dâng cao cũng gây ra mối đe dọa, đặc biệt đối với các vùng đất nông nghiệp ven biển, vì nó tích tụ nhiều muối hơn vào đất và nước ngầm. Những biện pháp tưới tiêu kém, chẳng hạn như tưới không đủ nước, sử dụng nước mặn và không duy trì hệ thống thoát nước phù hợp cũng có thể làm cho đất mặn.
Để giúp nông dân giải quyết tất cả các yếu tố này, SaliCrop đang nỗ lực mang giải pháp của mình đến 8 quốc gia khác nhau và đã nhận được lời kêu gọi từ các công ty hạt giống ở Châu Âu, Ấn Độ và Châu Phi đang tìm kiếm giải pháp tức thời để cải thiện năng suất cây trồng của họ, Oron cho biết.
Godbole giải thích trong một thông cáo báo chí: “Cây trồng có một số gen tương tác với môi trường nhất định, hoạt động như những cảnh báo bên trong. Khi có quá nhiều muối hoặc quá nóng, các báo động này sẽ mở và cây chuyển sang chế độ phòng thủ”.
Godbole đã tìm ra cách khai thác những tiếng chuông báo động đó bằng cách cho cây tiếp xúc áp lực ngay từ đầu trong chu kỳ sinh trưởng của chúng. Trong trường hợp này, là tưới cây bằng nước muối trong phòng thí nghiệm của họ. Bằng cách đó, khi được trồng trên đất mặn, cây trồng đã có sẵn khả năng phòng vệ, khiến chúng ít nhạy cảm hơn với điều kiện mặn.
Devir cho biết, chiến lược này giúp giảm một nửa tổn thất mùa màng do điều kiện bất thuận và chỉ mất khoảng một năm để đạt được kết quả đó.
Devir cho biết: “Chúng tôi hiệu chỉnh công nghệ của mình cho từng loại cây trồng, cho từng loài và thậm chí cho từng lô trong loài”. Điều này cho phép họ nhắm mục tiêu chính xác vào phản ứng thích ứng tốt nhất và tối đa hóa năng suất cho từng loại cây trồng.
Trồng cây trong tương lai bằng cây trồng không biến đổi gen
Devir nói “Chúng tôi tin rằng phải mất một đến hai năm cho đến khi chúng tôi có được dấu ấn toàn cầu với giải pháp của mình”. Cho đến nay, SaliCrop đã làm việc với các trang trại có diện tích từ 25 mẫu Anh đến 250 mẫu Anh. Trên toàn cầu, hơn 3.700 mẫu Anh - gấp hơn bốn lần diện tích Công viên Trung tâm của NYC - đất canh tác trồng hạt giống SaliCrop.
Nhưng SaliCrop không phải là công ty duy nhất nhắm đến giải pháp không biến đổi gen. Ví dụ, Red Sea Farms là một công ty Ả Rập Saudi sử dụng phương pháp chọn tạo giống chọn lọc để trồng các loại cây có thể được tưới bằng nước mặn. Ở Thụy Điển, một công ty có tên là OlsAro đang trồng lúa mì chịu mặn bằng cách sử dụng AI để chọn lọc những tính trạng giúp cải thiện khả năng thích ứng của nó.
Trên toàn thế giới có tới 783 triệu người phải đối mặt với nạn đói kinh niên. Liên Hợp Quốc đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là xóa bỏ nạn đói vào năm 2030, nhưng sẽ cần các giải pháp đổi mới sáng tạo để cải thiện năng suất nông nghiệp trước tình trạng biến đổi khí hậu.
Cây trồng không biến đổi gen có khả năng thích ứng là một giải pháp khả thi. Devir nói: “SaliCrop là ví dụ điển hình về cách bạn có thể mang đến cho thế giới một giải pháp rẻ tiền, đáng tin cậy mà không gây tác động tiêu cực đến môi trường, chỉ để sản xuất nhiều thực phẩm hơn. Chúng tôi tin vào điều đó”.
Nguyễn Tiến Hải theo Business Insider
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét