Chuyển đổi nông nghiệp từ nguồn carbon thành bồn chứa carbon
Hệ thống thực phẩm là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính quan trọng nhất trên hành tinh, khiến việc giảm phát thải trong lĩnh vực này trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu IIASA đã khám phá tiềm năng cô lập carbon trên đất nông nghiệp để chống lại biến đổi khí hậu, đưa ra những hiểu biết sâu sắc về tác động kinh tế cũng như tiềm năng giảm thiểu biến đổi khí hậu của nó.
Quá trình cô lập carbon trên đất nông nghiệp đề cập đến quá trình thu giữ và lưu trữ carbon dioxide (CO2) từ khí quyển trong đất và cây trồng trên các trang trại. Theo các tác giả của một nghiên cứu mới của IIASA vừa được công bố trên Tạp chí Nature Food, những hoạt động này có tiềm năng lớn trong việc giảm sự nóng lên toàn cầu đồng thời giảm chi phí giảm thiểu trên toàn nền kinh tế.
“Chúng tôi bắt đầu đánh giá các phương án cô lập carbon mới trên đất nông nghiệp và động lực của chúng trong một mô hình kinh tế. Cho đến nay, các phương án này chỉ được đánh giá trong các nghiên cứu kỹ thuật từ dưới lên và do đó không được xem xét trong các lộ trình ổn định khí hậu dựa trên Mô hình đánh giá tích hợp, vốn là nền tảng cho các chương hướng tới tương lai của các báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC)”, tác giả chính Stefan Frank, nghiên cứu viên cao cấp trong Nhóm nghiên cứu tương lai sinh quyển tích hợp của Chương trình tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học IIASA giải thích. “Với sự liên kết giữa các phương án giảm thiểu, các lĩnh vực kinh tế và các khu vực trên thế giới, các đánh giá kinh tế tích hợp như của chúng tôi có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị về tác động của các phương án này trên toàn hệ thống”.
Để giúp hấp thụ carbon dioxide từ không khí và lưu trữ trong đất hoặc trong cây trồng trên trang trại của mình, nông dân có thể sử dụng các kỹ thuật như trồng cây che phủ, sử dụng than sinh học (một loại than củi làm từ chất thải hữu cơ) hoặc áp dụng nông lâm kết hợp (trồng cây hàng năm xung quanh hoặc xen giữa các cây trồng lâu năm hoặc đồng cỏ), do đó biến đất nông nghiệp của họ thành bể chứa carbon.
Nhưng tại sao điều này lại quan trọng? Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng đến năm 2050, các hoạt động nông nghiệp này có thể giảm lượng khí thải nhà kính nhiều như trồng rừng mới, đặc biệt là ở các khu vực như Châu Phi cận Sahara và Nam Mỹ. Việc cô lập carbon trên đất nông nghiệp không chỉ quan trọng đối với các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu mà còn có thể tăng năng suất nông nghiệp và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu, đồng thời có thể giúp các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050 với chi phí từ 80 đến 120 đô la Mỹ cho mỗi tấn CO2 tương đương.
"Những nỗ lực này không chỉ cắt giảm chi phí giảm phát thải trên toàn nền kinh tế khi so sánh với kịch bản 1,5°C mà không có các biện pháp cô lập carbon trong nông nghiệp, mà còn giảm 0,6% tổn thất về sản lượng kinh tế toàn cầu vào giữa thế kỷ theo kịch bản ổn định khí hậu nhằm hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5°C", đồng tác giả nghiên cứu Andrey Lessa Derci Augustynczik, một nhà nghiên cứu liên kết với cùng chương trình tại IIASA, lưu ý. "Ngoài ra, nông dân có thể kiếm được thu nhập đáng kể từ các hoạt động này - lên tới 235 tỷ đô la vào năm 2050 - nếu họ nhận được các ưu đãi tài chính cho mỗi tấn CO2 bổ sung được lưu trữ trong đất và sinh khối với mức giá khí nhà kính dự kiến là 160 đô la cho mỗi tấn CO2 tương đương vào năm 2050".
Các tác giả nhấn mạnh rằng việc thực hiện những thay đổi này sẽ đòi hỏi các thể chế mạnh mẽ và hệ thống giám sát toàn cầu để đảm bảo rằng nông dân áp dụng đúng các biện pháp này và được trả công xứng đáng cho những nỗ lực của họ.
“Mặc dù có tiềm năng giảm thiểu lớn với chi phí khá thấp, tiềm năng cô lập carbon trong nông nghiệp chủ yếu nằm ở Nam bán cầu, điều này cần thận trọng vì tồn tại một số rào cản về mặt cấu trúc, thể chế hoặc xã hội. Để giải phóng những tiềm năng này và cung cấp những đóng góp có ý nghĩa cho các nỗ lực ổn định khí hậu đầy tham vọng, các thể chế và hệ thống giám sát hiệu quả cao phải được triển khai trong ngắn hạn và các chính sách khuyến khích cần thiết cần được đưa ra nhanh chóng”, Frank kết luận.
Huỳnh Thị Đan Anh theo IIASA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét