Lưu trữ Blog

19/1/08

Về thực trạng sản xuất trái cây và vị thế trái cây bản địa

GS.TS. Nguyễn Văn Luật


TINKHOAHOC. Diện tích trồng cây ăn quả (CAQ) ở cả nước hiện nay đã lên tới 755 ngàn ha, trong đó ĐBSCL hiện có 325 ngàn, tăng hơn gần 100 ngàn so với năm 2000. Bà con nông dân đã lựa chọn đúng và có hiệu quả thiết thực: tăng diện tích trồng CAQ để phá thế độc canh, nhất là ở vùng lúa ĐBSCL. Khuyến cáo cổ truyền “Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền” vẫn còn nguyên giá trị.

Tiền Giang là tỉnh phát triển diện tích trồng CAQ nhanh nhất và rộng nhất nước: năm 1990 có 24.500 ha, thì đến 2006 có gần 67.000 ha. Một cơ cấu giống CAQ hợp với từng loại đất đã được người làm vườn thực hiện và luôn hoàn thiện. Chủng loại CAQ ở mỗi vùng không chỉ phụ thuộc vào vùng đất ngọt, vùng đệm, lợ, mặn, phèn, mà còn phụ thuộc vào ý người trồng cây muốn có lời cao hơn. Số loài CAQ vùng ngọt nhiều nhất: 15 loài chính chiếm trên 50% diện tích CAQ của cả tỉnh, trong đó có sầu riêng, vú sữa, xoài, cam, quýt, nhãn, sapô, ổi, chôm chôm, bưởi. Vùng đệm và vùng mặn có 12 loài, vùng mặn có 10 loài và vùng phèn chỉ có 6. Phần lớn các loài CAQ ở vùng ngọt cho năng suất cao nhất, như cam đạt 12-13 tấn , thì ở vùng đệm còn 5 tấn, vùng mặn còn 1 tấn, tất nhiên có thể tăng đầu tư để đạt cao hơn, nhưng lời ít hoặc lỗ vốn. Dừa tập trung ở vùng lợ, có trên 5.000 ha, chiếm 70% diện tích dừa cả tỉnh, và có năng suất (8-9 tấn/ha) vượt trội so với các vùng khác; vùng ngọt đứng thứ nhì cũng chỉ đạt 7,5 t. Sản xuất dứa (khóm, thơm) hàng hóa tập trung tới 100% diện tích (#5.000 ha) ở vùng phèn. Vùng phèn thường giàu mùn giàu đạm này còn làm cho chuối đạt năng suất cao nhất tỉnh, khoảng 13 – 14 t/ha, trong khi vùng ngọt chưa đầy 10 tấn.

Mỗi địa phương, mỗi vùng lại có tính đặc thù trong sản xuất CAQ về giống cũng như về tập quán và về điều kiện tự nhiên. Ở tỉnh Sóc Trăng, vùng đất cồn chạy dọc theo bờ biển từ Vĩnh Châu đến Bắc Liêu có CAQ đặc sản nhãn Tiêu khá nổi tiếng, mặc dầu trong cây nhãn không phải trái nào hạt cũng ‘tiêu’ nhỏ lại, chất lượng rất ngon. Cũng như vậy với vũ sữa Vĩnh Kim, chưa có tài liệu nào chính thức cho rằng chất lượng kém những vú sữa đang nổi tiếng như vú sữa Lò Rèn.

Trong phạm vi cả nước, chủng loại trái cây càng phong phú, loại đặc thù nhiệt đới ở phía Nam, như xoài, sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, măng cụt, thanh long, trứng gà (lêkima), mãng cầu ta (na), mãng cầu Xiêm.. ; loại đặc thù á nhiệt đới và cả ôn đới ở các tỉnh phía Bắc và vùng núi cao, như vải thiều, lê, táo bom, hồng Hạc, mận Tam hoa, hạt rẻ Cao Bằng.. Mỗi loại lại có khá nhiều giống ngon, như cam Bố Hạ, cam xã Đoài; sầu riêng có sầu riêng hạt lép, Chín Hóa, Ri-6; bưởi có 5 doi, da xanh; thanh long có loại ruột trắng, ruột vàng, ruột đỏ sẫm; vú sữa có Vĩnh Kim, Lò Rèn; xoài có Cát Hòa Lộc, Cát Chu, xoài Gòn ăn xanh.

Đến nay, chưa thấy giống CAQ nhập nào vượt trội hơn giống bản địa về chất lượng ngon lành. Tuy nhiên, ta kém về lợi thế cạnh tranh hàng hóa, như độ an toàn thực phẩm, không đáp ứng kịp thời thị trường về số lượng, chất lượng cao và độ đồng đều, cũng như bao bì đóng gói, thời gian giao hàng theo hợp đồng, và giá bán lại cao do giá thành cao.

Trái cây nhập nội ngày một lấn sân trái cây sản xuất trong nước, do giá thành của họ thấp nên giá bán thấp, mẫu mã lại đẹp hơn. Một ví dụ, ở nước ta sầu riêng Ri-6 bán khoảng 25.000 đ/kg; sầu riêng Monthong nhập từ Thái Lan có 10.000 – 15.000 đ/kg, bán ở nội địa Thái Lan có 7.000 đ/kg. Hiện tượng được mùa rớt giá thê thảm diễn ra liên tiếp, như ở miền Bắc có vải thiều, mận tam hoa, nhãn; ở miền Nam cũng xẩy ra với nhiều loại, như có vụ vườn nhãn bỏ chín tự nhiên, tự rụng ngập mắt cá chân, xoài bán rẻ như cho, dẫn đến liên tục chặt cây này, trồng cây khác, rồi có nơi có khi trồng lại cây đã chặt.

Hiệu quả kinh tế của sản xuất rau quả hiện chưa cao và ổn định. Trên thế giới, giá trị buôn bán rau quả đạt gần 9 tỷ USD chiếm 15,5% các mặt hàng nông sản. Ở Việt Nam hiện mới đạt có 0,24% của thế giới. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của ta giảm sút: năm 2001 ta đạt 344 triệu USD, những năm sau giảm sút, cho đến năm 2006 khoảng còn từ 152 đến 263 triệu USD, thị trường và thị phần bị thu hẹp dần.

Các nhà khoa học cùng địa phương hàng thập kỷ đến nay kiên trì đề xuất và chỉ đao thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng vùng sản xuất trái cây hàng hóa chưa đủ rộng, tổ chức hợp tác sản xuất kinh doanh yếu, thiếu giống tốt, áp dụng kỹ thuật tùy tiện, yếu kém trong khâu chế biến, bảo quản, chưa đạt nhiều tiêu chuẩn hàng hóa trên “sân chơi” WTO.. Hiệu quả chỉ đạo hầu như chỉ thể hiện trong quá trình tăng diện tích sản xuất như trên, chưa tăng được lợi thế cạnh tranh về chất lượng, giá thành. Giải pháp phù hợp nhằm tăng thu, giảm rủi ro cho nông dân là cách để người nông dân ham áp dụng giống và kỹ thuật mới hơn.

Theo TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện CAQ miền Nam, thì trong sản xuất lưu thông trái thanh long, người nông dân chỉ được hưởng có 3,75% trên giá trị sản phẩm; người đóng gói hưởng 5,71%, nhà xuất khẩu 8%, còn đến khoảng 80% là người vận chuyển và phân phối. Cũng tương tự vậy với chăn nuôi trong VAC, theo PGsTs Võ Văn Sơn, ĐHCT, lợi nhuận nuôi heo (lợn) mà người nuôi hưởng thụ có # 27%, còn thương lái và giết mổ khoảng 43%, bán lẻ 23%. Phải chăng, tổ chức sản xuất trái cây hàng hóa cần có hình thức thích hợp liên doanh liên kết từ sản xuất đến thị trường để phân bổ lợi nhuận công bằng hơn, và ai cũng có lợi hơn so với hiện nay. Người nông dân tranh thủ thu nhập nhiều hơn bằng khoa học và công nghệ. Trong mối quan hệ hợp đồng, doanh nghiệp liên quan cũng được hưởng lợi thêm.

Giống CAQ vẫn được xếp hàng đầu trong quy trình sản xuất trái cây. Khác với sản xuất lúa hàng vụ có thể đổi giống, với trái cây là hàng chục năm. Khác với rau hiện ta đang sản xuất chủ yếu bằng giống nhập nội, vì hiện còn rất ít giống bản địa, như sả, giềng..; còn đối với CAQ thì phần nhiều dùng giống bản địa đặc sản, có giống có chất lượng và mẫu mã mầu sắc vỏ quả bắt mắt vượt trội không những không thua kém giống nhập nội, như cam, xoài, bưởi, sầu riêng, mà còn có giống vượt trội hơn.

Để phát huy CAQ đặc sản bản địa, cần xác định và mở rộng diện tích ra vùng có điều kiện đất và sinh thái khí hậu thích hợp, như ta đã làm rất thành công với vải thiều trước kia chỉ có ở Hưng Yên.Thanh long phát triển ở Nam Trung bộ và Nam bộ bằng giống vỏ đỏ ruột trắng. Hiện nay đã có giống thanh long trồng được ở cả nước dễ dàng, đấy là giống thanh long vỏ cũng đỏ tươi, nhưng ruột đỏ sẫm, ăn cũng ngon và ngọt mát không thua loại ruột trắng thông thường. Thời gian tạo chọn giống CAQ mới cần 10 – 15 năm, nhưng sau đó năm nào ta cũng có thể giới thiệu vào sản xuất giống mới. Tuyển chọn cây mẹ làm đầu dòng triết ghép nhân ra cũng là cách như ta đã làm có kết quả tốt. Quản lý cây giống vẫn là vấn đề bức xúc, vì giống kém chất lượng và không đúng giống vẫn còn trôi nổi trên thị trường.

Về mối quan hệ giữa đa canh và chuyên canh: Chuyên canh mới có thể có nông sản hàng hóa đáp ứng kịp thời và đủ số lượng và dễ đảm bảo chất lượng hơn cho thị trường, thuận lợi cho việc chuyển giao giống và kỹ thuật mới. Tuy nhiên, điều kiện của ta không cho phép ta thực hiện chuyên canh như ở nước có đất rộng, người thưa, nền kinh tế phát đạt như ở Úc, Ý, Mỹ.. Trong thực tế sản xuất ở ĐBSCL đã thể hiện giải pháp hài hòa là ‘vùng chuyên canh’ thực hiện bởi nhiều ‘nông hộ đa canh’, hay chuyên canh vài nông sản nào đó trên nền các vườn đa canh. làm sao để cho các hợp phần đa canh hỗ trợ nhau cùng phát triển. Người nông dân khó tiếp nhận một khuyến cáo nào chỉ nhằm vào một hoạt động sản xuất của họ, không quan tâm đến những lợi ích tích hợp của đa canh mà họ đang thực hiện có hiệu quả. Khi đã xác định được CAQ đặc sản chuyên canh ở vùng nào đó, kiến quyết khắc phục tình trạng giống kém, bị pha tạp, như vởi bưởi là cây thụ phấn nhở hạt phấn đực bên ngoài vào khoảng 30%, như vùng trồng bưởi 5 doi lẫn với các giống bưởi khác, do lai tạp mà xuống cấp còn 4, rồi 3. 2 doi, vốn không hạt thành có hạt tùm lum, chẳng ai đoái hoài đến lấy cắp cây giống để bị phạt đánh bằng doi nữa như xuất xứ của tên “5 doi”.

Điều này không chỉ thân thiện với môi trường, mà còn bền vững và tăng thu nhập, tăng cải thiện trực tiếp mức sống cho nông hộ, giảm rủi ro. Vùng lúa chuyên canh ĐBSCL được thực hiện đa canh bằng các miệt vườn cây ăn trái. Hệ sinh thái VAC trong phạm vi của các nông hộ bao gồm cây ăn quả chủ lực tùy theo vùng, như vú sữa, sầu riêng, bưởi, xoài, sơ ri, dưới tán vườn có thể nuôi bò thịt, heo hướng nạc, gia cầm.. Dưới ao nuôi thả các loại cá phù hợp với yêu cầu hàng hóa của vùng và xuất khẩu.

Cũng không nên chỉ khuyến cáo và tôn vinh sản xuất hàng hóa cho thị trường xuất khẩu, mà thiếu quan tâm đến cung cấp cho thị trường gần địa phương mà người sản xuất có thể dễ dàng bán ngay được sản phẩm của mình lấy tiền tiêu dùng hàng ngày, sản xuất tự túc tăng mức sống cho nông hộ, như trồng rau sạch lưu niên bản địa (mồng tơi, lá cách, thiên lý.) song song với trồng rau hàng hóa sạch; hay cây thuốc Nam dễ trồng dễ dùng, như cây kim vàng, cây chân rết.. không tốn kém thêm gì, vì trồng xen, trồng ghép.. Nhiều nơi khi thực hiện những dự án theo hướng này, đã quy tụ được các đoàn thể và hội nghề nghiệp tham gia, như Hội Làm vườn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến bính..

Quá trình sản xuất kinh doanh trái cây hiện còn dựa vào mở rộng diện tích hơn là công nghệ trước và sau thu hoạch. Cần thêm cách tiếp cận mới nói trên với bước đi thích hợp để như với sản xuất lúa gạo: diện tích giảm, vẫn tăng chất lượng, sản lượng và giá bán. Xuất khẩu gạo Việt Nam đến tháng 9/2007 đạt kỷ lục mới: bình quân 293 USD/tấn, tăng hơn năm trước 42 USD, đuổi kịp Thái Lan. Riêng loại 5% tấm bán 350 USD/t, hơn Thái Lan 7 USD.

GS.TS. Nguyễn Văn Luật
Bài đã đăng báo NNVN 10/2007

Tư liệu:
Mỗi địa phương, mỗi vùng lại có tính đặc thù trong sản xuất CAQ về giống cũng như về tập quán và về điều kiện tự nhiên.

Tỉnh Vĩnh Long có diện tích trồng CAQ chỉ sau Tiền Giang, là nơi xuất xứ từ huyện Bình Minh giống bưởi Năm Roi.

Ở tỉnh Sóc Trăng, vùng đất cồn chạy dọc theo bờ biển từ Vĩnh Châu đến Bắc Liêu có CAQ đặc sản nhãn Tiêu khá nổi tiếng, mặc dầu trong cây nhãn không phải trái nào hạt cũng ‘tiêu’ nhỏ lại, chất lượng rất ngon. Cũng như vậy với vũ sữa Vĩnh Kim, chưa có tài liệu nào chính thức cho rằng chất lượng kém những vú sữa đang nổi tiếng như vú sữa Lò Rèn.

TP. Cần Thơ tuy diện tích sản xuất nông nghiệp nói chung và CAQ nói riêng không nhiều như các địa phương khác, như Tiền Giang có sầu riêng hạt lép, Vĩnh Long có bưởi 5 roi, Hậu Giang có bưởi Phú Hữu, Sóc Trăng có vũ sữa Vĩnh Kim.., nhưng có vùng CAQ khá nổi tiếng như Phong Điền, và có hình thức tiếp thi “chợ nổi” trình làng nhiều trái cây ngon lành. Khi được đầu tư thỏa đáng, Cần Thơ vẫn có thể dẫn đầu về trái cây đặc sản hàng hóa.

CAQ Phong Điền: Huyện có 6.000 ha CAQ = 55.000 t/năm. Có cam mật, cam Sành, vú sữa Lò rèn, chanh Tàu, măng cụt, đặc biệt là dâu Hạ châu, đang phấn đấu đến năm 2010 thành quận sinh thái của TPCT.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chao ban. Hien tai minh dang lam 1 de an lien quan den nganh san xuat trai cay cua Viet Nam. Sau khi doc 1 so bai viet cua ban, minh thay co nhieu thong tin rat huu ich cho minh.

Tuy nhien co 1 thong tin, ma minh ko the tim thay o bat cu website nao. Do la So lieu thong ke DIEN TICH (area) + SAN LUONG (production) trai cay phan theo VUNG MIEN (TINH THANH) tren ca nuoc. Neu ban co, hoac biet nguon nao co the cung cap, thi ban co the chi cho minh dc ko?

Rat vui dc biet ban.
Lien Son (Ms)

son.nguyen@investconsultgroup.net
saomai1111@yahoo.com

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!