Lưu trữ Blog

3/5/09

Hoa Kỳ, TQ đặt biến đổi khí hậu làm ưu tiên hàng đầu

TINKHOAHOC (*). Theo VOA,“Cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều đặt vấn đề biến đổi khí hậu làm ưu tiên hàng đầu của những vấn đề cần phải giải quyết. Hai nước đang xem việc gia tăng hiệu suất năng lượng như một phương tiện chính để giảm thiểu lượng khí thải carbon và như một một lãnh vực để tạo những công ăn việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "

Trong bài diễn văn đọc trước lưỡng viện quốc hội hồi hạ tuần tháng hai vừa qua, Tổng thống Barack Obama hứa hẹn là chính phủ sẽ đầu tư vào 3 lãnh vực mà ông gọi là 'cực kỳ quan trọng' cho tương lai của nền kinh tế Hoa Kỳ. Lãnh vực đầu tiên trong danh sách của ông là năng lượng.

Tuy nhiên, ông Obama cũng nói thêm rằng Trung Quốc, chứ không phải Hoa Kỳ, là nước đã đạt được nhiều thành quả nhất trong việc đạt được những chỉ tiêu về hiệu suất năng lượng.

Tổng thống Obama nói: "Chúng ta biết rằng nước nào thu hoạch sức mạnh của năng lượng sạch và có thể tái tạo sẽ là nước dẫn đầu trong thế kỷ 21. Nhưng Trung Quốc lại chính là nước đã phát động nỗ lực lớn nhất trong lịch sử để làm cho kinh tế của họ có hiệu suất năng lượng ở mức cao."

Sự nhấn mạnh của ông Obama về việc thông qua gia tăng hiệu suất năng lượng để đối phó với nạn biến đổi khí hậu phản ánh một yếu tố tương đối mới trong chính sách môi trường của cả Washington lẫn Bắc kinh.

Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm đến 1/4 dân số trên trái đất và tiêu thụ khoảng 1/3 năng lượng của toàn thế giới.

Một số các nhà khoa học cho rằng hai nước này cũng góp phần nhiều nhất trong việc tạo ra sự biến đổi của khí hậu trên trái đất. Đây là hai nước thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, và là nơi thải ra phân nửa lượng khí thải carbon dioxide trên thế giới qua việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhiều nhà phân tích, và ngay cả các giới chức Trung Quốc, cũng tin rằng Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nước thải ra chất carbon dioxide nhiều nhất. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã nói đúng khi ông cho rằng Trung Quốc đang có được những thành quả vượt bực trong nỗ lực gia tăng hiệu suất năng lượng. Chính phủ Trung Quốc đã đề ra chỉ tiêu là giảm thiểu 20% tỉ lệ tiêu thụ năng lượng với tổng sản lượng nội địa trong vòng 5 năm từ năm 2006 tới năm 2010. Trung Quốc cũng nhắm tới mục tiêu là các loại năng lượng có thể tái tạo sẽ chiếm 10% tổng số năng lượng tiêu thụ vào năm 2010 và 15% vào năm 2020.

Các nỗ lực của Trung Quốc đã mang lại một số kết quả. Tỉ suất năng lượng, tức số năng lượng được dùng để sản xuất một đơn vị của GDP, đã giảm 4,21% trong năm vừa qua sau khi giảm được 3,66% trong năm trước đó.

Ông Lưu Kỳ, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, cho biết rằng nước ông sẽ tiếp tục thúc đẩy công cuộc bảo tồn năng lượng để giảm khí thải và chống chọi với nạn biến đổi khí hậu.

Ông Lưu nói rằng đối với chính phủ Trung Quốc nỗ lực bảo tồn năng lượng và công cuộc phát triển quốc gia có tầm quan trọng ngang nhau.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều trở ngại cần phải khắc phục. Khoảng 70% điện năng của Trung Quốc là do các nhà máy chạy bằng than đá sản xuất, và số nhà máy điện than đá mà Trung Quốc xây dựng trong vòng 5 năm qua có công suất tương đương với toàn bộ các nhà máy điện than đá của Hoa Kỳ. Tuy nhiều nhà máy mà Trung Quốc mới xây tương đối không gây nhiều ô nhiễm như các nhà máy loại cũ, nhưng công cuộc đô thị hóa và tiêu chuẩn sinh hoạt ngày càng cao ở Trung Quốc khiến cho nhu cầu điện của Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Ông Trần Sĩ Hải, một viên chức của Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, cho biết tình trạng suy thoái của kinh tế toàn cầu khiến cho việc giảm thiểu tỉ suất năng lượng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Ông Trần nói rằng Trung Quốc cần phải cắt giảm tỉ lệ tiêu thụ năng lượng nhưng đồng thời lại phải duy trì tỉ lệ tăng trưởng cao các công nghiệp như luyện thép và sản xuất xi măng.

Trong khi đến thăm Bắc kinh hồi tháng trước, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã hội kiến ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc. Bà cho báo chí biết rằng trong cuộc gặp gỡ này bà đã thảo luận về năng lượng có thể tái tạo, kỹ thuật thu giữ và tồn trữ khí carbon tại các nhà máy chạy bằng than, và hiệu suất năng lượng của các tòa nhà.

Bà Clinton nói: "Những kỹ thuật này có vai trò vô cùng thiết yếu trong việc thúc đẩy cho sự tăng trưởng kinh tế lâu bền ở hai quốc gia chúng ta và cho việc khắc phục vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, một vấn đề đang ngày càng trở nên khẩn thiết hơn."

Bà Clinton cũng cho biết rằng các giới chức cấp cao của đôi bên sẽ mở các cuộc thamkh ý kiến trong thời gian trước khi hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu được tổ chức ở Copenhagen vào tháng 12.

Các bản phúc trình mới đây của Hội Á châu ở New York và Viện Brookings ở Washington cho rằng nếu không có sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thì nỗ lực chống lại nạn biến đổi khí hậu có phần chắc sẽ không đạt được kết quả.

Tình trạng thiếu hợp tác này đã diễn ra trong quá khứ. Trung Quốc đã từ chối ấn định một mức trần cho nước họ về số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà họ được phép thải ra. Bắc kinh nói rằng các nước giàu trong thế giới công nghiệp hóa đã hưởng nhiều lợi ích từ các giai đoạn phát triển có mức khí thải cao. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ ông George W Bush đã không chiụ ký kết Nghị định thư Kyoto một phần là vì văn kiện này không bao gồm mức trần cho Trung Quốc về số lượng khí thải.

Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung của Hội Á châu, cho rằng bất kỳ hiệp ước nào về khí hậu mà không bao gồm cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều sẽ bị thất bại.

Ông Schell nói: "Nếu giữa chúng ta – giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có một bên quyết định làm ngơ vấn đề này thì sẽ không có một giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu và như thế mọi người chúng ta đều phải gánh chịu hậu quả, không phải chỉ ở Trung Quốc và Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới."

Những nỗ lực hợp tác Mỹ-Trung trong lãnh vực hiệu suất năng lượng đã được khởi sự. Một văn kiện về hợp tác môi sinh đã được ký kết giữa thành phố Greensburg ở tiểu bang Kansas đã bị bão xoáy tàn phá và thành phố Miên Châu của tỉnh Tứ Xuyên bị động đất phá sập nhiều nhà cửa hồi tháng 5 năm ngoái. Hai thành phố này sẽ hợp tác để thực thi một đồ án thiết kế về hiệu suất năng lượng trong lúc tiến hành công tác xây dựng lại nhà cửa.

Tổng thống Obama đã nhắc tới thành phố Greensburg khi đọc diễn văn tại quốc hội hồi tháng trước. Ông cũng đã nhấn mạnh tới sự tin tưởng của ông là hiệu suất năng lượng và phát triển kinh tế luôn luôn đi đôi với nhau.

Ông Obama nói: "Tôi nghĩ tới Greensburg, Kansas, một thành phố nhỏ đã bị bão xoáy phá hủy hoàn toàn, nhưng đang được cư dân xây dựng lại như một thí dụ để mọi người trên khắp thế giới thấy được cách thức mà năng lượng sạch có thể cung cấp điện cho cả một cộng đồng – phương thức mà năng lượng sạch có thể mang lại công ăn việc làm và cơ hội kinh doanh cho một nơi từng là một đống gạch vụn."

Cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều cam kết những khoản chi tiêu lớn trong các kế hoạch kích thích kinh tế cho những năm sắp tới. Quyết tâm của hai nước trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ được trắc nghiệm một phần qua việc họ muốn dành ra bao nhiêu ngân khoản để phát triển, thực thi và giám sát các chương trình về hiệu suất năng lượng.”

Alison Klayman

VOA, http://www.voanews.com/vietnamese/2009-03-06-voa15.cfm
(*) Chép lại để suy ngẫm.

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!