TINKHOAHOC. Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) vừa nhân thành công giống lúa thơm đột biến Basmati bằng phương pháp chiếu xạ. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu phát triển các dòng thuần lúa thơm đột biến” do PGS-TS Lê Xuân Thám làm chủ nhiệm.
Giống lúa thơm đột biến Basmati là loại giống rất thích hợp với các loại đất bị nhiễm phèn, mặn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cho năng suất cao gấp 2 đến 2,5 lần so với giống lúa gốc. Thành công này đã mở ra triển vọng cho việc nhân rộng trên vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo các nhà nghiên cứu, giống lúa đột biến Basmati có ba ưu điểm chính: Rút ngắn thời gian canh tác, cho gạo có mùi thơm đặc trưng, chất lượng tốt (hàm lượng chất tạo tinh bột chiếm 19-21%. Giống lúa này lại dễ canh tác, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ vào khoảng 90 ngày nên có thể thâm canh ba vụ hoặc hai vụ lúa, một vụ màu...
Năm 2002, giống lúa thơm đột biến Basmati bắt đầu được Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh triển khai từ giống lúa gốc Basmati của Pa-ki-xtan, một loại lúa nổi tiếng trên thị trường quốc tế. Theo PGS.TS. Lê Xuân Thám, loại giống Basmati mà Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh nhận được chỉ là giống Basmati địa phương của Pa-ki-xtan và Ấn Độ có năng suất 2-3 tấn/ha, thường chỉ gieo một vụ/ năm, cây cao khoảng 1,5-1,6m và thời gian sinh trưởng là từ 140 - 150 ngày/vụ.
Sau khi kết hợp xử lý phóng xạ, Trung tâm kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tỉnh Sóc Trăng) chọn lọc qua các thế hệ và hiện nay đã đạt được dòng thuần chủng - đến thế hệ M8 (8 vụ). Qua trồng thử nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy dòng lúa thơm này không những phát triển tốt trên đất nhiễm phèn, nhiễm mặn mà còn cho năng suất cao, gấp 2 đến 2,5 lần so với giống lúa gốc. Thời gian sinh trưởng của giống lúa ngắn chỉ còn 90 ngày, do đó có thể thâm canh ba vụ trên cùng đơn vị diện tích. PGS. TS Lê Xuân Thám cho biết thêm: “Đặc điểm của giống lúa đột biến Basmati này rất thích hợp với các loại đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, đặc tính chống các loại sâu bệnh tương đối tốt và nổi trội hơn so với nhiều giống lúa thơm nhập khẩu khác”. (Tin của Viện Lúa theo Nhân dân, Số 44 (103), 2/11/2008).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét