Lưu trữ Blog

26/12/08

Cơ cấu giống lúa hiệu quả cho ĐBSCL.



GS.TS. Nguyễn Văn Luật

TIN KHOA HỌC. Theo Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm Giống Cây trồng Quốc gia, trong 10 giống lúa chiếm diện tích rộng nhất vùng ĐBSCL năm 2007 thì IR50404 đứng đầu cả ba vụ, giống OM576 (Hình trên)) trong vụ Đông Xuân đứng thứ năm, sang vụ Hè Thu đứng thứ ba, và ở vụ Thu Đông đứng thứ nhì. Giống mới ở hạng “top ten” được sử dụng trong vụ thu đông 2007 thường được lấy hạt giống cho vụ tiếp là IR50404 chiếm 13% diện tích, OM576 (7,8%), OM2517, Jas’mine85, OM1490, VND95-20, OM2717, OM3536, OM4498, OMCS2000. Theo anh Tư Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh, vụ thu đông- vụ mùa 2008-09, bà con nông dân Trà Vinh đang xuống giống theo kế hoạch là 93.100 ha. Giống lúa dùng trong vụ này chủ yếu vẫn là những giống IR50404, OM576, mặc dầu có những mong muốn loại hai giống trên vì khó bán, giá thấp, thiệt thòi cho bà con nông dân. Tuy nhiên, thiện chí trên cần có lộ trình thực hiện, trước hết bởi vì chưa có đủ giống tôt khác thay thế; và khi một giống mới được mở rộng diện tích sử dụng, không phải giống nào cũng giữ được đặc tính tốt mong muốn. GS.TS. Nguyễn Văn Luật đã trao đổi về cơ cấu giống lúa hiệu qủa cho ĐBSCL


Có hai vấn đề bức xúc về khâu giống cho sản xuất lúa ở ĐBSCL là: 1./ Muốn tập trung mở rộng diện tích làm giống lúa thơm đặc sản mà lại thiếu giống. Hơn nữa, chưa ai dám chắc rằng mở rộng đến mức nào, 20% hay 30% diện tích thì sẽ tạo điều kiện bột phát sâu bệnh, vì giống lúa thơm thường yếu chịu sâu bệnh, như Jas’min, Khaodokmali, OMCS21.., và các giống cổ truyền như Nàng thơm Chợ Đào, Tài nguyên đục..Khi bà con nông dân ta “ồ ạt” đua nhau mở rộng diện tích lúa thơm, liệu năng suất và sản lượng có ổn định không, giá cả sẽ ra sao khi ế hàng dội chợ; vì yêu cầu của thị trường với gạo thơm hạn chế; nhất là ở thị trường tiềm năng như Châu Phi; 2./ diện tích sử dụng giống IR50404 và OM576 đứng thứ nhất nhì ở nhiều nơi, thóc đang bị “ế ẩm” vì thương lái cho là gạo có chất lượng không cao. Tuy nhiên, chưa có mô hình sản xuất đại trà nào trong điều kiện sản xuất và thị trường bình thường nhằm giới thiệu những giống lúa thay thế một cách thuyết phục hai giống lúa đứng thứ nhất nhì về diện tích sử dụng trên. Tỷ lệ sử dụng hai giống lúa trên vừa qua ở nhiều địa phương, như Trà Vinh, Tiền Giang.., chiếm tới 60% - 70% mà vẫn cho năng suất ổn định và cao. Nếu thay bằng giống khác, liệu có giữ được sản lượng ổn định như khi có hai giống trên hay không. Hơn nữa, người nông dân khi dùng hai giống trên thì giá bán chỉ thua các giống khác có vài trăm ngàn, nhưng do năng suất cao hơn có khi tới hàng tấn 1 ha, lại ít sâu bệnh, nên vẫn lời.

Cục Trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị nghiên cứu liên quan và ngành nông nghiệp đã có những khuyến cáo cho sản xuất cho vụ ĐX 2008-09. Những khuyến cáo trên được đúc rút từ nhiều nguồn thông tin, cụ thể với từng vùng, tùng vụ. Bà con nông dân ĐBSCL đang xuống giống lúa, cần tiếp cận nhanh với những khuyến cáo thiết thực. Tuy nhiên, không còn mấy thời gian để cải thiện nhanh bộ giống lúa vụ này. Để tiến tới một cơ cấu giống lúa hiệu quả cao cho các vụ tới, cần có một chiến lược với bước đi thích hợp, đầu tư thỏa đáng, và một cách tiếp cận khách quan thực tế sản xuất để có khuyến cáo thuyết phục.

Xin đơn cử trường hợp sản xuất lúa ở tỉnh Trà Vinh, là tỉnh mà các năm qua tôi có nhiều dịp qua lại trong phạm vi một số dự án giúp nông dân sản xuất. Trà Vinh là một tỉnh ven biển, là một trong vài tỉnh có điều kiện sản xuất khó khăn nhất ở ĐBSCL, cũng thuôc vùng xa vùng sâu, vùng có nhiều người dân tộc. Cũng như nhiều tỉnh bạn, sản xuất lúa năm qua thắng lợi lớn, đạt sản lượng thóc cao nhất từ trước đến nay, khoảng 1,1 triệu tấn.

Theo anh Tư Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kết quả sản xuất các vụ kế tiếp như sau: Vụ Thu- Đông (71,500 ha) năm 2007-08 bằng giống lúa mới cao sản + vụ mùa (18,800 ha) bằng giống cổ truyền, đạt năng suất bình quân 4,38t/ha, với các giống lúa: OM576 (30% diện tích); IR50404 (30%); VND95-20 (10%); OM4498 (10%); Tài nguyên đục (8%), ST5 (3%); còn 8% bằng nhiều giống lúa khác. Vụ đông xuân 2007-08 (53.748 ha) đạt năng suất bình quân 5,48t/ha, cũng đạt cao nhất trong 3 vụ, với các giống IR50404 (40%); OM756 (30%); VND95-20 (15%); OM4498 (3%); OM 1490 (3%). Vụ hè thu 2008 có 82.892 ha, đạt năng suất 4,77t/ha, bằng những giống lúa: IR50404 (35%); OM576 (30%); VND95-20 (15%); OM4498 (5%); CL 8 (5%).Vụ thu đông- vụ mùa 2008-09, bà con nông dân Trà Vinh đang xuống giống theo kế hoạch là 93.100 ha. Giống lúa dùng trong vụ này chủ yếu vẫn là những giống kể trên, mặc dầu có những mong muốn loại hai giống trên vì khó bán, giá thấp, thiệt thòi cho bà con nông dân. Tuy nhiên, thiện chí trên cần có lộ trình thực hiện, trước hết bởi vì chưa có đủ giống tôt khác thay thế; và khi một giống mới được mở rộng diện tích sử dụng, không phải giống nào cũng giữ được đặc tính tốt mong muốn. Người nông dân không dễ tiếp nhận ngay, vì bà con chọn dùng giống nào đâu cần biết của ai, từ đâu.

Kết quả sản xuất năm 2008 vừa nhận được: giống IR50404 được sử dụng trên 246.508ha chiếm 16,14%, trong đó Hậu Giang 15.205ha, Long An 9.491 ha, Cần Thơ 8.8507ha, Sóc Trăng 8.507ha, Bến Tre 1.240ha.. Giống OM 576 đạt diện tích 37.797ha ở Vĩnh Long, 15.771ha ở Kiên Giang, Cà Mau 15.583, Long An 9.069ha, Bặc Liêu 3.749ha, Tiền Giang 2.870 ha, Đồng Tháp 350ha.

Giống lúa IR50404 nhập từ Viện Lúa Quốc tế, do những ưu điểm ngắn ngày và dễ sản xuất, nhiều cơ quan đã nghiên cứu từ cuối thập kỷ 80, đến 1992 thì được công nhận giống cho sản xuất do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam giới thiệu. Đến nay, đã có ba lần xuất khẩu gạo khó, cũng là ba lần IR50404 bị phê phán “lên bờ, xuống ruộng” do khó bán, đến mức có vị đề nghị truy cứu trách nhiệm cơ quan và ai là người giới thiệu. Tuy nhiên, sau hai lần trước, diện tích sử dụng giống này có giảm, rồi lại tiếp tục ngóc lên đứng hàng thứ nhì, thứ nhất về diện tích sử dụng ở ĐBSCL theo thống kê của cơ quan chức năng, mặc dầu không nằm trong những giống được khuyến cáo trước mỗi vụ, hay việc sử dụng giống IR50404, OM576 và các giống lúa khác là do nông dân đã tự cân nhắc và quyết định.

Giống lúa OM576 lai tạo bởi kỹ sư Kiều Thị Ngọc (nay là tiến sỹ), được Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu vào sản xuất từ cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước. Thật ra, sau khi phóng thích chúng tôi quên luôn giống này. Chính bà con nông dân ở tỉnh Minh Hải lúc đó đã tự mở rộng diện tích sử dụng giống này từ những cánh đồng có nhiều lung đìa, và tự đặt tên là giống “Hầm trâu”, vì có nơi phát triển tốt ngay ở hầm (vũng) trâu đầm. Từ đó, lan rộng ra các tỉnh.

Vào 9, 10 năm trước đây, TT Khảo Kiểm nghiệm cây trồng Quốc gia cùng với các địa phương điều tra thống kê các giống lúa dùng trong sản xuất đại trà, và xác định 10 giống lúa chiếm diện tích rộng nhất từ cao xuống thấp ở ĐBSCL theo thứ tự sau: OM1490, IR50404, OM576, OMCS2000, VND95-20, IR64, AS996, MTL250,. OM2031, Jas’mine.
Cũng theo Trung tâm này, trong 10 giống lúa chiếm diện tích rộng nhất vùng ĐBSCL năm 2007, thì IR50404 vẫn đứng đầu cả ba vụ, giống OM576 trong vụ Đông Xuân đứng thứ năm, sang vụ Hè Thu thứ ba, và ở vụ Thu Đông đứng thứ nhì. Giống mới ở hạng “top ten” được sử dụng trong vụ Thu Đông 2007, thường được lấy hạt giống cho vụ tiếp là: IR50404 chiếm 13% diện tích, OM576 (7,8%), OM2517, Jas’mine85, OM1490, VND95-20, OM2717, OM3536, OM4498, OMCS2000.

Cần đầu tư cho việc thống kê diện tích sử dụng giống lúa như trên nhằm cung cấp thông tin thiết thực kịp thời cho nông dân, cho cán bộ chỉ đạo sản xuất, và cho cả nhà tạo chọn giống mới. Việc này càng cần thiết với các địa phương. Nhiều Sở Nông nghiệp đã làm, như Sở Nông nghiệp Trà Vinh đã nêu trên.

Từ hơn hai thập kỷ qua, những khuyến cáo giống lúa cho sản xuất theo các mức độ: các giống chủ lực, giống bổ sung, và giống triển vọng. Trong số hàng trăm giống sản xuất đại trà, những giống được xếp thứ hạng cao thường trải qua “thử thách nhiều vụ”, nhất là những giống được tồn tại lâu trong sản xuất như hai giống trên, giống IR64 được phóng thích từ giữa thập kỷ 80, giống OMCS2000 từ năm 2000.

Nhìn qua giá gạo bán lẻ cũng thấy để nâng cao hiệu quả cơ cấu giống lúa phải theo hướng giảm thiểu diện tích IR50404 và OM576. Hiện nay, cuối tháng 11, gạo IR50404 có giá 4.300-4.500 đ/kg, OM576 có giá 6.200 đ/kg; trong khi giá 1 kg gao Jas’mine (bảng ghi gạo thơm Mỹ) là 10 – 12.000 đ.; gạo VD20 (thơm Đài Loan) 15.000đ.. Để tăng hiệu quả cơ cấu giống lúa, ngoài việc đẩy mạnh việc tạo chọn và chuyển giao vào sản xuất giống lúa mới, cần có đề tài phục tráng những giống được dùng lâu dài trong sản xuất đại trà như IR50404 và OM576.

Trong chuyến đi An Giang vừa qua, tôi được Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Huỳnh Hiệp Thành dẫn đến cơ sở sản xuất kinh doanh giống lúa của anh Nguyễn Thiện Tâm ở Tri Tôn, được xem bông lúa, hạt lúa, hạt gạo và ăn cơm gạo IR50404 trắng hơn, dẻo hơn, do An Giang phục tráng cải thiện.

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!