Lưu trữ Blog

9/1/09

Vịt chạy đồng và lúa vụ ba ở ĐBSCL


GsTs Nguyễn Văn Luật,ThS Nguyễn Đức Lộc

Nghề nuôi vịt chạy đồng thường xuất hiện ở nơi sản xuất lúa tập trung. Tăng vụ lúa là điều kiện mở rộng diện nuôi vịt chạy đồng. Vùng ĐBSCL có đầu vịt chiếm tới 60% tổng đàn vịt cả nước. Tổng đàn gia cầm hiện nay ở ĐBSCL có khoảng 33 triệu con, thì đàn vịt chiếm 2/3, trong đó nuôi theo hình thức chạy đồng chiếm khoảng 70%. Có nước đã dùng vệ tinh viễn thám theo dõi đàn vịt qua mầu sắc của vùng trồng lúa. Trung Quốc là nước có đàn vịt đứng đầu thế giới, đứng thứ hai là Việt Nam ta. Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực thay đổi tập quán nuôi vịt, chuyển từ hình thức nuôi nước sang khô, hay bán công nghiệp và công nghiệp. Việt Nam ta cũng đang có quy hoạch và tầm nhìn như vậy. Có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn, và phải có biện pháp thích hợp khắc phục. Bởi vì làm vậy có thể trái với đặc tính sinh lý của vịt di truyền từ lâu đời là sống và vùng vẫy kiếm ăn trên mặt nước.


Có nhiều ý kiến khác nhau đối với hai hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL: vịt chạy đồng và lúa vụ ba. Mặc dầu khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, nhưng đều vì bà con nông dân mình cả. Vài năm trước đây tôi cũng thường tích cực khuyên bà con không nên làm như khuyến cáo của mọi chuyên gia khác. Thế nhưng, hơn hai thập kỷ đến nay, người nông dân không nghe theo mà vẫn cứ làm ở mức độ khác nhau tùy điều kiện, và đã đạt kết quả nhãn tiền.

Thạc sỹ Lê Minh Tùng, Phó Chủ tỉch tỉnh kiêm Hiệu trưởng trường Đại học An Giang, đã nói cần những bằng chứng khách quan về 3 vụ lúa làm kiệt đất cụ thể thế nào, làm cầu sâu bệnh hại mùa màng ra sao. Khi trao đổi trực tiếp với cán bộ kỹ thuật địa phương tiếp xúc thường xuyên đồng ruộng và bà con nông dân, thì nhiều anh chị em tỏ ra đồng thuận với việc làm của nông dân.

Theo Gs Nguyễn Thơ thì rầy nâu bột phát có tính chu kỳ. Thạc sỹ Lý Tửng, cán bộ kỹ thuật ở tỉnh Trà Vinh có nhận xét khi có dịch rầy nâu thì vùng 3 vụ lúa, vùng 2 vụ lúa, ngay cả 1 vụ lúa mùa đều nhiễm tuốt. Năm 1978, chúng tôi có thăm Bặc Liêu thuộc tỉnh Minh Hải lúc đó chỉ có 1 vụ lúa mùa, bị nhiễm và cháy rầy nặng nhất tính đến nay. Như vậy, chu kỳ dịch rầy nâu, gần đây có mang mầm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá này đến sớm hay muộn, tác hại nhiều hay ít còn phụ thuộc vào việc phòng trị kịp thời trên cơ sở cảnh giác cao với loại sâu bệnh hại này.

Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát có nói: “Người nông dân gặp khó khăn về kỹ thuật phòng trừ bệnh trong hai ngành sản xuất trên thì các chuyên gia phải tìm cách giúp bà con như thực hiện yêu cầu của Bộ NN và PTNT là phải tiêm phòng 100% thủy cầm nuôi mới, đâu có thể chỉ cấm và “mặc kệ” được. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ 1405/TTg ngày 16/10/2007 cho phép nuôi vịt có kiểm soát. Trước đây có nơi đã khuyến cáo không nuôi, nhưng bà con vẫn nuôi, có thể do “độ chậm” quá lớn của lời khuyên đến dân, và cũng có thể là bà con đúng hơn chúng ta.”

Những ý kiến phong phú trên đều xoay quanh một trung tâm là người nông dân và rất thông cảm với bà con. Nỗi cực nhọc của người nông dân trồng lúa đã được nói đến nhiều, đối với nông dân nuôi vịt chạy đồng, có lẽ cực hơn, và còn ít người biết đến. Xin đọc “Những cánh đồng bất tận” của nhà văn nữ trẻ mà sắc sảo Nguyễn Ngọc Tư ở xứ Cà Mau, sẽ có thể thông cảm được phần nào. Thế mà có nơi có lúc bà con phải “làm chui”, mặc dầu là kế sinh nhai, nhưng cùng với lúa gạo đóng góp cho dân sinh và an ninh lương thực rất lớn.

Nghề nuôi vịt chạy đồng thường xuất hiện ở nơi sản xuất lúa tập trung. Tăng vụ lúa là điều kiện mở rộng diện nuôi vịt chạy đồng. Vùng ĐBSCL có đầu vịt chiếm tới 60% tổng đàn vịt cả nước. Tổng đàn gia cầm hiện nay ở ĐBSCL có khoảng 33 triệu con, thì đàn vịt chiếm 2/3, trong đó nuôi theo hình thức chạy đồng chiếm khoảng 70%. Có nước đã dùng vệ tinh viễn thám theo dõi đàn vịt qua mầu sắc của vùng trồng lúa.

Trung Quốc là nước có đàn vịt đứng đầu thế giới, đứng thứ hai là Việt Nam ta. Trung Quốc đang có nhiều nỗ lực thay đổi tập quán nuôi vịt, chuyển từ hình thức nuôi nước sang khô, hay bán công nghiệp và công nghiệp. Việt Nam ta cũng đang có quy hoạch và tầm nhìn như vậy. Có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn, và phải có biện pháp thích hợp khắc phục. Bởi vì làm vậy có thể trái với đặc tính sinh lý của vịt di truyền từ lâu đời là sống và vùng vẫy kiếm ăn trên mặt nước.

Mối quan hệ giữa nông dân trồng lúa và nuôi vịt là có cơ sở 2 bên cùng có lợi. Người nuôi vịt chỉ phải chi tiền thức ăn vài tháng đầu, sau đó đàn vịt tận dụng hạt lúa rơi rụng, kể cả hạt lửng hạt lép, cùng sâu bọ hại lúa, và một số ốc cua cá tép, cỏ dại, và sục bùn làm tơi thoáng đất. Cho nên, so với các hình thức nuôi vịt khác, thì cách nuôi vịt chạy đồng có lời nhất, lời hơn 10-11.000 đồng/con.

Người trồng lúa, ngoài tiền thu nhập do người nuôi vịt “mua đồng”, năng suất lúa còn tăng thêm do tác động của đàn vịt băng qua như kể trên, và còn giảm được vài lần xịt thuốc sâu rầy. Theo một kết quả nghiên cứu của trường Đại học Cần Thơ, ở ruộng có đàn vịt chạy qua có thể tăng năng suất lúa được vài bốn tạ thóc/ ha, dung trọng đất giảm được từ 0,87 xuống 0,73, dung trọng tính bằng g/1cm3 đất lúa nguyên dạng, như vậy đất được xốp hơn.

Mối quan hệ giữa việc trồng hơn 2 vụ lúa với đất thế nào, hiệu quả ra sao là vấn đề khá phức tạp, và cũng đã được nghiên cứu trong sản xuất cũng như trong điều kiện chính quy của các viện và trường đại học, ở cả trong và ngoài nước.

Tỉnh An Giang rất quan tâm đến vấn đề này, trước đây có lúc kỷ luật tới 7 chủ tịch xã do để dân làm 3 vụ lúa, mà cũng không dẹp được vụ 3. Nay đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo sản xuất, là giúp bà con nông dân làm vụ 3 tốt hơn ở nơi có điều kiện. Thực tế cho thấy có nơi trong vùng đê bao khép kín muốn năng suất lúa ổn định phải bón tăng phân, có khi gấp rưỡi và hơn. Nhưng nói chung, cũng như toàn vùng ĐBSCL, năng suất và sản lượng lúa năm sau luôn tăng hơn năm trước, và năm 2008 này đạt cao nhất từ trước đến nay. Đ/c PCT tỉnh Hùyng Thế Năng vừa công bố trên thông tin đại chúng năng suất và hiệu quả sản xuất lúa TĐ ở An Giang cao hơn HT. Một ví dụ, anh Hoa Sỹ Hiền, 39 tuổi, ở xã Tân An, huyện Tân Châu, năm 2008 sản xuất lúa trên 2 ha, vụ ĐX đạt 8,5T/ha, vụ HT đạt 5,5-6,0T/ha, và vụ TĐ đạt 6-6,5T/ha.

Theo tổng kết sản xuất lúa ở tỉnh Trà Vinh: vụ TĐ trên 90 ngàn ha, trong đó có gần 19.000 lúa mùa, đạt năng suất bình quân là 4,38T/ha; giá thành sản xuất thấp nhất, từ 1.774 đ đến 2.247đ/kg ; vụ ĐX làm trên gần 54 ngàn ha, đạt 5,48T/ha, giá thành sản xuất 1.855 đ – 2.557đ; vụ HT có gần 83 ngàn ha, giá thành cao nhất: 2.241đ – 3.026 đ. Cán bộ kỹ thuật ở Trà Vinh còn cho biết vấn đề “liên miên vụ” trong sản xuất lúa cần được khắc phục, nếu như muốn cắt cầu nối sâu bệnh từ vụ trước sang vụ sau.

Tỉnh Đồng Tháp có kết quả nghiên cứu 3 vụ lúa phong phú nhất, được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ĐTM và phòng Nông nghiệp huyện Tháp Mười. Công trình nghiên cứu được thực hiện từ năm 2000 đến năm 2005. Nội dung nghiên cứu bao gồm nhiều yếu tố kỹ thuật trồng trọt, từ khâu làm đất, thời vụ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Kết quả cho thấy: Vùng 2 vụ lúa không có đê bao, năng suất lúa ĐX đạt 6,46T/ha, HT đạt 4,64T/ha, đạt lãi thuần cả năm là 8,48 triệu đồng/ha; Vùng 3 vụ lúa, có đê lửng chống lũ từng phần, năng suất lúa ĐX đạt 6,84T/ha, HT đạt 4,67T/ha, TĐ đạt 4,27; lãi thuần cả năm là 13,4triệu đồng/ha; Vùng 3 vụ lúa đê bao khép kín chống lũ triệt để, năng suất lúa ĐX đạt 6,50T/ha, HT đạt 5,18T/ha, lúa TĐ đạt 4,78 T/ha, lãi thuần cả năm là 16,7 triệu đồng/ha. Như vậy, làm 3 vụ lúa lời hơn 2 vụ 5-8 triệu đ/ha/năm. Tất nhiên, kết quả nào cũng không thể đúng với mọi trường hợp.

Viện Lúa ĐBSCL bắt đầu vào cuộc từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, bằng các yếu tố thí nghiệm dài hạn và được kiểm soát chặt chẽ. Kết quả của hàng chục vụ thí nghiệm liên tục trên cùng 1 lô ruộng cho mỗi nghiệm thức cho thấy lô không bón phân, không cho nước lũ vào thì năng suất lúa chỉ giảm dần đến giới hạn nhất định. Có bón phân cân đối, có nước lũ đem phù sa đến, năng suất lúa tăng ở nhiều nghiệm thức, phù hợp với năng suất lúa toàn vùng tăng liên tục. Viện Lúa Quốc tế (IRRI) thừa nhận: quy luật hiệu suất sản xuất lúa giảm dần nói chung chưa thấy thể hiện ở ĐBSCL ta, mà có thể hiện ở nhiều nước. Chính do có thí nghiệm dài hạn trên mà Viện Lúa ĐBSCL, sau đó là một số viện khác được tham gia màng lưới quốc tế Mega Project do IRRI điều phối nghiên cứu đảo ngược tình trạng hiệu suất sản xuất lúa giảm dần, hay năng suất lúa đạt tới mức nào đó thì muốn giữ ổn định, phải đầu tư nhiều hơn cho 1 đơn vị sản phẩm.

Tiến sỹ khoa học đất Roland J. Burest của IRRI cho biết: kết quả nghiên cứu 3 vụ lúa/ năm của IRRI từ 1980 đến 2006 cho thấy:năng suất ở lô không bón đạm liên tục 26 năm là 3-3,5t/ha. Hoạt động cố định đạm và khoáng hóa trong đất lúa ngập nước liên tục đã duy trì sự cung cấp bền vững lượng đạm.

Cố Gs Bùi Huy Đáp là nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu tổng hợp và giới thiệu “Quy luật hiệu suất giảm dần trong sản xuất nông nghiệp” vào năm1989. Quy luật này đã được phát hiện ngay từ đầu thế kỷ thứ 18 cùng với việc hình thành phái “trọng nông”. Rất nhiều nhà khoa học danh tiếng ở nhiều lãnh vực thảo luận sôi nổi. Mác, Ăng Ghen và Lê Nin thừa nhận có quy luật trên, nhưng khi có tiến bộ kỹ thuật với máy móc mới, chế độ canh tác mới, tình hình sẽ thay đổi hẳn. Liebig phát hiện ra “Định luật tối thiểu” làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển công nghiệp phân khoáng. Khi phát hiện ra một vài chất “tối thiểu”, bón thêm chất ấy sẽ hóa giải được tình trạng “hiệu suất giảm dần”.

Tầm nhìn đến một nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu, khi nước biển dâng cao và khí hậu ngày một khắc nghiệt, thì tăng vụ lúa ở những nơi những lúc có điều kiện, bằng những giống rất ngắn ngày như làm 3 vụ lúa, cùng với nuôi vịt chạy đồng sẽ trở thành hai trong những biện pháp nông nghiệp thích nghi hữu hiệu: né lũ và sống chung với lũ.

Tuy chưa được đầy đủ nhưng đã có cơ sở thực tế và cơ sở khoa học, và có sự chỉ đạo Chính phủ và của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT về lúa vụ 3 và vịt chạy đồng. Bà con nông dân có thể yên tâm thực hiện, nếu thấy mình có điều kiện và có lợi.

Dùng bản GS Luật gửi
09/01/2009

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!