Lưu trữ Blog

20/12/08

Trang thông tin LÚA GẠO



TIN KHOA HỌC. Chào mừng các bạn đã đến với trang LÚA GẠO của Nguyễn Chí Công. Đây là trang thông tin chuyên đề học và hành về lúa lai,lúa thuần. Nội dung gồm: giống lúa mới triển vọng, kỹ thuật canh tác lúa, công nghệ sản xuất giống lúa, điểm tin sản xuất thị trường lúa gạo thế giới và Việt Nam. Trang LÚA GẠO được liên kết chặt chẽ với các trang CÂY LƯƠNG THỰC, DẠY VÀ HỌC, HỌC MỖI NGÀY, TIN KHOA HỌC, CASSAVAVIET của TS. Hoàng Kim Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu nhằm kết nối giảng dạy và nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất; liên kết các nhóm quan tâm trong nghiên cứu và phát triển lúa gạo. Tin mới cập nhật tuần này: Gieo mạ né rầy, giải pháp kỹ thuật hữu hiệu . Sạ hàng lúa bằng giàn kéo tay hiệu qủa kinh tế rõ. Giống lúa lai cao sản Nhị ưu 986 tại Nghệ An. Hai mươi giống lúa mới cho Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Khôi phục đồng lúa do tôm sú lấn (xem chi tiết)

GIEO SẠ NÉ RẦY - GIẢI PHÁP KỸ THUẬT HỮU HIỆU
Giải pháp xác định thời điểm gieo sạ lúa để né rầy (thường gọi là giải pháp “né rầy”) là một trong những giải pháp phòng, tránh rầy nâu (RN) lan truyền virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) hại lúa, nhưng là giải pháp cơ bản. Giải pháp “né rầy” gồm thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp: bẫy đèn, thời điểm xuống giống, dùng nước che chắn cây lúa non,...đã giúp cho cây lúa tránh được sự xâm nhiễm của virus mầm bệnh VL-LXL từ RN khi cây lúa dưới 30 ngày tuổi.

Cơ sở khoa học của giải pháp này là dựa vào đặc tính di cư của RN theo từng đợt cách nhau khoảng 28 đến 30 ngày, được phát hiện và dự báo bằng bẫy đèn. Cây lúa chỉ bị bệnh VL-LXL gây hại nặng khi RN mang mầm bệnh tấn công vào giai đoạn lúa còn nhỏ; cây lúa sau 30 ngày có khả năng tự đền bù hầu hết các thiệt hại bằng cách ra lá mới, chồi mới thay thế chồi bị thiệt hại.

Ứng dụng giải pháp “né rầy” tại ấp Đồn (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) đã mang lại hiệu quả thực sự cho sản xuất lúa. Thành công liên liếp trong cả 2 năm, lúa trúng mùa, đồng ruộng không có diện tích lúa thiệt hại do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL), nông dân ấp Đồn sẽ tự tin ứng dụng giải pháp “né rầy” trong việc phòng chống RN, bệnh VL,LXL. Đó là vấn đề đúc rút tại Hội thảo giải pháp “né rầy” do Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức tại Ấp Đồn vào ngày 04/12/2008.
Hội thảo đã nghe Trạm BVTV huyện Củ Chi, Trưởng ấp Đồn và một số nông dân báo cáo tình hình sản xuất, tình hình RN trưởng thành vào đèn và trình bày kết quả ứng dụng giải pháp né rầy tại ấp Đồn.

Ấp Đồn có diện tích sản xuất lúa lớn nhất xã Trung Lập Hạ (250 ha/540 ha), vùng này có hệ thống kênh Đông hoàn chỉnh nên nông dân thâm canh liên tục 3 – 4 vụ/năm và cây lúa là nguồn thu nhập chính của người dân. Trong vụ lúa Mùa năm 2006, nông dân ấp Đồn phải lao đao vì nhiều cánh đồng vài chục ha mất trắng do bệnh VL-LXL. Đến nay, bệnh VL-LXL vẫn tiếp tục tàn phá nhiều cánh đồng lúa ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng tại ấp Đồn - nằm trong vùng có nguy cơ thiệt hại nặng do bệnh VL-LXL - không có thiệt hại đáng kể.



Thời điểm nông dân ấp Đồn gieo sạ”né rầy”

Tại hội thảo, nông dân ấp Đồn giải thích, trước đây (lúa Mùa 2006) trong một cánh đồng thời vụ kéo từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 8; từ năm 2007 đến nay, cụ thể là vụ Mùa năm 2008, nhờ ứng dụng giải pháp “né rầy”, 72 hộ nông dân đã không xuống giống trong tháng 7 và đã gieo sạ tập trung từ ngày 15/ 8 đến ngày 20/ 8/ 2008.
Nhờ đó lúa non không nhiễm RN di trú và kết quả hơn 120 ha lúa Mùa xuống giống theo lịch né rầy nên không có diện tích thiệt hại do bệnh VL-LXL và đạt năng suất cao./.

KS. Nguyễn Thị Lệ Thoa (CCBVTV thành phố)
Bài đã đăng tại: http://www.mard.gov.vn/ppdhcmc/html/tinktmoi/nam%202008/ttKHKmoi-bphap%20gieosa%20neray.htm

SẠ HÀNG LÚA BẰNG GIÀN KÉO TAY HIỆU QU3A KINH TẾ RÕ

Nhằm giải phóng sức lao động cho nông dân, vụ mùa vừa qua Trạm khuyến nông huyện Lục Nam, Bắc Giang đã hỗ trợ 50 chiếc máy sạ hàng lúa bằng giàn kéo tay cho 50 hộ nông dân trong 10 xã của huyện, mỗi chiếc là 500 nghìn đồng (bằng 50%).

Với hơn 100 ha được sạ hàng bằng giàn kéo tay so với phương pháp cấy truyền thống thì ưu điểm nổi bật của phương pháp này là: Trong cùng một ngày gieo cấy, sạ hàng bằng giàn kéo tay lúa chín sớm hơn từ 4-5 ngày, sâu bệnh ít, bông lúa dài hơn, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao do đó năng suất tăng. Trong vụ đông xuân tới Trạm Khuyến nông tiếp tục hỗ trợ bà con, nhân rộng mô hình này.

(Theo: nongnghiep.vn)

ỨNG DỤNG ICM, GIÁ TRỊ MỘT HECTA LÚA TĂNG THÊM 1,5 TRIỆU ĐỒNG

Qua 2 vụ sản xuất nông nghiệp năm 2008, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam đã hướng dẫn cho 250 lượt hộ nông dân triển khai thực hiện chương trình ICM (3 giảm, 3 tăng) trên 5 cánh đồng lúa với tổng diện tích 25 ha. Không chỉ giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm mà giá trị kinh tế tăng bình quân 1,5 triệu đồng/ha so với những ruộng lúa không áp dụng chương trình này. Được biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục BVTV tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, giúp 200 hộ nông dân khác xây dựng 8 mô hình canh tác theo chương trình IPM cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là trên cây dưa hấu, cà tím, đậu phụng...

(Theo: nongnghiep.vn)

GIỐNG LÚA LAI CAO SẢN NHỊ ƯU 986 TẠI NGHỆ AN

Giống lúa lai Nhị ưu 986 đã được Bộ NN&PTNT công nhận tạm thời là giống lúa lai chất lượng tốt cả về năng suất và tính chống chịu sâu bệnh ngày 24/12/2007.

Đánh giá về giống lúa lai này, TS Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt cho biết: Giống Nhị ưu 986 được đưa vào khảo nghiệm tại nhiều địa phương ở miền Bắc từ vụ xuân 2006, trong đó có địa bàn tỉnh Nghệ An và nó đã được nhìn nhận là một trong những giống lúa mới có triển vọng. Nhị ưu 986 sinh trưởng, phát triển khá. Thời gian sinh trưởng tương đương với giống Nhị ưu 838, nhưng cho năng suất bình quân cao hơn, chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành, Nghệ An cho biết: Giống lúa lai Nhị ưu 986 được đưa vào khảo nghiệm tại huyện trọng điểm lúa Yên Thành từ năm 2005 đến nay đã được 3 năm. Nhị ưu 986 được bà con nông dân ở đây đánh giá là giống lúa lai ưu việt trên đồng đất Yên Thành với nhiều ưu điểm nổi trội về năng suất (bình quân trong 2 năm 2006 và 2007 từ 8 đến 9 tấn/ha/vụ). Nhị ưu 986 thích ứng rộng, có thể gieo cấy được 3 vụ/năm. Đây cũng là một giống lúa chịu rét và chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh và chất lượng gạo ngon hơn Nhị ưu 838.

Bởi thế, trong năm 2008, riêng giống lúa Nhị ưu 986 được huyện Yên Thành đưa vào kế hoạch sản xuất thử lớn nhất của huyện (4.000 ha). Bà Hoàng Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cũng cho biết: Giống lúa Nhị ưu 986 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với giống lúa Nhị ưu 838 và Nhị ưu 63...

Đây là lý do giải thích vì sao diện tích lúa Nhị ưu 986 đã tăng nhanh trên địa bàn huyện Diễn Châu trong cả vụ xuân và vụ hè thu của 2 năm 2007 và 2008. Ông Phan Đình Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương: Nhị ưu 986 cho năng suất bình quân cao nhất trong các giống lúa lai được gieo cấy tại Thanh Chương các năm qua (8 tấn/ha/vụ). Đây là giống lúa lai cao sản, đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận chính thức để các địa phương yên tâm đưa vào cơ cấu chính thức.

Theo Thanh Mai (bài đã đăng tại: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/25063/Default.aspx)

20 GIỐNG LÚA MỚI CHO NAM TRUNG BỘ VÀ TÂY NGUYÊN

Kết quả khảo nghiệm VCU trong 3 năm 2006-2008 gồm 205 giống lúa (149 giống lúa thường, 56 giống lúa lai), đã xác định được 20 giống lúa mới có nhiều triển vọng kháng rầy nâu trung bình (cấp 5-7) như sau:

1. Giống CH209 (lúa chịu hạn): Thời gian sinh trưởng (TGST) 110-118 ngày (ĐX); 94-98 ngày (HT). Năng suất trung bình (TB) 68 tạ/ha, thâm canh đạt 80 tạ/ha. Ít nhiễm rầy nâu (cấp 5), nhiễm TB bệnh đạo ôn (cấp 7); chống đổ khá, chịu hạn khá. Thích hợp gieo sạ vụ ĐX và HT tại Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB).

2. Giống CH207 (lúa chịu hạn): TGST 125-127 ngày (ĐX); 115-119 ngày (HT). Năng suất TB 67 tạ/ha, thâm canh đạt 82 tạ/ha. Ít nhiễm rầy nâu (cấp 5), ít nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 5); chống đổ tốt, chịu hạn khá. Thích hợp gieo sạ vụ ĐX và HT tại DHNTB.

3. Giống ML 202: TGST 105-108 ngày (ĐX) và 90-94 ngày (HT). Năng suất TB 65 tạ/ha, thâm canh đạt 81 tạ/ha. Chất lượng gạo trung bình khá, cơm ngon TB. Nhiễm rầy nâu trung bình (cấp 5-7), ít nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 5); chịu hạn khá, chống đổ trung bình. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB và Tây Nguyên.

4. Giống ML203: TGST 107 ngày (ĐX) và 96 ngày (HT). Năng suất TB 67 tạ/ha, thâm canh đạt 80 tạ/ha. Chất lượng gạo khá. Nhiễm rầy nâu trung bình (cấp 5-7); ít nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông (cấp 3); chống đổ khá. Thích hợp gieo cấy vụ ĐX và HT tại các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên.

5. Giống VN 124: TGST 113-118 ngày (ĐX) và 95-100 ngày (HT). Năng suất TB 66 tạ/ha, thâm canh 80 tạ/ha. Chất lượng gạo tốt, cơm ngon. Nhiễm nhẹ rầy nâu (cấp 5), nhiễm bệnh đạo ôn trung bình (cấp 7); chống đổ khá, chịu hạn. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB và Tây Nguyên.

6. Giống VN121: TGST 107 ngày (ĐX) và 96 ngày (HT). Năng suất TB 68 tạ/ha, thâm canh 80 tạ/ha. Nhiễm rầy nâu trung bình (cấp 5-7); ít nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 5); chống đổ trung bình. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB và Tây Nguyên.

7. Giống ĐB6: TGST 105-110 ngày (ĐX) và 95-97 ngày (HT). Năng suất TB 60 tạ/ha, thâm canh đạt 75 tạ/ha. Nhiễm rầy nâu (cấp 5-7), nhiễm bệnh đạo ôn trung bình (cấp 5-7); cứng cây chống đổ khá. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB và Tây Nguyên.

8. Giống TBR1: TGST 110-115 ngày (ĐX) và 95-100 ngày (HT). Năng suất TB 65 tạ/ha, thâm canh đạt 80 tạ/ha. Nhiễm rầy nâu TB (cấp 5-7); ít nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 5); cứng cây chống đổ khá. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB và Tây Nguyên.

9. Giống P13 (lúa chất lượng): TGST 125 ngày (ĐX) và 105 ngày (HT). Cây cao trung bình 91,2 cm; đẻ nhánh khá. Năng suất trung bình 68 tạ/ha, thâm canh 72 tạ/ha. Phẩm chất khá, hạt thon dài, cơm ngon, có mùi thơm nhẹ. Nhiễm rầy nâu trung bình (cấp 5-7), ít nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 5); cứng cây chống đổ khá. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB và Tây Nguyên.

10. Giống BM207 (lúa chất lượng): TGST 125 ngày (ĐX) và 114 ngày (HT). Năng suất TB 64 tạ/ha, thâm canh đạt 75 tạ/ha. Chất lượng gạo tốt, cơm ngon, có mùi thơm. Nhiễm rầy nâu trung bình (cấp 5-7); nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông TB (cấp 5-7); chống đổ khá. Thích hợp vụ ĐX và HT ở DHNTB.

11. Giống BC15 (dài ngày): TGST 133 ngày (ĐX) và 115 ngày (HT). Cây cao trung bình 87,3 cm; đẻ nhánh khá; có bình quân 138 hạt chắc/bông; P.1000 hạt 24-25 gam. Năng suất trung bình 65 tạ/ha, thâm canh 75 tạ/ha. Phẩm chất trung bình, hạt dài trung bình. Nhiễm rầy nâu trung bình (cấp 5-7), nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông trung bình (cấp 7). Cứng cây chống đổ khá. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB.

12. Giống DT38 (dài ngày): TGST 133 ngày (ĐX) và 116 ngày (HT). Năng suất trung bình 69 tạ/ha, thâm canh đạt 75 tạ/ha. Ít nhiễm rầy nâu (cấp 0); ít nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 3); chống đổ khá. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB và Tây Nguyên.

13. Giống lúa lai Nhị ưu 725: TGST 115-120 ngày (ĐX); 105-112 ngày (HT). Năng suất trung bình 73 tạ/ha, thâm canh cao đạt 85 tạ/ha. Phẩm chất gạo khá, cơm ngon khá. Nhiễm rầy trung bình, ít nhiễm bệnh đạo ôn; chống đổ tốt, chịu lạnh khá. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB và Tây Nguyên.

14. Giống lúa lai Nghi Hương 2308: TGST 118-125 ngày (ĐX) và 105-110 ngày (HT). Năng suất trung bình 71 tạ/ha, thâm canh 80 tạ/ha. Phẩm chất gạo tốt, cơm ngon. Nhiễm rầy nâu TB, ít nhiễm bệnh đạo ôn; cứng cây chống đổ khá, chịu lạnh khá. Thích hợp gieo sạ vụ ĐX và HT tại Duyên hải Nam Trung bộ.

15. Giống lúa lai B-TE1: TGST 120-130 ngày (ĐX) và 100-110 ngày (HT). Năng suất trung bình 72 tạ/ha, thâm canh cao 80 tạ/ha. Phẩm chất gạo tốt, cơm ngon. Nhiễm rầy trung bình, ít nhiễm bệnh đạo ôn; chống đổ tốt, chịu hạn khá. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB và Tây Nguyên.

16. Giống lúa lai PHB71: TGST 116-120 ngày (ĐX) và 100-113 ngày (HT). Năng suất trung bình 66 tạ/ha, thâm canh 83 tạ/ha; chất lượng gạo khá, cơm ngon. Ít nhiễm rầy nâu (cấp 3), ít nhiễm bệnh đạo ôn; cứng cây chống đổ khá. Thích hợp vụ ĐX và HT tại DHNTB và Tây Nguyên.

17. Giống lúa lai D.ưu 725: TGST 115-119 ngày (ĐX); 105-112 ngày (HT). Năng suất TB 64 tạ/ha, thâm canh 75 tạ/ha. Phẩm chất gạo khá, cơm ngon khá. Nhiễm rầy trung bình, ít nhiễm bệnh đạo ôn; cứng cây chống đổ tốt, chịu lạnh khá. Thích hợp gieo sạ vụ ĐX và HT tại DHNTB.

18. Giống lúa lai H94017: TGST 125-130 ngày (ĐX); 105-110 ngày (HT). Năng suất TB 78 tạ/ha, thâm canh cao đạt 85 tạ/ha. Phẩm chất gạo khá, cơm ngon khá. Nhiễm rầy trung bình, ít nhiễm bệnh đạo ôn; cứng cây chống đổ tốt, chịu hạn khá. Thích hợp gieo sạ vụ ĐX và HT tại DHNTB.

19. Giống lúa lai BIO404: TGST 115-120 ngày (ĐX); 105-100 ngày (HT). Năng suất trung bình 69 tạ/ha, thâm canh cao đạt 80 tạ/ha. Phẩm chất gạo khá, cơm ngon. Nhiễm rầy trung bình, ít nhiễm bệnh đạo ôn; cứng cây chống đổ khá, chịu hạn khá. Thích hợp gieo sạ vụ ĐX và HT tại DHNTB.

20. Quốc Hương ưu số 5: TGST 115-120 ngày (ĐX); 100-105 ngày (HT). Năng suất TB 78 tạ/ha, thâm canh 80 tạ/ha. Phẩm chất gạo tốt, cơm ngon. Nhiễm rầy trung bình, ít nhiễm bệnh đạo ôn; cứng cây chống đổ tốt, chịu lạnh khá. Thích hợp gieo sạ vụ ĐX và HT tại DHNTB.


(Nguồn: Báo Nông Nghiệp - http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/23359/Default.aspx)

KHÔI PHỤC ĐỒNG LÚA DO TÔM SÚ LẤN

Xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, Bến Tre cách nay 6 năm đã bị một “cơn lốc” nuôi tôm sú tràn về càn quét đi cả một cánh đồng lúa mùa truyền thống. Tưởng chừng đời sống người dân nghèo nơi đây khá lên theo con tôm sú nhưng không ngờ ngược lại còn thảm bại hơn.

Những ngày qua mặc dù giá lúa ở ĐBSCL xuống khá thấp nhưng nhiều nông dân ở xã Thạnh Phước làm lúa mùa chất lượng vẫn bán được giá khá cao. Anh Nguyễn Văn Dũng ở ấp 5, xã Thạnh Phước cho biết: Lúa ở vùng này hiện nay giá đang ở mức 150.000 đồng/giạ. Tôi làm 5 công rưỡi lúa thu hoạch được hơn 100 giạ, nếu so với nuôi tôm sú trước đây thì làm lúa có lời và ăn chắc hơn nhiều.

Anh Phan Văn Bình cũng ở đấy, cho biết thêm: Năm 2001 nông dân vùng này bắt đầu tập tành nuôi tôm sú theo phong trào nhưng liên tiếp gặp thất bại. Sau 1-2 vụ nuôi nhiều hộ phải cầm bằng khoán đỏ cho ngân hàng. Thậm chí, có hộ còn rao bán luôn đất nuôi tôm với giá “bèo” chỉ 5-7 triệu đồng/công. Ngành chức năng cũng nhận thấy phong trào độc canh nuôi tôm ở đây không “ăn” nên năm 2007 đã quyết tâm đưa mô hình trồng lúa mùa xen tôm về triển khai.

Anh Bình là người tiên phong làm thử nghiệm mô hình xen canh lúa + tôm trên diện tích 7.000 m2 mặt đất ao tôm nuôi công nghiệp cho biết: “Tôi là người tiên phong làm theo mô hình lúa + tôm của ngành nông nghiệp triển khai. Lúc đầu cũng dè chừng nhưng sau 4 tháng đã thu về được hơn 100 giạ, thấy vậy nhiều bà con làm theo. Vụ lúa này tôi đã gieo sạ lúa được hơn 2 tháng rồi và hiện nay trông trà lúa rất tốt”.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch Hội nông dân xã Thạnh Phước cho biết: Xã Thạnh Phước quyết tâm vực dậy kinh tế ở cánh đồng Bé 360 ha để làm theo mô hình lúa + tôm. Đây là vùng lúa mùa truyền thống đã bị con tôm sú lấn sân cách nay 6 năm.

Ông Nguyễn Văn Rê, Bí thư xã Thạnh Phước khẳng định: Tết này người dân xã Thạnh Phước chắc chắn sẽ phấn khởi hơn bởi hiện nay nhìn trà lúa trồng trong vuông tôm đang phát triển rất tốt, cứ đà này năng suất ước đạt khoảng 3,5-4 tấn/ha. Đáng mừng hơn nữa là sau nhiều năm bỏ lúa nuôi tôm đến nay một số hộ vẫn giữ lại được các giống lúa mùa truyền thống như: Nàng Quốc, Trắng Hòa Bình, Đất Đỏ. Đây là những giống đặc sản, hạt căng, rất ngon cơm. Mục tiêu của xã là quyết tâm khôi phục lại vùng lúa mùa truyền thống với khoảng 600 ha. Xã cũng đã phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT huyện Bình Đại hỗ trợ người dân vay vốn.

(Nguồn: THANH PHONG, Báo Nông Nghiệp - http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/23424/Default.aspx)

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!