GS.TS. Nguyễn Văn Luật
TINKHOAHOC. Tập đoàn các loại cây LN- LTTP ở Việt Nam ta hiện khá phong phú, bao gồm nhiều loài nhiều giống. Có những cây quen thuộc như cây mít, cây trám đen, trám trắng, cây hạt dẻ Cao Bằng. Có những cây rất triển vọng nhưng còn ít người biết đến, như cây hồ đào (Juglansregia Linn.) ở miền núi phía Bắc; cây mắc ca (Macadamia integrifolia) ở Tây Nguyên; cây xa kê (Artocarpus altilis) ở Nam bộ.Việc phát triển cây trồng LN- LTTP là rất khả thi, vì có thể lồng ghép với nhiều chương trình hiện hành, như các dự án xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc, 5 triệu ha rừng.., nhất là chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cây lâm nghiệp gồm những loài cây lâu năm thân gỗ có tán lá che phủ đất, đóng vai trò quyết định trong hệ sinh thái bền vững, nhất là ở vùng rừng núi. Một điều tuyệt diệu hơn nữa là trong tập đoàn các loài cây rừng có nhiều loài cho sản phẩm có thể làm lương thực thực phẩm cho người, và làm thức ăn nuôi gia súc gia cầm. Xin được tạm gọi tập đoàn cây này là “cây lâm nghiệp- lương thực /thực phẩm” (LN-LTTP).
Phát triển tập đoàn cây LN-LTTP này một cách hợp lý mang ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần sản xuất lương thực thực phẩm ở miền núi và miền trung du mà không cạnh tranh với cây lâm nghiệp, vì là cây lâm nghiệp “chính hiệu”. Nhiều loài cây LTTP khác cũng cần được quan tâm phát triển hợp lý trên đất rừng, như khoai môn, dong riềng, sắn dây, sắn củ.., nhưng không có được “chức năng” của cây lâm nghiệp.
Phát triển tập đoàn cây LN-LTTP để sản xuất lương thực thực phẩm tại chỗ ở vùng đồi rừng núi sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển lên vùng cao, dành nhiều diện tích hơn cho cây lâm- công nghiệp giá trị cao hơn, và giảm được cây trồng hàng năm trên đất dốc để giảm xói mòn do trồng những cây như sắn, ngô, lúa nương.. Hơn nữa, sản phẩm cây trồng khác lúa làm phong phú thêm cho cơ cấu bữa ăn, ăn ngon hơn, bổ dưỡng và văn minh hơn, sẽ làm giảm khẩu phần gạo dành cho xuất khẩu. Biện pháp tăng lượng gạo xuất khẩu này vừa thân thiện với môi trường do không phải tăng chất hóa học cho thâm canh tăng vụ lúa, và tất nhên, thân thiện với con người.
Càng quan trọng hơn, tới mức “sống còn”, là khi biến đổi khí hậu toàn cầu làm mực nước lên cao, diện tích trồng lúa và hoa mầu lương thực thực phẩm ở vùng đồng bằng bị thu hẹp dần. Theo một thông tin dự báo mới nhất, sau vài thập kỷ nữa, mực nước sẽ lên cao gấp hai dự báo trước, hay lên tới cả thước nước. Một dự báo khác là đến lúc đó, ĐBSCL chỉ còn ló lên khỏi mặt nước 0,5 đến 1 triệu ha trong số gần 4 triệu ha hiện có, và ngày càng bị thu hẹp bởi biển dâng. Lúc đó tập đoàn các loại cây LN- LTTP tránh lũ như trình bầy trên cùng với các tập đoàn cây né lũ có thời gian sinh trưởng cực sớm (vụ lúa với giống OMCS 80-90 ngày), cây sống chung với lũ như lúa nước sâu và lúa nổi, củ ấu, rau nhút, rau muống bè.. sẽ hình thành cơ cấu cây trồng thích nghi khi biển tiến.
Tập đoàn các loại cây LN- LTTP ở Việt Nam ta hiện khá phong phú, bao gồm nhiều loài nhiều giống. Có những cây quen thuộc như cây mít, cây trám đen, trám trắng, cây hạt dẻ Cao Bằng. Có những cây rất triển vọng nhưng còn ít người biết đến, như cây hồ đào (Juglansregia Linn.) ở miền núi phía Bắc; cây mắc ca (Macadamia integrifolia) ở Tây Nguyên; cây xa kê (Artocarpus altilis) ở Nam bộ.
Cây hồ đào trồng ở Lào Cai, Hà Giang, Cao bằng.., có nhân chứa tới 42% lipit; cây cao to, có thể cao tới 30 m, lá dài tới 40 cm, hay trở thành một cây lâm nghiệp- thực phẩm phổ biến ở những nơi có điều kiện tương tự, nếu được nghiên cứu cách trồng và sử dụng. Theo một kết quả phân tích thì 100 g nhân hồ đào cho 642 calo, 62 g chất béo, trong đó chủ yếu là chất béo không no (75%), chỉ có 8% là chất béo no. Hạt hồ đào đã được dùng để làm bánh ngọt cao cấp.
Cây mắc ca thân gỗ thường xanh, có thể cao tới gần 20 m, tuổi thọ đến 50-60 năm, có thể trồng thuần hay trồng xen làm cây che tán cho cà phê. Bộ phận ăn được là hạt, tỷ lệ hạt trong quả tới 30-50%, hàm lượng dầu trong hạt tới 78%, trong đó dầu không no tới 87%, hàm lượng protein trên 9%. Sau trồng 3- 4 năm là cho quả. Sau 12-15 năm có thể được 3-6 tấn quả/ha, lấy được 1-2 tấn hạt. Nhu cầu trên thị trường hạt mac ca gấp 4 lần sản lượng hiện có, với giá khoảng 10 USD/kg hạt. Cây mắc ca đã được trồng nhiều trên thế giới, bắt đầu nhập vào ta từ 1994, trồng ở Tây Nguyên, đã trồng thử ở Ba Vì, Phú Thọ, Sơn La, Nghệ An..Theo GsTs Lê Đình Khả, nói chung nơi nào trồng cà phê là có thể trồng được mac ca.
Cây xa kê, còn gọi là cây bánh mì, về mặt sản xuất lương thực thì có lẽ đây là cây lâm nghiệp có triển vọng nhất, đã có bán quả, và có nhiều kinh nghiệm chế biến, mặc dầu hiện sản xuất và sử dụng xa kê mang tính tự phát
Xa kê là cây lâm nghiệp lá dài tới 1 m, có khía sâu thành 3-4 thùy hình lông chim, rất nhám ở mặt dưới, thời kỳ cây con lá xòe như cái tán quạt với nhiều nếp gấp; lá kèm dài, mau rụng, có thể dài 12-14 cm. Bên nhiều biệt thự, nhà cao tầng, hay trong công viên thấy có trồng cây xa kê trang trí; nhưng thường không biết đấy còn là cây lương thực, để quả chín rụng bỏ, lãng phí. Bông hoa đực dài tới 20 cm, hoa đực có 1 nhị. Quả phức, hình cầu, mầu xanh hay vàng vàng, to bằng vốc tay, có khi bằng đầu người, từa tựa quả mít Tố nữ, nhưng gai tù, mềm, quả nạc trắng, có giống không có hạt và giống có hạt to 1 cm.
Xa kê là cây lương thực, sau khi trồng chỉ 1,5 đến 2 năm là có quả. Phần múi ăn được của quả xa kê chiếm tới 70% của quả phức; chứa tới 25% tinh bột, 3% protein và 0,5% lipit, và một số chất khác như vitamin C (20mg/100g); ka li; kẽm cùng thiamin (100µg). Chưa có tài liệu về năng suất quả ở Việt Nam . Ở miền Nam Thái Bình Dương, ở Ấn Độ, một cây có thể cho từ 25 đến 200 quả, 16-32 tấn/ ha. Hạt xa kê rang ăn ngon. Cây xa kê hoàn toàn không có liên quan gì với rượu xa kê Nhật Bản như một số người đã lầm tưởng.
Cách chế biến xa kê để ăn nói chung như các loại củ khác. Gọt vỏ mỏng bằng dao 2 lưỡi vẫn dùng gọt mướp. Sau khi rửa sạch, bổ ngang hay dọc tùy ý, chiên rán ăn ngon hơn khoai tây chiên, hay nướng bỏ lò, hoặc nấu canh nấu xúp, nấu với chân giò heo, với nước dừa làm thực phẩm. Nhiều người ưa thích ăn luộc, bằng cách luộc sôi sùng sục rồi với ngay ra, rồi hấp cơm ăn ngon hơn các loại củ hấp cơm khác. Bột xa kê làm bánh như bột khoai tây, làm các loại bánh như bánh xèo, bánh bò, bánh khọt, bánh lọc, bánh chay, bánh trôi..
Chưa có nghiên cứu trồng trọt và sử dụng nào với cây xa kê, do hiệu quả kinh tế hiện chưa cao, chưa có tập quán dùng, do đó trồng rồi bỏ mặc không chăm sóc gì, nên mới được khoảng dăm ba chục quả/ cây. Tuy nhiên, dù chưa có 1 khuyến cáo nào từ các cơ quan chức năng, nhưng xa kê vẫn tồn tại ở các miệt vườn cây ăn trái, trồng trang trí ở thành thị; ở chợ Nam bộ thấy vẫn bán trái xa kê ở các sạp hàng và ở chợ vào tháng 7 tháng 8 dương lịch.
Kỹ thuật trồng cây xa kê không khó. Trồng theo cách nhân vô tính từ rễ khá dễ dàng, và giữ được đặc tính của cây mẹ, cây tổ. Ở nơi trồng giống xa kê có hột, khi trái chín rụng xuống, hột bung ra, mọc thành đám. Cần trồng thử mới có thể xác định đưa xa kê lên trồng ở phía Bắc đến vĩ độ nào. Xa kê không kén đất, thấy trồng ở các miệt vườn đồng bằng, ở miền núi cao như ở núi Cấm An Giang có khí hậu mát mẻ.
Nhận xét bước đầu cho thấy, cây xa kê phát triển tốt ở ĐBSCL và miền Đông Nam bộ; có người thấy ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên; chưa thấy nói ở miền Bắc. Ở nước ngoài, xa kê có trồng ở Malaysia và Philipin ngang với vĩ tuyến miền trung Trung bộ.
Việc phát triển cây trồng LN- LTTP là rất khả thi, vì có thể lồng ghép với nhiều chương trình hiện hành, như các dự án xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc, 5 triệu ha rừng.., nhất là chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhận thức được vấn đề trên, ngoài các nhà khoa học lâm nghiệp đã liên tục nghiên cứu từ lâu; nhiều nhà khoa học và các cơ sở nghiên cứu về cây trồng đã bắt đầu hợp tác bằng những hoạt động cụ thể liên quan với những vấn đề trên, như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc; Viện Rau Hoa Quả và Dâu tầm và Viện Cây lương thực thực phẩm ở ĐBSH; GsTs Trần An Phong và đơn vị Nghiên cứu (NGO) của mình tại Tây Nguyên và Nam Trung bộ, Viện Lúa ĐBSCL và Hội Giống Cây trồng Nam bộ. Nội dung hợp tác bước đầu là trao đổi ý tưởng, trao đổi giống cây trồng như giống lúa cực sớm OMCS, nhất là giống cây lâm nghiệp- lương thực thực phẩm như trình bầy trên. Khi được đầu tư qua các đề tài/ dự án thích hợp, chắc chắn sự hợp tác này sẽ sâu rộng hơn nữa, nhất là tới các địa phương có yêu cầu.
Vừa qua (11/05/2009) Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã về thăm và làm việc với Viện Lúa ĐBSCL, sau khi tỏ ý hài lòng về việc Viện đóng góp tới 80% giống lúa mới các loại cho sản xuất lúa ở ĐBSCL, có khuyến khích Viện hoạt động ra ngoài phạm vi cây lúa và ra ngoài vùng ĐBSCL.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét