Lưu trữ Blog

20/9/09

Thông tin lúa lai, phân viên nén, kỹ thuật hạn chế lúa lép



TINKHOAHOC. Trang LUAGAO của Nguyễn Chí Công đã thu thập các thông tin về tiến bộ kỹ thuật mới đây ở Việt Nam trong nghiên cứu và sản xuất CÂY LƯƠNG THỰC gồm các tin chính: Việt Lai 50: Bước đột phá lúa lai Việt, bài viết của thạc sỹ Nguyễn Tuấn; Nhân, duy trì thành công hạt giống dòng mẹ Nhị 32A, bài viết của thạc sỹ Dương Thành Tài, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Giống Cây Trồng Miền Nam (SSC); Qui trình bón phân viên nén cho lúa cấy, bài viết của Công Hào; Kỹ thuật hạn chế lúa lép, bài viết của Đỗ Quảng (ảnh tư liệu Hoàng Kim: Ruộng chọn tạo giống lúa lai của PGS.TS. Nguyễn Văn Hoan, Trường Đại học Nông nghiệp 1, Hà Nội)

VIỆT LAI 50 BƯỚC ĐỘT PHÁ LÚA GẠO VIỆT

Th.S Nguyễn Tuấn

LUAGAO - Trong những năm gần đây diện tích gieo cấy lúa lai của Việt Nam ngày càng tăng. Theo báo cáo sơ kết của Cục Trồng trọt, diện tích lúa lai thương phẩm vụ đông xuân 2009 đạt 378.509 ha, chiếm 32,6% so với tổng diện tích lúa của miền Bắc. Vùng đồng bằng sồng Hồng đạt 142.246ha, chiếm 25% diện tích, một số tỉnh có diện tích tăng mạnh là Hải Dương tăng 4.564ha, Bắc Ninh tăng 6.395ha, Nam Định tăng 6.390ha…Hàng năm nhu cầu cần 15.000 – 18.000 tấn giống lúa lai để phục vụ sản xuất đại trà, trong đó Việt Nam đã chủ động 30%, còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc.

Có được kết quả trên do có chủ trương đúng đắn của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, nhất là có sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai. Đối với lúa lai 3 dòng, tổng kết cho thấy sản xuất hạt lai F1 năng suất thường thấp, chất lượng không cao vì vậy giá thành không hạ là mấy so với lúa nhập khẩu, vì vậy các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu chọn tạo các tổ hợp lúa lai 2 dòng.

Đến nay chúng ta đã rất thành công trong lĩnh vực này, nhiều tổ hợp lúa lai hai dòng đã được công nhận như TH3-3, TH3-4, VL20, VL24… được đưa vào cơ cấu giống của nhiều tỉnh, nông dân ưa chuộng vì chất lượng gạo khá lại ngắn ngày. Nổi bật giống TH3-3 đã sang nhượng bản quyền với giá kỷ lục 10 tỷ đồng, tạo tiếng vang lớn, là động lực để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu chọn tạo các tổ hợp lúa lai mới. Các tổ hợp lúa lai 2 dòng của Việt Nam đa phần đáp ứng được các mục tiêu: dễ sản xuất hạt lai F1 với năng suất trung bình 2,5 – 3 tấn/ha, chi phí thấp hơn hẳn so với sản xuất hạt lai F1 lúa lai ba dòng. Lúa lai thương phẩm có khả năng chống chịu sâu, bệnh và điều kiện bất thuận khá, năng suất và chất lượng khá cao, đặc biệt hầu hết đều là giống ngắn ngày.

Một số kết quả khảo nghiệm cho thấy giống Việt Lai 50 là giống ngắn ngày, tiềm năng năng suất cao, thích hợp cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ; có thể gieo ở xuân muộn, xuân cực muộn (chân trồng cây vụ đông muộn đến cuối tháng 2 dương lịch) đặc biệt là vụ mùa sớm để trồng cây vụ đông ưa ấm có giá trị kinh tế cao.

Việt Lai là một thương hiệu lúa lai hai dòng của Viện Nghiên cứu Lúa - Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Việt Lai 20 do PGS - TS Nguyễn Văn Hoan - Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa chọn tạo, là giống lúa lai hai dòng được Bộ Nông nghiệp & PTNT đưa vào danh sách giống lúa được phép sản xuất kinh doanh, cũng là giống lúa lai đầu tiên sang nhượng bản quyền sản xuất. Nối tiếp thành quả đó, Viện tiếp tục chọn tạo thành công giống Việt Lai 24, đây là giống lúa lai có khả năng chống bạc lá rất tốt, ngắn ngày (thời gian sinh trưởng trong vụ mùa 92 - 97 ngày) được đặc cách công nhận giống để đưa vào phục vụ sản xuất trong vụ xuân muộn và mùa sớm, nhất là chân đất trồng cây vụ đông sớm. Nông dân đánh giá cao hai giống trên bởi nhiều ưu điểm: ngắn ngày, chống bạc lá, năng suất, chất lượng khá, tuy nhiên cả hai giống đều thuộc loại hình bông không to, số hạt trên bông không nhiều, tiềm năng năng suất hạn chế.

Khắc phục nhược điểm, PGS - TS Nguyễn Văn Hoan cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công giống lúa lai hai dòng thế hệ mới: Việt lai 50 (VL50). Theo báo cáo tổng kết của Viện Nghiên cứu Lúa - ĐH Nông nghiệp HN, kết quả khảo nghiệm giống VL50 năng suất bình quân 70 tạ/ha, cao nhất là ở tỉnh trung du miền núi như Phú Thọ, Bắc Giang, năng suất đạt 75 – 80 tạ/ha, thời gian sinh trưởng trong vụ xuân phía bắc chỉ 115 – 120 ngày, đẻ nhánh trung bình, thuộc loại hình bông to, nhiều hạt, trung bình 250 – 300hạt/bông.

Theo PGS - TS Nguyễn Văn Hoan, VL50 là giống lúa có kiểu xếp hạt đặc biệt, hạt nọ xếp chồng hạt kia nên bông tuy không dài hơn nhiều giống lúa lai khác nhưng số hạt trên bông lại có thể cao gấp 1,5 lần chính vì vậy tuy thời gian sinh trưởng ngắn nhưng tiềm năng năng suất của giống VL50 rất cao. Trong thời gian tới ngoài việc nâng cao độ thuần của giống Viện sẽ bố trí thí nghiệm nhằm hoàn thiện quy trình thâm canh giống VL50 ở từng vùng sinh thái như áp dụng phương pháp cấy hàng rộng hàng hẹp, cấy mạ non, cấy mật độ 40 khóm/m2, 2 – 3 dảnh cơ bản/khóm (do VL 50 khả năng đẻ nhánh trung bình) đưa số bông/m2 đạt khoảng 300 bông thì mới khai thác tối đa tiềm năng năng suất giống.

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/67/67/38525/Default.aspx

NHÂN DUY TRÌ THÀNH CÔNG HẠT GIỐNG DÒNG MẸ NHỊ 32A

ThS. Dương Thành Tài, Phó TGĐ Công ty CP Giống Cây Trồng Miền Nam (SSC)

LUAGAO - Dòng bất dục đực Nhị 32A là dòng mẹ lúa lai có nhiều đặc điểm tốt, được sử dụng để lai tạo nhiều giống lúa lai ở Trung Quốc và ở nước ta.

Dòng Nhị 32A có tính thích nghi rộng, chống chịu được các điều kiện bất thuận cao, dễ sản xuất hạt lai F1, khả năng phối hợp tốt và cho ưu thế lai cao. Các giống lúa lai có Nhị 32A làm mẹ chiếm khoảng 20% diện tích trồng lúa lai của Trung Quốc và 60% diện tích trồng lúa lai của Việt Nam. Hàng năm chúng ta phải nhập khẩu của Trung Quốc từ 6.000-8.000 tấn hạt giống lúa lai hệ Nhị ưu, phần lớn là giống Nhị ưu 838. Do đó nhân giống được dòng mẹ Nhị 32A, duy trì được tính bất dục ổn định của dòng này có ý nghĩa quan trọng đối với chủ trương tự túc 70% nhu cầu hạt giống lúa lai của Bộ NN-PTNT

Tự túc hạt giống lúa lai hệ Nhị ưu là một bài toán khó. Chính phủ Trung Quốc không cho phép xuất khẩu các dòng bố mẹ. Các công ty trong nước muốn sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838 phải nhập khẩu bất hợp pháp dòng mẹ Nhị 32A, giá rất đắt, không chủ động cả khối lượng và chất lượng.

Nhưng nhân duy trì hạt giống dòng Nhị 32A lại là một việc khó khăn hơn. Ở Trung Quốc vùng Tứ Xuyên là vùng thích hợp nhất để nhân dòng Nhị 32A có chất lượng tốt. Xuôi về phía nam, ở Quảng Đông hay đảo Hải Nam dòng Nhị 32A dễ mất tính bất dục, tỉ lệ hữu dục có thể lên đến 40% nếu gặp ngày ngắn có 12 giờ chiếu sáng hay nhiệt độ trung bình ngày cao hơn 26oC (theo nghiên cứu của Sở Nghiên cứu Lúa thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông). Do đó nhiều cơ quan nghiên cứu trong nước ta đã nghiên cứu nhân duy trì dòng Nhị 32A nhưng chưa thật sự thành công.

Muốn duy trì dòng Nhị 32 A cần phải có đủ 2 điều kiện:

1) Có dòng Nhị 32B đẳng gene (hoàn toàn giống dòng Nhị 32A nhưng hữu dục) để lai với dòng Nhị 32A tạo ra đời con là dòng Nhị 32A bất dục trở lại nhưng với khối lượng nhân lên lớn hơn.

2) Dòng Nhị 32B phải duy trì được tính bất dục của dòng Nhị 32A trong điều kiện nóng của Việt Nam (nhiệt độ bình quân ngày 27oC).

Từ năm 2001 Cty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC) đã thu thập nhiều nguồn giống của dòng mẹ Nhị 32A như của Trung tâm nghiên cứu lúa lai Trung Quốc ở Hồ Nam, của Trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên và một số công ty giống của Trung Quốc để tìm dòng Nhị 32B thỏa mãn được hai điều kiện trên. Đến năm 2005 tổng cộng có trên 2.000 cặp lai (giữa các cá thể Nhị 32B phân lập được và dòng mẹ Nhị 32A) được gieo trồng lặp lại nhiều vụ để khảo sát và đánh giá độ ổn định tính bất dục đời sau ở hai vùng sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Sự nỗ lực và kiên trì của tập thể nghiên cứu lúa lai của SSC đã được đền bù. Dòng Nhị 32B có đặc điểm như mong muốn đã được tìm ra. Làm phép so sánh t-test trong các thí nghiệm so sánh với dòng mẹ Nhị 32A nhập từ Trung Quốc cho thấy dòng Nhị 32A nhân duy trì với dòng Nhị 32B của SSC hoàn toàn giống nhau về các đặc điểm hình thái nông học và ưu thế lai. Giống lúa lai Nhị ưu 838 sử dụng dòng mẹ Nhị 32A của SSC hoàn toàn giống giống lúa lai Nhị ưu 838 nhập từ Trung Quốc và cho năng suất tương đương.

Điều này đã được thực tế sản xuất khẳng định, vì từ năm 2005 đến nay SSC hoàn toàn tự túc được dòng mẹ Nhị 32A để sản xuất hạt giống lúa lai Nhị ưu 838, không phải nhập dòng mẹ từ Trung Quốc. Đến nay đã có hơn 20 tấn hạt giống Nhị 32A được SSC nhân giống để sản xuất ra 572 tấn hạt giống lúa lai Nhị ưu 838. Giống lúa lai Nhị ưu 838 SSC đã trở thành thương hiệu tin cậy của bà con nông dân ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Từ năm 2007 SSC cũng đã cung ứng hạt giống dòng mẹ Nhị 32A cho Cty CP Giống cây trồng Quảng Nam và được phản hồi rất tốt, thậm chí nhiều bà con nông dân Quảng Nam còn đạt được năng suất lúa thịt cao hơn so với giống Nhị ưu 838 nhập khẩu từ Trung Quốc .

Việc nhân duy trì thành công hạt giống dòng mẹ Nhị 32A trong điều kiện ngày ngắn và nhiệt độ trung bình ngày 27oC là chìa khóa để mở rộng cánh cửa tự lực sản xuất hạt giống lúa lai trong nước.

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/39536/Default.aspx

QUY TRÌNH BÓN PHÂN NÉN CHO LÚA CẤY

LUAGAO - Hỏi: Tôi đọc báo thấy nói ở Yên Bái triển khai dự án xây dựng mô hình bón phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa trên diện rộng cho hiệu quả rất cao, năng suất lúa tăng mà lại tiết kiệm chi phí, công lao động. Xin quí báo cho biết về loại phân này và hướng dẫn cách sử dụng?
(Lò Văn Ban, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang)
Trả lời: Được Tổ chức Codespa (Tây Ban Nha) tài trợ kinh phí, vụ xuân năm 2009 vừa qua Hội phụ nữ Yên Bái phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái và Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội triển khai dự án “Sử dụng phân bón viên nén dúi sâu trong kỹ thuật thâm canh lúa” trên diện rộng (17 xã thuộc 5 huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) đưa lại hiệu quả kinh tế cao.


Đáp ứng yêu cầu của bạn, chúng tôi đã tìm gặp Thạc sĩ Chu Anh Tiệp, một trong những tác giả của loại phân viên nén mới này để biết thêm thông tin. Thạc sĩ Tiệp cho biết: Phân bón viên nén NK dùng cho cây lúa do Bộ môn Thủy nông-Canh tác (Khoa Đất-Môi trường-Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) nghiên cứu, sản xuất đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều địa phương đưa lại hiệu quả kinh tế cao.


Đây thực chất là một loại phân chậm tan mà nguyên tắc sản xuất là sử dụng các chất phụ gia có khả năng giữ phân lâu hơn, làm cho phân tan từ từ, vừa đủ cho cây hút, vừa có đủ dinh dưỡng mà không bị ngộ độc, không bị mất mát do bị rửa trôi hay bốc hơi. Khi bón phân thúc cho lúa, thay vì bón vãi như trước đây, viên phân được dúi sâu trong bùn. Theo cách bón này, dinh dưỡng trong viên phân tan từ từ theo nhu cầu của cây lúa theo từng thời kỳ nên vừa tiết kiệm được cả công, vật tư mà hiệu quả lại cao hơn nhiều.


Kết quả thực tế ở Yên Bái trong vụ xuân vừa qua và nhiều địa phương khác khi sử dụng phân viên nén dúi sâu cho thấy: tiết kiệm được 30-35% lượng đạm so với cách bón vãi thông thường. Chỉ bón dúi 1 lần cho cả vụ, đơn giản, dễ làm và chủ động trong sản xuất (không phù thuộc vào thời tiết); làm giảm và hạn chế cỏ dại sâu bệnh, tiết kiệm được công lao động, chi phí, giảm tác hại đối với môi trường; giúp tăng năng suất lúa từ 10-20% so với cách bón phân vãi.


Qui trình kỹ thuật sử dụng phân viên nén NK dúi sâu bón cho lúa cấy:


- Chuẩn bị ruộng cấy: Yêu cầu cày bừa làm đất như với ruộng cấy lúa bình thường, bừa càng phẳng mặt ruộng thì càng dễ quản lý mực nước, cấy và dúi phân nhanh. Bón lót từ 200-300kg phân chuồng hoai và 10-15kg phân lân Văn Điển hoặc supe Lâm Thao cho 1 sào Bắc bộ (360m2) trước khi cấy như bón phân thông thường. Luôn giữ mực nước trong ruộng từ 3-5cm từ lúc cấy cho đến khi bón phân.
- Cấy lúa: Cấy thẳng hàng, đúng mật độ, khoảng cách. Nên cấy lúa theo từng luống cách nhau 25cm để thuận tiện cho việc áp dụng kỹ thuật bón phân viên nén dúi sâu sau này. Mỗi luống gồm có 8 hàng lúa theo khoảng cách: 20cm x 20cm (hàng cách hàng 20cm, khóm cách khóm 20cm), nếu đất tốt có thể cấy thưa hơn với khoảng cách 21-22cm x 21-22cm. Cấy đúng tuổi mạ (có 3-4 lá thật); cấy nông tay, mỗi khóm từ 1-2 dảnh. Nếu ruộng tốt, giống đẻ nhánh khỏe thì chỉ nên cấy 1dảnh/khóm.

- Kỹ thuật bón (dúi) phân viên nén NK:


+ Bón tốt nhất là ngay sau khi cấy, thời gian bón càng ngắn càng tốt (vụ xuân từ 1-5 ngày, vụ mùa từ 1-3 ngày).
+ Cách bón: Bỏ sẵn phân viên vào 1 cái túi đeo bên mình, mỗi người đi 1 hàng bón dúi cho 2 hàng bên cạnh (cách 1 hàng bón dúi cho 1 hàng, cứ 4 khóm lúa bón dúi 1 viên phân nén NK). Một tay luôn để khô để lấy phân đưa qua tay kia dúi sâu 6-8cm so với mặt ruộng (ngập hết 2 ngón tay cầm viên phân là vừa). Sau khi dúi xong, dùng tay gạt nhẹ một lớp bùn mỏng phủ kín viên phân.
+ Lượng bón: Tùy theo mật độ cấy mà có thể bón từ 9,0-9,5kg/sào Bắc bộ.
Một số điểm lưu ý khi bón phân viên nén NK để đạt hiệu quả cao nhất:
- Cấy lúa thẳng hàng để dúi phân nhanh, dễ dúi, dúi đúng vị trí và đảm bảo mật độ sẽ giúp cây lúa sinh trưởng nhanh, đồng đều, đẻ nhánh khỏe và tập trung, cho năng suất cao.
- Trong vòng 20-25 ngày sau khi dúi phân không được bước vào vị trí đã dúi phân để không làm xê dịch viên phân. Các công việc chăm sóc (làm cỏ, phun thuốc…) được thực hiện ở các hàng công tác không có dúi phân giữa 2 hàng có dúi phân.
- Không dúi viên phân quá nông (<5cm)>10cm); phủ kín để tránh phân bị bốc hơi; không bón phân viên nén cho các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất cát hoặc đất cát pha.
Khi bón phân viên nén dúi sâu sẽ thấy hiện tượng cây lúa sinh trưởng chậm hơn so với phương pháp bón phân gieo vãi từ 5-8 ngày. Để khắc phục tình trạng này bà con nên bón vãi trên mặt ruộng trước khi cấy 0,5kg urê/sào Bắc bộ sẽ giúp cây lúa sinh trưởng bình thường. Có thể kết hợp rắc hoặc phun thuốc trừ cỏ cho ruộng lúa ngay sau khi bón phân viên nén NK dúi sâu.

Công Hào
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/37538/Default.aspx

KỸ THUẬT HẠN CHẾ LÚA LÉP

LUAGAO - Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lúa lép trong vụ lúa hè thu, nhưng phải nói rằng sự đổ ngã là nguyên nhân chính và gây lép nhiều nhất. Tỷ lệ lép nhiều hay ít tùy thuộc vào ruộng lúa bị đổ ngã vào các thời kỳ sinh trưởng khác nhau của cây lúa. Nếu ruộng lúa bị đổ ngã ở thời kỳ trước và ngay sau khi trổ bông thì tỷ lệ lép rất cao và năng suất lúa sẽ giảm rõ rệt. Mặt khác, ruộng lúa bị đổ ngã, việc thuê mướn công cắt cũng khó khăn và giá cao hơn so với ruộng lúa đứng, dẫn đến làm tăng giá thành sản xuất lúa.

Những nguyên nhân dẫn đến lúa bị lép là:

- Do người sản xuất áp dụng các yếu tố kỹ thuật không phù hợp như gieo sạ với mật độ quá dày, bón phân mất cân đối giữa đạm lân và kali, chủ yếu là bón quá nhiều phân đạm ở giai đoạn cuối làm cho cây lúa phát triển lá quá mạnh, thân cây lúa bị yếu sẽ dẫn đến đổ ngã, bông lúa trổ ra bị ngâm dưới nước sẽ bị hư hoặc đè lên nhau sẽ không thụ phấn được làm cho hạt lúa bị lép.

- Do tác động của các yếu tố ngoại cảnh như mưa to, gió lớn. Lúa trổ ra mà gặp cơn bão thì tỷ lệ lép sẽ rất cao, thời tiết quá nóng, quá lạnh, trời âm u không có nắng cũng làm cho khả năng thụ phấn kém, dẫn đến hạt lúa bị lép.

- Do giống: Có những giống lúa thường hay có tỷ lệ hạt lép cao trong vụ hè thu như IR64, Jasmin85. Những giống thường cho tỷ lệ hạt lép thấp trong vụ hè thu như OM4498, OM2517… Những giống lúa cao cây sẽ hay bị đổ ngã trong vụ hè thu làm tăng tỷ lệ hạt lép.

- Do sâu bệnh: Vào thời kỳ lúa trổ thường hay bị các loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn trên lá, đạo ôn cổ bông. Ruộng lúa bị hại nặng bởi các loài dịch hại này sẽ làm lúa lép rất nhiều.

Tìm hiểu và nắm được nguyên nhân gây ra lúa lép ở cây lúa, chúng ta sẽ đưa ra được những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tỷ lệ hạt lép của lúa một cách chủ động, trên cơ sở đó sẽ giữ vững được năng suất. Các biện pháp cụ thể để hạn chế đổ ngã là:

+ Sử dụng các giống lúa cứng cây: Trong vụ hè thu đa số các giống lúa cao sản ngắn ngày đều có rạ cứng như OM4498, CS2000, OM2517… Những giống lúa thơm, lúa dài ngày, lúa mùa thường cao cây và yếu rạ.

+ Bố trí thời vụ thích hợp: Vụ hè thu ở ĐBSCL, vào các tháng 10, 11 thường hay có mưa to kéo dài và lũ lụt vì vậy cần bố trí mùa vụ hợp lý để thu hoạch trước khi lũ về.

+ Làm đất thật kỹ khi xuống giống nhằm cho bộ rễ phát triển mạnh sẽ giúp cây lúa cứng cây hơn.

+ Áp dụng các biện pháp sạ thưa như sạ theo hàng, lượng giống sạ từ 100-120 kg lúa/ha để đảm bảo độ thông thoáng trong ruộng lúa sẽ giảm được sâu bệnh.

+ Cần bón phân cân đối giữa các loại phân là đạm, lân và kali. Bón đạm nên bón theo bảng so màu lá vừa đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng của cây lúa, vừa không gây lãng phí phân đạm. Chú ý bón phân kali sẽ làm cây lúa cứng cáp hơn.

+ Thăm đồng thường xuyên, khi phát hiện có sâu bệnh tới ngưỡng gây hại thì cần xử lý ngay. Trước và sau khi lúa trổ nên phun thuốc Till Supfer sẽ phòng trừ được một số loại bệnh và làm tăng độ phì hạt lúa, màu sắc lúa sáng bóng.

+ Điều tiết nước trong ruộng lúa, tốt nhất nên tháo cạn nước ruộng trước khi cây lúa vào giai đoạn làm đòng, vừa tạo điều kiện thông thoáng ruộng lúa, vừa làm cho bộ rễ phát triển ăn sâu vào đất. Thời gian rút nước khoảng 7 ngày, sau đó cho nước vào và khống chế mức nước ở mức 5-10 cm cho đến khi lúa chín. Rút hết nước trước khi thu hoạch lúa 10 ngày.

Đỗ Quảng

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/39474/Default.aspx

Không có nhận xét nào:

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!