Lưu trữ Blog

24/1/08

Biến đổi khí hậu: Di dời dân là ưu tiên hàng đầu

Ngọc Huyền thực hiện

Nguồn : VietNamNet

TINKHOAHOC.- Di dời dân và nghiên cứu các giống lúa chịu hạn... Đó là các giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học trao đổi với VietNamNet xung quanh vấn đề này...

- Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) VN là nước đứng thứ hai trong số top 5 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Để ứng phó với những ảnh hưởng này, vấn đề quy hoạch luôn được đặt ra, xin ông cho biết chương trình hành động này như thế nào?

- Vấn đề lớn hiện nay là quy hoạch và quản lý quy hoạch, đối với vấn đề quy hoạch trong "Chiến lược phòng chống, giảm nhẹ thiên tai" mới được Chính phủ phê duyệt trong thời gian qua nêu rất rõ từng bước di dời tất cả những hộ dân thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, các hộ dân ở ngoài đê luôn bị ngập lụt, ở vùng lũ quét, bị sạt lở đất, vùng ven biển, ven sông dần đến những nơi an toàn hơn.

Đối với vấn đề sản xuất, chúng ta tiếp tục có những quy hoạch phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi nói về vấn đề này có rất nhiều việc phải làm như: đê điều, thoát lũ, an toàn hồ đập... Bởi vì, biến đổi khí hậu không đơn thuần là mực nước biển dâng mà còn liên quan đến vấn đề cực đoan của khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho lượng mưa nhiều hơn, hạn hán kéo dài, khan hiếm nguồn nước sạch và bão lũ gia tăng nhiều hơn...

Do vậy, chúng ta phải có một chiến lược lâu dài. Trong thời gian sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ triển khai vấn đề này theo nội dung "Chiến lược phòng chống, giảm nhẹ thiên tai" với ban chỉ đạo, với các tỉnh.

- Theo kịch bản dự báo của Ngân hàng Thế giới, mực nước biển dâng 1m sẽ làm cho 22 triệu người dân VN mất nhà cửa, do vậy việc di dời dân cũng là một bài toán. Ban chỉ đạo đã tính đến phương án này chưa?

- Di dời dân là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, nhưng đó cũng là việc hiện nay chúng ta phải tính đến bởi có rất nhiều việc liên quan đến cơ sở hạ tầng cụ thể như Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiếp tục đắp đê củng cố hay không? Miền Trung là một vùng đất cao nhưng lại thường xuyên hứng chịu các đợt lũ phức tạp điển hình như năm 2007 sẽ chọn giải pháp nào? Trước đây, thời gian thoát lũ ở miền Trung là từ 3-5 ngày nhưng thời gian thoát lũ năm 2007 kéo dài hơn. Vậy khi mực nước biển dâng thời gian thoát lũ còn kéo dài hơn nữa.

Giải pháp của chương trình là nơi nào đắp đê được chúng ta sẽ đắp đê, nơi nào không đắp đê được chúng ta phải thích ứng như thế nào đó là bài toán mà ngành nông nghiệp sẽ phải tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp cụ thể.

Thực chất Nhà nước đã và đang có những chương trình này rồi, nay chúng tôi tiếp tục lập và thực hiện các dự án di dời tiếp theo.

Thành phố không thể sống chung với lũ, giải pháp cho ĐBSCL như thế nào? Hay giải pháp cho hai TP. Hải Phòng và TP.HCM bị ngập nặng ra sao? Theo tôi nghĩ TP thì không thể sống chung được với lũ mà chúng ta phải phòng chống triệt để, phòng chống như thế nào đấy cũng là một bài toán.

Vừa rồi Bộ NN&PTNT đã trình bày với Chính phủ, UBND TP.HCM về các giải pháp tiến hành xây các cống lớn, phù hợp với lộ trình thoát nước và nước biển dâng. Tháng 3/2008, Bộ sẽ trình bày phương án cụ thể để TP.HCM đề nghị Chính phủ phê duyệt.

- Vậy có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân được di dời hay không?

- Trong thời gian qua những nơi bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất thì các tỉnh đã lập dự án và Nhà nước đều có chính sách hỗ trợ di dời các hộ dân. Tuy nhiên, tùy theo vùng, miền bị ảnh hưởng Nhà nước có mức hỗ trợ kinh phí, xây dựng các cơ sở hạ tầng khác nhau. Vấn đề này đã được Đảng và Nhà nước quan tâm rất cao.

Người dân TP.HCM thường xuyên phải di dời chỗ ở trong thời kỳ triều cường. Ảnh VNN


Nghiên cứu giống lúa chịu hạn, chịu ngập

- Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), với kịch bản mực nước biển dâng 1m thì 50% diện tích đất canh tác của ĐBSH và ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, đe dọa đến an ninh lương thực. Vậy có giải pháp nào cho vấn đề này?

- An ninh lương thực là vấn đề rất quan trọng. Vấn đề này đã được đặt ra trong Chương trình hành động của Bộ xây dựng các kế hoạch thực hiện sắp tới như: nghiên cứu lại các giống lúa chịu hạn, chịu ngập... cho ĐBSCL. Bởi vì khi nước biển dâng, diện tích canh tác giảm, chúng ta phải có một loại giống lúa thích ứng với thời gian ngập dài hơn mà vẫn đảm bảo một năng suất nhất định.

Nếu theo kịch bản dự báo của Ngân hàng Thế giới là 1m, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh lương thực. Do vậy, chúng ta không thể chờ đợi đến lúc đó mới nghiên cứu mà ngay từ bây giờ chúng ta phải có những giải pháp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các vùng bị ngập. Đến khi mực nước biển tăng dần lên chúng ta sẽ gieo trồng. Tuy nhiên, năng xuất của lúa chịu ngập có thể giảm hơn so với hiện nay nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực.

Để trả lời câu hỏi sẽ đảm bảo đến đâu là rất khó. Song, theo tôi, các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi vì trong thực tế cây lúa nổi ở vùng ĐBSCL đã được người dân ĐBSCL trồng thử nghiệm trong nhiều năm rồi. Chúng ta sẽ sử dụng các loại giống cây trồng đó và thuần chủng để nâng cao năng suất.

Trong một vài năm tới, Bộ NN&PTNT sẽ ưu tiên cho vấn đề này và sẽ hướng vào những giống lúa chịu hạn, chịu ngập...

- Nghiên cứu các giống lúa chịu hạn liên quan đến vấn đề kinh phí?

- Vấn đề kinh phí cho khoa học đến nay có thể nói không phải là vấn đề khó khăn bởi vì Nhà nước rất quan tâm. Điều quan trọng là các nhà khoa học có đủ nguồn lực để nghiên cứu ra sản phẩm hay không? Đây là câu hỏi dành cho các nhà khoa học.

- Trong 10 năm tới VN có hành động cụ thể như thế nào?

- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất mạnh mẽ, Nhà nước sẽ có một chương trình đặc biệt thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ sẽ xây dựng chương trình hành động trên cơ sở chiến lược chung của quốc gia, mỗi ngành có một chương trình hành động, báo cáo với Chính phủ, xin nguồn kinh phí và tiến hành thực hiện dần công việc. Nơi nào bị tổn thương nhiều nhất sẽ ưu tiên thực hiện trước, nơi nào tổn thương chưa nhiều thì chúng ta tiến hành dần dần.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Ngọc Huyền (thực hiện)

19/1/08

Về thực trạng sản xuất trái cây và vị thế trái cây bản địa

GS.TS. Nguyễn Văn Luật


TINKHOAHOC. Diện tích trồng cây ăn quả (CAQ) ở cả nước hiện nay đã lên tới 755 ngàn ha, trong đó ĐBSCL hiện có 325 ngàn, tăng hơn gần 100 ngàn so với năm 2000. Bà con nông dân đã lựa chọn đúng và có hiệu quả thiết thực: tăng diện tích trồng CAQ để phá thế độc canh, nhất là ở vùng lúa ĐBSCL. Khuyến cáo cổ truyền “Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền” vẫn còn nguyên giá trị.

Tiền Giang là tỉnh phát triển diện tích trồng CAQ nhanh nhất và rộng nhất nước: năm 1990 có 24.500 ha, thì đến 2006 có gần 67.000 ha. Một cơ cấu giống CAQ hợp với từng loại đất đã được người làm vườn thực hiện và luôn hoàn thiện. Chủng loại CAQ ở mỗi vùng không chỉ phụ thuộc vào vùng đất ngọt, vùng đệm, lợ, mặn, phèn, mà còn phụ thuộc vào ý người trồng cây muốn có lời cao hơn. Số loài CAQ vùng ngọt nhiều nhất: 15 loài chính chiếm trên 50% diện tích CAQ của cả tỉnh, trong đó có sầu riêng, vú sữa, xoài, cam, quýt, nhãn, sapô, ổi, chôm chôm, bưởi. Vùng đệm và vùng mặn có 12 loài, vùng mặn có 10 loài và vùng phèn chỉ có 6. Phần lớn các loài CAQ ở vùng ngọt cho năng suất cao nhất, như cam đạt 12-13 tấn , thì ở vùng đệm còn 5 tấn, vùng mặn còn 1 tấn, tất nhiên có thể tăng đầu tư để đạt cao hơn, nhưng lời ít hoặc lỗ vốn. Dừa tập trung ở vùng lợ, có trên 5.000 ha, chiếm 70% diện tích dừa cả tỉnh, và có năng suất (8-9 tấn/ha) vượt trội so với các vùng khác; vùng ngọt đứng thứ nhì cũng chỉ đạt 7,5 t. Sản xuất dứa (khóm, thơm) hàng hóa tập trung tới 100% diện tích (#5.000 ha) ở vùng phèn. Vùng phèn thường giàu mùn giàu đạm này còn làm cho chuối đạt năng suất cao nhất tỉnh, khoảng 13 – 14 t/ha, trong khi vùng ngọt chưa đầy 10 tấn.

Mỗi địa phương, mỗi vùng lại có tính đặc thù trong sản xuất CAQ về giống cũng như về tập quán và về điều kiện tự nhiên. Ở tỉnh Sóc Trăng, vùng đất cồn chạy dọc theo bờ biển từ Vĩnh Châu đến Bắc Liêu có CAQ đặc sản nhãn Tiêu khá nổi tiếng, mặc dầu trong cây nhãn không phải trái nào hạt cũng ‘tiêu’ nhỏ lại, chất lượng rất ngon. Cũng như vậy với vũ sữa Vĩnh Kim, chưa có tài liệu nào chính thức cho rằng chất lượng kém những vú sữa đang nổi tiếng như vú sữa Lò Rèn.

Trong phạm vi cả nước, chủng loại trái cây càng phong phú, loại đặc thù nhiệt đới ở phía Nam, như xoài, sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, măng cụt, thanh long, trứng gà (lêkima), mãng cầu ta (na), mãng cầu Xiêm.. ; loại đặc thù á nhiệt đới và cả ôn đới ở các tỉnh phía Bắc và vùng núi cao, như vải thiều, lê, táo bom, hồng Hạc, mận Tam hoa, hạt rẻ Cao Bằng.. Mỗi loại lại có khá nhiều giống ngon, như cam Bố Hạ, cam xã Đoài; sầu riêng có sầu riêng hạt lép, Chín Hóa, Ri-6; bưởi có 5 doi, da xanh; thanh long có loại ruột trắng, ruột vàng, ruột đỏ sẫm; vú sữa có Vĩnh Kim, Lò Rèn; xoài có Cát Hòa Lộc, Cát Chu, xoài Gòn ăn xanh.

Đến nay, chưa thấy giống CAQ nhập nào vượt trội hơn giống bản địa về chất lượng ngon lành. Tuy nhiên, ta kém về lợi thế cạnh tranh hàng hóa, như độ an toàn thực phẩm, không đáp ứng kịp thời thị trường về số lượng, chất lượng cao và độ đồng đều, cũng như bao bì đóng gói, thời gian giao hàng theo hợp đồng, và giá bán lại cao do giá thành cao.

Trái cây nhập nội ngày một lấn sân trái cây sản xuất trong nước, do giá thành của họ thấp nên giá bán thấp, mẫu mã lại đẹp hơn. Một ví dụ, ở nước ta sầu riêng Ri-6 bán khoảng 25.000 đ/kg; sầu riêng Monthong nhập từ Thái Lan có 10.000 – 15.000 đ/kg, bán ở nội địa Thái Lan có 7.000 đ/kg. Hiện tượng được mùa rớt giá thê thảm diễn ra liên tiếp, như ở miền Bắc có vải thiều, mận tam hoa, nhãn; ở miền Nam cũng xẩy ra với nhiều loại, như có vụ vườn nhãn bỏ chín tự nhiên, tự rụng ngập mắt cá chân, xoài bán rẻ như cho, dẫn đến liên tục chặt cây này, trồng cây khác, rồi có nơi có khi trồng lại cây đã chặt.

Hiệu quả kinh tế của sản xuất rau quả hiện chưa cao và ổn định. Trên thế giới, giá trị buôn bán rau quả đạt gần 9 tỷ USD chiếm 15,5% các mặt hàng nông sản. Ở Việt Nam hiện mới đạt có 0,24% của thế giới. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của ta giảm sút: năm 2001 ta đạt 344 triệu USD, những năm sau giảm sút, cho đến năm 2006 khoảng còn từ 152 đến 263 triệu USD, thị trường và thị phần bị thu hẹp dần.

Các nhà khoa học cùng địa phương hàng thập kỷ đến nay kiên trì đề xuất và chỉ đao thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng vùng sản xuất trái cây hàng hóa chưa đủ rộng, tổ chức hợp tác sản xuất kinh doanh yếu, thiếu giống tốt, áp dụng kỹ thuật tùy tiện, yếu kém trong khâu chế biến, bảo quản, chưa đạt nhiều tiêu chuẩn hàng hóa trên “sân chơi” WTO.. Hiệu quả chỉ đạo hầu như chỉ thể hiện trong quá trình tăng diện tích sản xuất như trên, chưa tăng được lợi thế cạnh tranh về chất lượng, giá thành. Giải pháp phù hợp nhằm tăng thu, giảm rủi ro cho nông dân là cách để người nông dân ham áp dụng giống và kỹ thuật mới hơn.

Theo TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện CAQ miền Nam, thì trong sản xuất lưu thông trái thanh long, người nông dân chỉ được hưởng có 3,75% trên giá trị sản phẩm; người đóng gói hưởng 5,71%, nhà xuất khẩu 8%, còn đến khoảng 80% là người vận chuyển và phân phối. Cũng tương tự vậy với chăn nuôi trong VAC, theo PGsTs Võ Văn Sơn, ĐHCT, lợi nhuận nuôi heo (lợn) mà người nuôi hưởng thụ có # 27%, còn thương lái và giết mổ khoảng 43%, bán lẻ 23%. Phải chăng, tổ chức sản xuất trái cây hàng hóa cần có hình thức thích hợp liên doanh liên kết từ sản xuất đến thị trường để phân bổ lợi nhuận công bằng hơn, và ai cũng có lợi hơn so với hiện nay. Người nông dân tranh thủ thu nhập nhiều hơn bằng khoa học và công nghệ. Trong mối quan hệ hợp đồng, doanh nghiệp liên quan cũng được hưởng lợi thêm.

Giống CAQ vẫn được xếp hàng đầu trong quy trình sản xuất trái cây. Khác với sản xuất lúa hàng vụ có thể đổi giống, với trái cây là hàng chục năm. Khác với rau hiện ta đang sản xuất chủ yếu bằng giống nhập nội, vì hiện còn rất ít giống bản địa, như sả, giềng..; còn đối với CAQ thì phần nhiều dùng giống bản địa đặc sản, có giống có chất lượng và mẫu mã mầu sắc vỏ quả bắt mắt vượt trội không những không thua kém giống nhập nội, như cam, xoài, bưởi, sầu riêng, mà còn có giống vượt trội hơn.

Để phát huy CAQ đặc sản bản địa, cần xác định và mở rộng diện tích ra vùng có điều kiện đất và sinh thái khí hậu thích hợp, như ta đã làm rất thành công với vải thiều trước kia chỉ có ở Hưng Yên.Thanh long phát triển ở Nam Trung bộ và Nam bộ bằng giống vỏ đỏ ruột trắng. Hiện nay đã có giống thanh long trồng được ở cả nước dễ dàng, đấy là giống thanh long vỏ cũng đỏ tươi, nhưng ruột đỏ sẫm, ăn cũng ngon và ngọt mát không thua loại ruột trắng thông thường. Thời gian tạo chọn giống CAQ mới cần 10 – 15 năm, nhưng sau đó năm nào ta cũng có thể giới thiệu vào sản xuất giống mới. Tuyển chọn cây mẹ làm đầu dòng triết ghép nhân ra cũng là cách như ta đã làm có kết quả tốt. Quản lý cây giống vẫn là vấn đề bức xúc, vì giống kém chất lượng và không đúng giống vẫn còn trôi nổi trên thị trường.

Về mối quan hệ giữa đa canh và chuyên canh: Chuyên canh mới có thể có nông sản hàng hóa đáp ứng kịp thời và đủ số lượng và dễ đảm bảo chất lượng hơn cho thị trường, thuận lợi cho việc chuyển giao giống và kỹ thuật mới. Tuy nhiên, điều kiện của ta không cho phép ta thực hiện chuyên canh như ở nước có đất rộng, người thưa, nền kinh tế phát đạt như ở Úc, Ý, Mỹ.. Trong thực tế sản xuất ở ĐBSCL đã thể hiện giải pháp hài hòa là ‘vùng chuyên canh’ thực hiện bởi nhiều ‘nông hộ đa canh’, hay chuyên canh vài nông sản nào đó trên nền các vườn đa canh. làm sao để cho các hợp phần đa canh hỗ trợ nhau cùng phát triển. Người nông dân khó tiếp nhận một khuyến cáo nào chỉ nhằm vào một hoạt động sản xuất của họ, không quan tâm đến những lợi ích tích hợp của đa canh mà họ đang thực hiện có hiệu quả. Khi đã xác định được CAQ đặc sản chuyên canh ở vùng nào đó, kiến quyết khắc phục tình trạng giống kém, bị pha tạp, như vởi bưởi là cây thụ phấn nhở hạt phấn đực bên ngoài vào khoảng 30%, như vùng trồng bưởi 5 doi lẫn với các giống bưởi khác, do lai tạp mà xuống cấp còn 4, rồi 3. 2 doi, vốn không hạt thành có hạt tùm lum, chẳng ai đoái hoài đến lấy cắp cây giống để bị phạt đánh bằng doi nữa như xuất xứ của tên “5 doi”.

Điều này không chỉ thân thiện với môi trường, mà còn bền vững và tăng thu nhập, tăng cải thiện trực tiếp mức sống cho nông hộ, giảm rủi ro. Vùng lúa chuyên canh ĐBSCL được thực hiện đa canh bằng các miệt vườn cây ăn trái. Hệ sinh thái VAC trong phạm vi của các nông hộ bao gồm cây ăn quả chủ lực tùy theo vùng, như vú sữa, sầu riêng, bưởi, xoài, sơ ri, dưới tán vườn có thể nuôi bò thịt, heo hướng nạc, gia cầm.. Dưới ao nuôi thả các loại cá phù hợp với yêu cầu hàng hóa của vùng và xuất khẩu.

Cũng không nên chỉ khuyến cáo và tôn vinh sản xuất hàng hóa cho thị trường xuất khẩu, mà thiếu quan tâm đến cung cấp cho thị trường gần địa phương mà người sản xuất có thể dễ dàng bán ngay được sản phẩm của mình lấy tiền tiêu dùng hàng ngày, sản xuất tự túc tăng mức sống cho nông hộ, như trồng rau sạch lưu niên bản địa (mồng tơi, lá cách, thiên lý.) song song với trồng rau hàng hóa sạch; hay cây thuốc Nam dễ trồng dễ dùng, như cây kim vàng, cây chân rết.. không tốn kém thêm gì, vì trồng xen, trồng ghép.. Nhiều nơi khi thực hiện những dự án theo hướng này, đã quy tụ được các đoàn thể và hội nghề nghiệp tham gia, như Hội Làm vườn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến bính..

Quá trình sản xuất kinh doanh trái cây hiện còn dựa vào mở rộng diện tích hơn là công nghệ trước và sau thu hoạch. Cần thêm cách tiếp cận mới nói trên với bước đi thích hợp để như với sản xuất lúa gạo: diện tích giảm, vẫn tăng chất lượng, sản lượng và giá bán. Xuất khẩu gạo Việt Nam đến tháng 9/2007 đạt kỷ lục mới: bình quân 293 USD/tấn, tăng hơn năm trước 42 USD, đuổi kịp Thái Lan. Riêng loại 5% tấm bán 350 USD/t, hơn Thái Lan 7 USD.

GS.TS. Nguyễn Văn Luật
Bài đã đăng báo NNVN 10/2007

Tư liệu:
Mỗi địa phương, mỗi vùng lại có tính đặc thù trong sản xuất CAQ về giống cũng như về tập quán và về điều kiện tự nhiên.

Tỉnh Vĩnh Long có diện tích trồng CAQ chỉ sau Tiền Giang, là nơi xuất xứ từ huyện Bình Minh giống bưởi Năm Roi.

Ở tỉnh Sóc Trăng, vùng đất cồn chạy dọc theo bờ biển từ Vĩnh Châu đến Bắc Liêu có CAQ đặc sản nhãn Tiêu khá nổi tiếng, mặc dầu trong cây nhãn không phải trái nào hạt cũng ‘tiêu’ nhỏ lại, chất lượng rất ngon. Cũng như vậy với vũ sữa Vĩnh Kim, chưa có tài liệu nào chính thức cho rằng chất lượng kém những vú sữa đang nổi tiếng như vú sữa Lò Rèn.

TP. Cần Thơ tuy diện tích sản xuất nông nghiệp nói chung và CAQ nói riêng không nhiều như các địa phương khác, như Tiền Giang có sầu riêng hạt lép, Vĩnh Long có bưởi 5 roi, Hậu Giang có bưởi Phú Hữu, Sóc Trăng có vũ sữa Vĩnh Kim.., nhưng có vùng CAQ khá nổi tiếng như Phong Điền, và có hình thức tiếp thi “chợ nổi” trình làng nhiều trái cây ngon lành. Khi được đầu tư thỏa đáng, Cần Thơ vẫn có thể dẫn đầu về trái cây đặc sản hàng hóa.

CAQ Phong Điền: Huyện có 6.000 ha CAQ = 55.000 t/năm. Có cam mật, cam Sành, vú sữa Lò rèn, chanh Tàu, măng cụt, đặc biệt là dâu Hạ châu, đang phấn đấu đến năm 2010 thành quận sinh thái của TPCT.

17/1/08

Ninh Thuận: Những cánh đồng mì trăm triệu

TINKHOAHOC. Chưa bao giờ nông dân Hòa Sơn (Ninh Sơn) lại trúng mì như năm nay. Ít ai nghĩ rằng “cây mì xóa đói” chỉ trồng ở những đồi đất khô cằn như ở Hòa Sơn bỗng chốc lại “lên ngôi” như vậy. Lâu nay các hộ trồng mì ở Hòa Sơn trầy trật vì được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Trồng mì giỏi lắm chỉ giải quyết được khâu lương thực. Vì vậy, chuyện người dân trúng mì hàng trăm triệu đồng như là chuyện “trong mơ” ở Hòa Sơn. Cây mì vì thế đang là vấn đề “thời sự” của người dân nơi đây.

Chúng tôi về Hòa Sơn những ngày đầu năm 2008, đi đâu cũng thấy người dân hỏi nhau: Năm nay nhà bác trồng được mấy “héc” mì? Dẫn tôi đi coi bà con thu hoạch mì, đồng chí Châu Thanh Nghiệp, Trưởng Công an xã nói vui: “Bà con thu hoạch mì mà rầm rộ chẳng khác gì một công trường!”. Những chiếc máy cày nối thùng cao dựng đứng chất đầy mì từ mọi nơi chạy về đổ chất thành từng đống quanh trụ sở UBND xã. Hàng trăm người, chia thành từng tốp, số dùng máy thái mì, số dùng xe cút kít đẩy mì đi phơi, số chất mì vào bao tải chờ xe chuyển đi tiêu thụ…

Rời khu vực tập kết mì, chúng tôi ngược về thôn Tân Lập, nơi có nhiều hộ trúng mì nhất. Mặc dù tất bật thu hoạch mì, nhưng gương mặt nông dân Hồ Viết Linh không giấu được niềm vui: “Năm nay mì vừa được mùa, vừa được giá. Nhà tôi làm 7 ha, thu lãi hơn 150 triệu đồng”. Ngoài anh Linh, thì hộ trồng mì Võ Thành Đạt và một số hộ khác cũng trúng lớn. Ngay như thôn Tân Định, thôn có 100% hộ dân là đồng bào Raglai, lần đầu tiên trồng 25 ha mì cũng đạt năng suất cao. Đồng chí Katơ Rớt, Trưởng thôn, cho biết: “Lâu nay bà con chỉ có trồng bắp và mía. Đây là vụ đầu tiên chúng tôi thử nghiệm trồng cây mì. Với đà này, năm sau thôn sẽ mở rộng thêm diện tích mì”.

Vụ mì năm nay, toàn xã Hòa Sơn trồng 340 ha. Điều đáng nói là, ngoài số ít diện tích bị úng thủy bà con phải thu hoạch sớm, thì phần lớn số diện tích còn lại tập trung ở những gò đồi nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất đạt rất cao. Nếu như những vụ trước, năng suất mì đạt khoảng từ 10 đến 12 tấn/ha, thì vụ này đạt từ 15 đến 20 tấn/ha; giá cả cũng tăng gấp đôi năm ngoái. Theo tính toán của bà con nông dân, với giá tư thương thu mua 1.000 đồng/1kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí người dân còn lãi từ 15 đến 16 triệu đồng/ha.

Hiện trên địa bàn xã Hòa Sơn có 2 tư thương tổ chức thu mua mì. Những tư thương này sẵn sàng mua “trọn gói” cả cánh đồng mì rồi thuê hàng chục người thu hoạch, cắt phơi, đóng bao, vận chuyển vào Đồng Nai tiêu thụ. Việc tư thương mua giá cao hơn giá của Nhà máy tinh bột mì Ninh Thuận, đã làm ảnh hưởng đến mối liên kết giữa “hai nhà”. Chị Nguyễn Thị Hà Đông, cán bộ kế hoạch xã, cho biết: “Trong tổng số 340 ha mì, có khoảng 60% diện tích các hộ trồng mì ký kết với Nhà máy Chế biến tinh bột mì theo phương thức Nhà máy cung cấp phân bón khoảng 1 triệu đồng/ha và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên giá thu mua 970 đồng/1kg của Nhà máy thấp hơn tư thương, đã vậy các hộ trồng mì phải chịu chi phí vận chuyển 70.000 đồng/tấn, nên nhiều hộ trồng chỉ thực hiện một phần nghĩa vụ với nhà máy, còn lại bán cho tư thương”. Anh Nguyễn Huy Duyên, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã , cho biết thêm: “Chúng tôi đã vận động các hộ trồng mì thực hiện nghĩa vụ với nhà máy, nhưng nếu nhà máy không nâng giá bằng giá với tư thương thì khó mà ngăn được người dân bán mì ra ngoài”.

Phải đến ra tết Nguyên đán, Hòa Sơn mới thu hoạch xong vụ mì. Nhưng ngay bây giờ, các hộ trồng mì đã chọn khu vực mì tốt để dành làm giống cho vụ tới. Nhiều khả năng diện tích mì vụ tới ở Hòa Sơn sẽ được mở rộng. Và các hộ dân đang nghĩ về những cánh đồng mì trăm triệu tiếp theo.

(Theo Báo Ninh Thuận)

Chạy đua phát triển cây lương thực chịu hạn

Đông Nguyên

Theo Reuters, Báo Cần Thơ

TINKHOAHOC. "Hạn hán là vấn đề toàn cầu và nguy cơ này song hành cùng quá trình biến đổi khí hậu. Trang bị cho cây trồng khả năng duy trì sản lượng trước tình hình thời tiết khô nóng là ưu tiên hàng đầu của đội ngũ chúng tôi”, ông Bill Niebur – phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu & phát triển toàn cầu của tập đoàn Pioneer Hi-Bred International nói. Bên trong phòng thí nghiệm ở bang Iowa (Mỹ), các nhà khoa học Pioneer đang theo dõi giống bắp biến đổi gien được trồng trong môi trường khô hạn nhân tạo.

Không riêng Pioneer, các công ty công nghệ sinh học ở Mỹ và nhiều nước đang đua nhau phát triển giống cây lương thực mới có khả năng tăng trưởng tốt trong điều kiện thiếu nước trong bối cảnh Trái đất đang ngày một ấm dần lên. “Nước là một trong những hạn chế lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp”, Sara Duncan, phát ngôn viên của Monsanto, một trong những công ty cung ứng cây trồng biến đổi gien hàng đầu thế giới tại Mỹ cho biết. Monsanto đang trồng thực nghiệm giống bắp kháng hạn tại nhiều khu vực khô hạn ở các bang Kansas, Nebraska và Dakota Nam.

Những năm gần đây, thực trạng khan hiếm nước khiến ngành nông nghiệp thế giới mỗi năm thất thu hàng tỉ USD do sản lượng thu hoạch giảm, và theo dự báo của giới khoa học, mức tổn thất này sẽ tiếp tục tăng. Cách đây 2 năm, đợt hạn được cho là tồi tệ nhất trong 50 năm qua khiến nông dân trồng bắp ở Tây Ban Nha và Pháp trắng tay. Năm 2006, sản lượng bắp của Mỹ giảm 5% là do đất đai khô cằn. Tại Úc, nơi hạn hán triền miên từ năm 2002, lần đầu tiên trong vòng 40 năm qua, một số nông dân không thu hoạch được hạt lúa mì nào. Trong khi đó, do khô hạn người dân trồng bắp ở Argentina phải hoãn xuống giống mùa vụ năm nay. Mới đây, Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) cảnh báo nguy cơ thiếu lương thực ở các nước nghèo do thời tiết khô nóng làm giảm sản lượng thu hoạch và đẩy giá lương thực tăng cao.

Trong số các loại cây lương thực, bắp là mục tiêu nghiên cứu của các công ty bởi nó không chỉ là nguyên liệu chính của vô số loại thực phẩm chế biến mà còn là thức ăn không thể thiếu của gia súc đồng thời là nguyên liệu để điều chế ethanol – nhiên liệu thay thế đang được thế giới ưa chuộng. Hằng năm, thế giới trồng gần 800 triệu tấn bắp, trong đó Mỹ và Trung Quốc cung ứng tương ứng 40% và 19% sản lượng.

Thành công của công nghệ biến đổi gien – cho ra đời giống bắp, đậu nành và nhiều loại cây kháng sâu bệnh – đang góp phần xoa dịu làn sóng tẩy chay cây trồng biến đổi gien ở một số nước, đặc biệt ở châu Âu. Giá cả là một vấn đề khiến nông dân do dự trong việc chuyển đổi sang những giống cây biến đổi gien. Sử dụng giống bắp công nghệ sinh học, nông dân Mỹ phải bỏ ra 245 USD, đắt gấp 2,5 lần so với loại giống bình thường. Tuy nhiên, các công ty công nghệ sinh học cho rằng giá thành đắt là do chi phí nghiên cứu họ bỏ ra rất cao.

Monsanto dành khoảng 10% kinh phí hoạt động hàng năm (khoảng 2 triệu USD/ngày) cho mảng nghiên cứu và phát triển cây trồng chịu hạn. Trong tháng này, Pioneer cho biết sẽ lắp hệ thống robot trị giá 1,5 triệu USD với tính năng theo dõi toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây trồng trong phòng thí nghiệm trong nhiều điều kiện khô nóng khác nhau. Tập đoàn này dự kiến sẽ đưa ra thị trường giống bắp biến đổi gien chịu hạn vào năm 2012 trong khi đối thủ Monsanto có kế hoạch tung ra giống bắp kháng hạn sớm hơn, vào khoảng 2010. Trong khi đó, tập đoàn Syngenta của Thụy Sĩ đang theo đuổi công nghệ “tối đa hóa nguồn nước”, cho phép cây bắp phát triển ở những vùng đất vốn không thích hợp với loại cây này. Syngenta định giới thiệu công nghệ này đến nông dân trồng bắp vào năm 2011.

Ngoài phương pháp lai ghép thông thường, các công ty công nghệ sinh học nhìn chung đều sử dụng kỹ thuật chuyển đổi gien từ vi sinh vật hoặc các loại cây trồng có khả năng chịu hạn để cho ra những giống cây có rễ mạnh và dài hơn có thể hút nhiều nước từ đất hoặc có khả năng trữ nước hiệu quả ở phần thân và lá đồng thời nhằm thay đổi cách thức phát triển của cây theo hướng cung cấp nước nhiều hơn cho quá trình hình thành hạt hơn là quá trình phát triển của lá.

13/1/08

Cây bắp chuyển gen thể hiện protein dạng sữa (Milk Protein)

TINKHOAHOC. Các nhà khoa học thuộc ĐH Iowa State đã chuyển nạp thành công gen mã hóa protein “α-lactalbumin” (milk protein) trên cây bắp. Các dòng bắp transgenic này đã cải tiến được sự cân bằng về amino acid. Một trong những hạn chế về dinh dưỡng trong nội nhũ hạt bắp là sự cân bằng amino acid của nó, với lysine rất thiếu. Hơn nữa, protein của thực vật rất khó tiêu hóa đối với động vật và có thể gây ra dị ứng (allergic). Milk proteins là thành phần tự nhiên của thức ăn động vật; do đó, chúng được xem như protein có tính chất luân phiên nhau trong thực vật, xét trên góc độ cải biên dinh dưỡng. Nội nhũ hạt bắp của các dòng bắp chuyển gen tạo ra mức độ rất lớn về α-lactalbumin. Dạng hạt và hàm lượng zein trong hạt không khác biệt trong cây transgene khi so sánh với các dòng siblings không thể hiện milk protein. Các nhà khoa học tiếp tục thực hiệntrắc nghiệm “antigenicity” để xác định mức độ rủi ro của protein có tính chất transgenic đối với phản ứng dị ứng của con người. Họ tiếp tục xem xét ảnh hưởng của chuyển nạp trên các tính trạng nông học của cây bắp. Xem bài viết chi tiết trên tạp chí Transgenic Research số mới nhất, hoặc http://www.springerlink.com/content/hk254761t3513836/fulltext.pdf http://www.springerlink.com/content/hk254761t3513836/?p=e240497762de42aca22c1d64db34a076&pi=5

Bùi Chí Bửu (lược dịch)

Thành lập thư viện cDNA của khoai mì

TINKHOAHOC. Khoai mì là loài cây trồng được biết chống chịu tốt với stress phi sinh học, thí dụ như khô hạn và mặn. Nó là nguồn cung cấp carbohydrate lớn thứ ba cho loài người, là nguồn lương thực chủ lực của nhiều nước ở Châu Phi. Khoai mì còn là nguồn chế biến nhiên liệu sinh học cực kỳ quan trọng. Bản chất di truyền của genome khoai mì khá phức tạp với chu kỳ sinh tưởng dài, do đó việc cải tiến giống khoai mì rất ít thành công. Áp dụng công nghệ sinh học để cải tiến giống khoai mì là một chiến lược năng động. Kiến thức cơ bản về các gen điều khiển chống chịu stress sẽ vô cùng cần thiết khi tiếp cận với công nghệ sinh học, thí dụ như chọn giống nhờ chỉ thị phân tử (MAS) và chuyển nạp gen. Các nhà khoa học thuộc CIAT, Colombia và Nhật Bản vừa hòan thành việc xây dựng thư viện cDNA có chiều dài phân tử đầy đủ, dưới điều kiện bình thường, nóng, khô hạn, độ độc nhôm, và những điều kiện sau thu họach làm tổn hại đến sinh lý cây trồng. Các thư viện cDNA là bộ sưu tập các dòng phân tử cDNA (được hình thành từ mRNA), đại diện cho gen mục tiêu thể hiện trong mô, tế bào trong một thời kỳ nhất định nào đó. Thư viện cDNA của khoai mì là tiềm năng phục vụ cho các nhà khoa học cải tiến giống khoai mì về năng suất trong điều kiện canh tác bị stress phi sinh học; cung cấp chuỗi trình tự đầy đủ của các gen mục tiêu này và phát triển catalog của gen trong genome khoai mì. Xem tạp chí BMC Plant Biology hoặc http://www.biomedcentral.com/1471-2229/7/66

Bùi Chí Bửu (lược dịch)

12/1/08

Phát hiện một loại cỏ mọc quanh năm có tiềm năng nhiên liệu sinh học cao

TINKHOAHOC_020_Bioethanol. Một cuộc thử nghiệm ở quy mô lớn một loại cỏ mang tên switchgrass (thuộc họ cỏ kê) cho thấy loại cây này có thể là một nguồn nguyên liệu có triển vọng để sản xuất nhiên liệu sinh học, theo một công trình nghiên cứu mới được công bố hôm 7/01/2008.

Một thử nghiệm kéo dài 5 năm giống cỏ thảo nguyên Bắc Mỹ trên vùng đất trồng tại Midwestern của Mỹ cho thấy, loại cỏ này sản sinh ra một nguồn năng lượng tái tạo lớn hơn 540% so với lượng năng lượng cần thiết để tạo ra nguồn năng lượng này.

Các ước tính trước đây dựa trên cơ sở các khu đất trồng nghiên cứu với quy mô nhỏ đã cho rằng loại cỏ này sẽ mang lại một sản lượng năng lượng thực vào khoảng 343%. Sản lượng năng lượng thực được coi là một phép đo quan trọng về tính bền vững.

“Khi đem ra thực hiện ở quy mô trang trại, các kết quả tốt hơn nhiều so với dự đoán”, Kenneth Vogel, một nhà nghiên cứu di truyền học thuộc Ban Nghiên cứu Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Mỹ, có trụ sở đặt tại trường Đại học Nebraska ở Lincoln cho biết.

“Vẫn còn có nhiều tiềm năng để tiếp tục cải tiến”, ông cho biết thêm. “Trước đây loại cây này được triển khai để chăn nuôi gia súc và bảo tồn thiên nhiên. Giờ đây, chúng tôi đang nhân giống để sử dụng đặc biệt làm cây trồng năng lượng”.

Sản lượng nhiên liệu sinh học toàn cầu đã tăng gấp ba lần, từ 4,8 tỷ gallon năm 2000 lên khoảng 16 tỷ vào năm 2007, nhưng vẫn chỉ chiếm chưa tới 3% nguồn cung ứng nhiên liệu giao thông toàn cầu, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Các mối lo ngại về an ninh năng lượng, thay đổi khí hậu và giá dầu mỏ tăng cao đã khiến cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học tìm cách phát triển các nguồn năng lượng thay thế để có thể cho phép họ chấm dứt được sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài.

Sự gia tăng chưa từng thấy ở giá dầu mỏ trong vòng sáu năm qua càng làm tăng áp lực, nhưng nhu cầu về nhiên liệu sinh học gia tăng, cùng với các yếu tố khác đã đẩy giá cả tăng cao đối với một số mặt hàng hiện đang được sử dụng để chế tạo nhiên liệu sinh học, như ngô và dầu thực vật.

Trong trường hợp đối với ngô, nhiều người cho rằng sự cạnh tranh giữa các nhu cầu lương thực và nguyên liệu đối với các nguồn cung ứng ngũ cốc này cộng thêm với giá cả leo thang sẽ gây hạn chế sự phát triển sản xuất ethanol ngũ cốc, vì vậy các nhà nghiên cứu đã bắt đầu khai thác các nguồn cây trồng thay thế khác để sản xuất các nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai hay còn gọi là nhiên liệu sinh học xenluloza (Cellulosic Biofuels).

Cỏ switchgrass cũng giống như các loại cỏ phát triển nhanh, có hàm lượng xơ cao và các sản phẩm phụ từ gỗ giàu xenluloza, là một loại nguyên liệu có thể dễ dàng chuyển hóa thành đường và được làm cho lên men để chế tạo ethanol.

Các nhà phân tích cho rằng, nhiên liệu sinh học xenluloza được chế tạo từ loại cây mọc quanh năm như cỏ switchgrass sẽ đòi hỏi các yếu tố đầu vào nông nghiệp ít hơn so với các cây trồng theo vụ như ngô, và sẽ mang lại sản lượng tốt hơn, hạ thấp được giá ethanol sinh học.

Các nhà khoa học cũng hy vọng rằng có thể nâng cao được sản lượng và hiệu quả thông qua những cải tiến về quản lý cây trồng và bằng cách nhân các giống cỏ tốt hơn, thích hợp để chuyển hóa thành ethanol.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà nghiên cứu thông báo các giống cỏ switchgrass mới có thể cho sản lượng cao hơn từ 20-30% so với các giống trước đây.

NACESTI (AFP, 7/01/2008)
Nguồn: http://iasvn.org/

Tác động của Biofuels đối với môi trường

TINKHOAHOC. Biofuels, như ethanol và biodiesel, đang được xem như giải pháp nhằm thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch với giá rất đắt và sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đang đầu tư ngày càng nhiều vào nghiên cứu biofuel. Nhưng việc sử dụng năng lượng xanh này (green fuels) không phải không bị chỉ trích, phê bình; do cạnh tranh với nguồn lương thực, thực phẩm. Số khác phê bình tác động của sử dụng biofuel làm giảm hiệu ứng khí nhà kính có chắc hay không? Trong một bài viết của tạp chí Science, người ta đã đánh giá lại và thảo luận hiện trạng của sản xuất biofuel tại nhiều quốc gia. Yếu tố then chốt ảnh hưởng đến hiệu quả của biofuel là hệ thống môi sinh đã bị hủy hoại do sản xuất biofuel. Cho dù hầu hết các biofuels đều làm giảm sử khí thải có hiệu ứng nhà kính so với năng lượng hóa thạch; nhưng còn rất nhiều thứ khác làm tổn thương đến môi trường. Cây trồng yếu cầu phân đạm, thí dụ bắp và cải dầu, có thể làm phát sinh cho nitrous oxide, gây hiệu ứng nhà kính. Tác giả của bài báo này kết luận rằng có một nhu cầu còn cao hơn năng lượng và khí thải hiệu ứng nhà kính khi đánh giá các nguồn biofuel khác nhau. Xem bài viết tổng quan của Zah et al., thuộc tổ chức của Chính phủ Thụy Sĩ, trên tạp chí Science http://www.sciencemag.org/cgi/content/full/319/5859/43

Bùi Chí Bửu
Nguồn: http://iasvn.org

Tảo biển năng lượng của tương lai

Tuấn Dũng
(Sai Gon Tiep Thi Online)

TINKHOAHOC_018_BioEthanol. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước đã báo động cho toàn nhân loại về tình trạng cạn kiệt của nguồn tài nguyên không thể tái tạo được là dầu mỏ. Và trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đang ra sức tìm kiếm một nguồn năng lượng khác có khả năng tái tạo cao hơn và sạch hơn như năng lượng hoá học, năng lượng gió, năng lượng mặt trời... Nhưng dầu tảo thì có lẽ vẫn là một khái niệm xa lạ với đại đa số mọi người.

Hình ảnh này sẽ trở nên quen thuộc trong một tương lai không xa: xe cộ sẽ ghé các trạm tiếp nhiên liệu điều chế từ tảo biển?

Sử dụng dầu được chiết xuất từ thực vật để vận hành động cơ xe hơi là vấn đề không còn mới. Nhưng chúng ta hãy làm một phép tính nhỏ về dầu thực vật với diện tích trồng trọt. Để cung cấp đủ năng lượng cho tất cả số xe hơi đang chạy trên toàn nước Mỹ, diện tích đất canh tác phải đạt đến mức gần 2 tỉ hecta, trong đó 1,2 tỉ hecta đậu tương, 400 triệu hecta cây canola và phần còn lại là dành cho các loại cây lấy dầu khác. Trong khi đó, diện tích đất canh tác nông nghiệp của nước Mỹ hiện nay chỉ là hơn 100 triệu hecta. Do những khó khăn về diện tích đất trồng trọt không có khả năng khắc phục như vậy nên cho tới nay, việc thay thế toàn bộ dầu lửa bằng cồn Ethanol cung cấp nhiên liệu cho xe hơi là điều không thể thực hiện được. Nhưng có một giải pháp có thể khắc phục được khó khăn này. Đó là dầu tảo.

Khác với các loại cây có thể lấy dầu khác, tảo là loài thực vật không yêu cầu bất cứ một centimet đất trồng nào. Nó có thể được trồng ở các thềm lục địa nông, hoặc trồng ngay trên sa mạc, trong các bồn chứa nước nhân tạo. Một lợi thế nữa của tảo là khả năng hút khí CO2 rất cao. Do vậy, trong tương lai đây không chỉ là giải pháp năng lượng mà song hành với nó còn là lời giải cho vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày một trầm trọng của trái đất.

Hồi sinh một dự án bị bỏ rơi

3 lợi ích từ tảo biển

1. Chất béo trong tảo biển có thể sử dụng làm nhiên liệu sinh học sử dụng cho các loại ô tô trong tương lai.

2. Từ những nơi cằn cỗi nhất như New Mexico, các nhà khoa học có thể nuôi trồng tảo biển để cung cấp nhiên liệu cho toàn bộ các loại phương tiện giao thông trên toàn nước Mỹ.

3. Trong tương lai, các nông trại tảo biển có thể hấp thụ được lượng lớn carbon dioxít và chuyển hóa thành khí oxy.

Mặc dù ưu thế của tảo hiện nay đã được chứng minh một cách rõ ràng, nhưng để đạt đến kết quả này rất nhiều công sức, tiền của đã phải bỏ ra suốt gần hai thập kỷ. Năm 1978, tổng thống Mỹ Carter đã ký quyết định triển khai dự án phát triển các loài thực vật dưới nước phục vụ cho nhu cầu thay thế dầu mỏ (gọi tắt là APS). Kinh phí dành cho dự án này là 25 triệu đô la. Nhưng sau gần 20 năm, các nhà nghiên cứu thất bại trong việc nuôi cấy tảo phát triển trong môi trường nhân tạo và chiết xuất dầu từ tảo biển. Năm 1996, Tổng thống Clinton quyết định đóng cửa dự án này. Tuy nhiên những nhà khoa học thuộc dự án vẫn tiếp tục công trình nghiên cứu của mình, mặc dù họ không nhận được bất cứ sự trả công nào của chính phủ.

Một trong số họ là chuyên gia sinh học Jim Sears. Không tiếp tục nhận được tiền từ dự án nên ban đầu ông phải làm việc trong một trại nhân giống bò và tiếp tục nghiên cứu ngay trong chính gara ô tô của mình! Sears nhận ra rằng, việc nuôi cấy tảo biển trong các túi hình tròn như trước đây các nhà nghiên cứu sử dụng là không thích hợp cho quá trình phát triển của tảo. Nhà khoa học này quyết định thử nghiệm nuôi cấy chúng trong một vài bể cá thuỷ tinh hình vuông và có thành cao giúp tảo có thể bám vào thành bể để phát triển. Mặt khác nước được sử dụng trong bể là nước biển thuần chất, có bổ sung thêm một vài loại rong để nước có màu hơi đục nhằm tạo ra một môi trường gần giống với môi trường tự nhiên mà tảo sinh sống. Và điều kỳ diệu đã đến, tảo phát triển được trong những bể cá của Jim Sears.

Tuy nhiên, một vấn đề nữa nảy sinh khi Sears nuôi cấy tảo thành công trong môi trường nhân tạo là giá thành. Để dầu tảo có thể cạnh tranh về giá cả với dầu lửa thì tảo cần phải được nuôi thành công trong môi trường tự nhiên hoàn toàn. Bởi vì chi phí để xây dựng những nhà máy nuôi cấy tảo và vận hành chúng sẽ đẩy giá của thành phẩm dầu lên cao. Lời giải của bài toán kinh tế dường như bế tắc. Sẽ có rất ít người chịu bỏ ra một số tiền lớn hơn để mua nhiên liệu cho chiếc xe của mình chỉ đơn thuần vì lý do bảo vệ môi trường.

Tận dụng những mối quan hệ trước đây khi còn làm việc trong lực lượng hải quân, Sears vận động được sự giúp đỡ của SEAL - lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Mỹ tìm kiếm những khu vực có thể trồng tảo ở dưới nước trong vịnh Florida. Một vài khu vực đã được lựa chọn và triển khai nuôi cấy thử nghiệm tảo trong môi trường hoàn toàn tự nhiên. Thử nghiệm đã đạt được một vài kết quả khả quan. Nhiều nhà đầu tư đã chú ý đến dự án của Jim Sears. Và cuối cùng thì sau gần 20 năm, công sức lao động của nhà khoa học này cũng đã được đền đáp xứng đáng. Năm 2004, Chính phủ Mỹ đã tái khởi động lại dự án bị Tổng thống Clinton bỏ rơi từ năm 1996.

Hàng năm, tất cả lượng xe cộ ở nước Mỹ thải ra 1,3 tỉ tấn các- bon đi-ô-xít vào không khí. Trung bình một ngày, Chính phủ Mỹ phải trả cho nước ngoài 250 triệu đô la để nhập khẩu dầu lửa đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Những con số về tài chính và khí thải đã làm cả nước Mỹ sửng sốt. Họ nhận ra rằng mình phải làm một điều gì đó trước khi quá muộn. Trong một bài phát biểu gần đây của mình, Tổng thống Bush đặt ra chỉ tiêu cho nước Mỹ đến năm 2017 phải thay thế 20% dầu lửa bằng các loại nguyên liệu sạch khác. Có nghĩa là lượng nhiên liệu sạch mà nước Mỹ sản xuất được phải tương đương với 132,3 tỉ lít. Mọi hy vọng được đặt vào tảo biển, bởi vì chỉ có tảo biển mới không bị hạn chế về diện tích canh tác so với các loại cây lấy dầu khác.

Bài phát biểu của Tổng thống Bush đã kích thích các nhà đầu tư trên toàn nước Mỹ, họ đã "ngửi thấy mùi tiền trong nước biển". Ngay sau sự kiện này, quỹ đầu tư Bohemian đã ký kết một thoả thuận đầu tư hơn 2 triệu đô la vào dự án của Jim Sears. Giáo sư Bryan Willson, chuyên gia về kỹ thuật máy tại ĐH bang Colorado, một trong những trợ thủ quan trọng của Jim Sears trong dự án nhiên liệu sinh học

Sự thành công trong nghiên cứu nuôi cấy và chiết xuất dầu từ tảo biển cũng thu hút rất nhiều sự quan tâm từ phía Liên minh châu Âu EU, họ dự định sẽ học tập công nghệ này của Mỹ để giải quyết tình trạng thiếu dầu mỏ và ô nhiễm môi trường của các quốc gia trong EU. Ngay tại nước Mỹ cũng có đến năm dự thảo luật đã được đặt sẵn tại văn phòng của các nghị sĩ, nội dung chủ yếu của các dự thảo này là hạn chế việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng hoá thạch, kích thích việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng khác sạch hơn và dễ tái tạo hơn.

Khó khăn phía trước

Tuy đã nghiên cứu thành công việc sử dụng tảo biển làm nguồn năng lượng, nhưng để nó được thực hiện một cách hiệu quả trong thực tế thì còn cần khá nhiều thời gian và công sức nữa. Bởi công nghệ chiết xuất dầu từ tảo vẫn có những hạn chế nhất định của nó.

Trước tiên là vấn đề sinh thái. Nếu trồng tảo trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, những bệnh chỉ xuất hiện ở loài tảo sẽ có thể nhanh chóng lây lan thành dịch. Nguy cơ này là do quá trình nuôi trồng sẽ khiến mật độ tảo nhiều hơn mức bình thường, bệnh sẽ dễ dàng truyền từ cây này sang cây khác. Trong khi đó ở điều kiện bình thường vẫn có một khoảng cách đủ an toàn giữa các khóm tảo với nhau, vì thế nguy cơ lây bệnh thấp hơn. Có thể tưởng tượng sự lây lan dịch bệnh này không khác gì các bệnh dịch trong xã hội loài người. Khi con người sinh sống với mật độ dân số quá cao và điều kiện vệ sinh không đảm bảo sẽ xuất hiện những căn bệnh như thương hàn, đậu mùa mà trong điều kiện mật độ dân số thấp hơn, những bệnh này không thể lan thành dịch. Hơn nữa, nếu con người cố tình tạo ra một môi trường thuận lợi cho tảo phát triển, tất yếu các sinh vật khác sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh môi trường sống, mà đặc biệt là những loại thực vật cũng hút khí CO2 làm nguồn dinh dưỡng để phát triển.

Thứ hai là vấn đề kinh tế. Không phải tất cả số tảo được nuôi cấy mà nhà khoa học Jim Sears và cộng sự thử nghiệm đều có thể chiết xuất được dầu. Trong 12 mẫu thử nghiệm, chỉ có một mẫu duy nhất là cho dầu. Nếu không khắc phục được hạn chế này, mức chi phí cho một lít dầu tảo sẽ vẫn cao hơn rất nhiều so với một lít dầu mỏ. Và như vậy, xét về mặt kinh tế dầu tảo sẽ là một giải pháp không khả thi. Nếu nuôi cấy tảo trong môi trường nhân tạo, khả năng cho dầu sẽ cao hơn. Nhưng những đòi hỏi rất cao về công nghệ lại là một rào cản khó vượt qua. Để tảo phát triển được trong môi trường nhân tạo những vi chất bổ sung cho nó phải bảo đảm chính xác một cách tuyệt đối. Người ta phải thiết lập một hệ thống máy tính với những phần mềm chuyên biệt để có thể xác định chất nào còn thiếu và bổ sung chúng theo từng miligram một.

Qua một quá trình điều chế, tảo biến sẽ trở thành dạng chất lỏng màu xanh như thế này để sử dụng làm nhiên liệu ô tô thay cho xăng. Rào cản cuối cùng nằm ở cấu tạo động cơ của đại đa số xe hơi đang lưu hành. Ngay cả những chiếc xe hơi thuộc những dòng xe hiện đại nhất được sản xuất ngay trong năm 2007 thì động cơ của chúng cũng chưa được chế tạo để có thể vận hành bằng dầu tảo hay các loại dầu thực vật khác thay cho xăng. Nếu năm 2017, nước Mỹ muốn thay thế 20% lượng dầu lửa bằng các loại năng lượng khác không gây ô nhiễm môi trường thì cũng đồng nghĩa là họ phải có khoảng 20% số xe hơi được chế tạo sử dụng loại nhiên liệu này, hoặc có thể sử dụng đồng thời hai loại nhiên liệu. Đây rõ ràng không phải là một vấn đề đơn giản. Muốn giải quyết được khó khăn này, Sears và các đồng nghiệp của ông phải có được sự hợp tác từ phía ngành công nghiệp chế tạo xe hơi. Tất nhiên là hiện nay mọi người đã nhận thức tốt hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường. Nhưng chẳng nhà kinh doanh nào lại muốn tăng chi phí sản xuất chỉ vì một vấn đề không liên quan đến sự sống còn của họ.

Mặc dù gặp những khó khăn như thế, dầu tảo vẫn có một tương lai khả quan bởi nó là giải pháp "một mũi tên bắn hai đích" đối với không chỉ nước Mỹ mà cả nhân loại. Công nghệ này đáng để con người vắt kiệt chất xám cho sự ứng dụng hiệu quả của nó.

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!