Lưu trữ Blog

24/5/09

Phát triển cây lâm nghiệp cho sản phẩm ăn được

GS.TS. Nguyễn Văn Luật

TINKHOAHOC. Tập đoàn các loại cây LN- LTTP ở Việt Nam ta hiện khá phong phú, bao gồm nhiều loài nhiều giống. Có những cây quen thuộc như cây mít, cây trám đen, trám trắng, cây hạt dẻ Cao Bằng. Có những cây rất triển vọng nhưng còn ít người biết đến, như cây hồ đào (Juglansregia Linn.) ở miền núi phía Bắc; cây mắc ca (Macadamia integrifolia) ở Tây Nguyên; cây xa kê (Artocarpus altilis) ở Nam bộ.Việc phát triển cây trồng LN- LTTP là rất khả thi, vì có thể lồng ghép với nhiều chương trình hiện hành, như các dự án xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc, 5 triệu ha rừng.., nhất là chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Cây lâm nghiệp gồm những loài cây lâu năm thân gỗ có tán lá che phủ đất, đóng vai trò quyết định trong hệ sinh thái bền vững, nhất là ở vùng rừng núi. Một điều tuyệt diệu hơn nữa là trong tập đoàn các loài cây rừng có nhiều loài cho sản phẩm có thể làm lương thực thực phẩm cho người, và làm thức ăn nuôi gia súc gia cầm. Xin được tạm gọi tập đoàn cây này là “cây lâm nghiệp- lương thực /thực phẩm” (LN-LTTP).

Phát triển tập đoàn cây LN-LTTP này một cách hợp lý mang ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần sản xuất lương thực thực phẩm ở miền núi và miền trung du mà không cạnh tranh với cây lâm nghiệp, vì là cây lâm nghiệp “chính hiệu”. Nhiều loài cây LTTP khác cũng cần được quan tâm phát triển hợp lý trên đất rừng, như khoai môn, dong riềng, sắn dây, sắn củ.., nhưng không có được “chức năng” của cây lâm nghiệp.

Phát triển tập đoàn cây LN-LTTP để sản xuất lương thực thực phẩm tại chỗ ở vùng đồi rừng núi sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển lên vùng cao, dành nhiều diện tích hơn cho cây lâm- công nghiệp giá trị cao hơn, và giảm được cây trồng hàng năm trên đất dốc để giảm xói mòn do trồng những cây như sắn, ngô, lúa nương.. Hơn nữa, sản phẩm cây trồng khác lúa làm phong phú thêm cho cơ cấu bữa ăn, ăn ngon hơn, bổ dưỡng và văn minh hơn, sẽ làm giảm khẩu phần gạo dành cho xuất khẩu. Biện pháp tăng lượng gạo xuất khẩu này vừa thân thiện với môi trường do không phải tăng chất hóa học cho thâm canh tăng vụ lúa, và tất nhên, thân thiện với con người.

Càng quan trọng hơn, tới mức “sống còn”, là khi biến đổi khí hậu toàn cầu làm mực nước lên cao, diện tích trồng lúa và hoa mầu lương thực thực phẩm ở vùng đồng bằng bị thu hẹp dần. Theo một thông tin dự báo mới nhất, sau vài thập kỷ nữa, mực nước sẽ lên cao gấp hai dự báo trước, hay lên tới cả thước nước. Một dự báo khác là đến lúc đó, ĐBSCL chỉ còn ló lên khỏi mặt nước 0,5 đến 1 triệu ha trong số gần 4 triệu ha hiện có, và ngày càng bị thu hẹp bởi biển dâng. Lúc đó tập đoàn các loại cây LN- LTTP tránh lũ như trình bầy trên cùng với các tập đoàn cây né lũ có thời gian sinh trưởng cực sớm (vụ lúa với giống OMCS 80-90 ngày), cây sống chung với lũ như lúa nước sâu và lúa nổi, củ ấu, rau nhút, rau muống bè.. sẽ hình thành cơ cấu cây trồng thích nghi khi biển tiến.

Tập đoàn các loại cây LN- LTTP ở Việt Nam ta hiện khá phong phú, bao gồm nhiều loài nhiều giống. Có những cây quen thuộc như cây mít, cây trám đen, trám trắng, cây hạt dẻ Cao Bằng. Có những cây rất triển vọng nhưng còn ít người biết đến, như cây hồ đào (Juglansregia Linn.) ở miền núi phía Bắc; cây mắc ca (Macadamia integrifolia) ở Tây Nguyên; cây xa kê (Artocarpus altilis) ở Nam bộ.

Cây hồ đào trồng ở Lào Cai, Hà Giang, Cao bằng.., có nhân chứa tới 42% lipit; cây cao to, có thể cao tới 30 m, lá dài tới 40 cm, hay trở thành một cây lâm nghiệp- thực phẩm phổ biến ở những nơi có điều kiện tương tự, nếu được nghiên cứu cách trồng và sử dụng. Theo một kết quả phân tích thì 100 g nhân hồ đào cho 642 calo, 62 g chất béo, trong đó chủ yếu là chất béo không no (75%), chỉ có 8% là chất béo no. Hạt hồ đào đã được dùng để làm bánh ngọt cao cấp.

Cây mắc ca thân gỗ thường xanh, có thể cao tới gần 20 m, tuổi thọ đến 50-60 năm, có thể trồng thuần hay trồng xen làm cây che tán cho cà phê. Bộ phận ăn được là hạt, tỷ lệ hạt trong quả tới 30-50%, hàm lượng dầu trong hạt tới 78%, trong đó dầu không no tới 87%, hàm lượng protein trên 9%. Sau trồng 3- 4 năm là cho quả. Sau 12-15 năm có thể được 3-6 tấn quả/ha, lấy được 1-2 tấn hạt. Nhu cầu trên thị trường hạt mac ca gấp 4 lần sản lượng hiện có, với giá khoảng 10 USD/kg hạt. Cây mắc ca đã được trồng nhiều trên thế giới, bắt đầu nhập vào ta từ 1994, trồng ở Tây Nguyên, đã trồng thử ở Ba Vì, Phú Thọ, Sơn La, Nghệ An..Theo GsTs Lê Đình Khả, nói chung nơi nào trồng cà phê là có thể trồng được mac ca.

Cây xa kê, còn gọi là cây bánh mì, về mặt sản xuất lương thực thì có lẽ đây là cây lâm nghiệp có triển vọng nhất, đã có bán quả, và có nhiều kinh nghiệm chế biến, mặc dầu hiện sản xuất và sử dụng xa kê mang tính tự phát

Xa kê là cây lâm nghiệp lá dài tới 1 m, có khía sâu thành 3-4 thùy hình lông chim, rất nhám ở mặt dưới, thời kỳ cây con lá xòe như cái tán quạt với nhiều nếp gấp; lá kèm dài, mau rụng, có thể dài 12-14 cm. Bên nhiều biệt thự, nhà cao tầng, hay trong công viên thấy có trồng cây xa kê trang trí; nhưng thường không biết đấy còn là cây lương thực, để quả chín rụng bỏ, lãng phí. Bông hoa đực dài tới 20 cm, hoa đực có 1 nhị. Quả phức, hình cầu, mầu xanh hay vàng vàng, to bằng vốc tay, có khi bằng đầu người, từa tựa quả mít Tố nữ, nhưng gai tù, mềm, quả nạc trắng, có giống không có hạt và giống có hạt to 1 cm.

Xa kê là cây lương thực, sau khi trồng chỉ 1,5 đến 2 năm là có quả. Phần múi ăn được của quả xa kê chiếm tới 70% của quả phức; chứa tới 25% tinh bột, 3% protein và 0,5% lipit, và một số chất khác như vitamin C (20mg/100g); ka li; kẽm cùng thiamin (100µg). Chưa có tài liệu về năng suất quả ở Việt Nam . Ở miền Nam Thái Bình Dương, ở Ấn Độ, một cây có thể cho từ 25 đến 200 quả, 16-32 tấn/ ha. Hạt xa kê rang ăn ngon. Cây xa kê hoàn toàn không có liên quan gì với rượu xa kê Nhật Bản như một số người đã lầm tưởng.

Cách chế biến xa kê để ăn nói chung như các loại củ khác. Gọt vỏ mỏng bằng dao 2 lưỡi vẫn dùng gọt mướp. Sau khi rửa sạch, bổ ngang hay dọc tùy ý, chiên rán ăn ngon hơn khoai tây chiên, hay nướng bỏ lò, hoặc nấu canh nấu xúp, nấu với chân giò heo, với nước dừa làm thực phẩm. Nhiều người ưa thích ăn luộc, bằng cách luộc sôi sùng sục rồi với ngay ra, rồi hấp cơm ăn ngon hơn các loại củ hấp cơm khác. Bột xa kê làm bánh như bột khoai tây, làm các loại bánh như bánh xèo, bánh bò, bánh khọt, bánh lọc, bánh chay, bánh trôi..

Chưa có nghiên cứu trồng trọt và sử dụng nào với cây xa kê, do hiệu quả kinh tế hiện chưa cao, chưa có tập quán dùng, do đó trồng rồi bỏ mặc không chăm sóc gì, nên mới được khoảng dăm ba chục quả/ cây. Tuy nhiên, dù chưa có 1 khuyến cáo nào từ các cơ quan chức năng, nhưng xa kê vẫn tồn tại ở các miệt vườn cây ăn trái, trồng trang trí ở thành thị; ở chợ Nam bộ thấy vẫn bán trái xa kê ở các sạp hàng và ở chợ vào tháng 7 tháng 8 dương lịch.

Kỹ thuật trồng cây xa kê không khó. Trồng theo cách nhân vô tính từ rễ khá dễ dàng, và giữ được đặc tính của cây mẹ, cây tổ. Ở nơi trồng giống xa kê có hột, khi trái chín rụng xuống, hột bung ra, mọc thành đám. Cần trồng thử mới có thể xác định đưa xa kê lên trồng ở phía Bắc đến vĩ độ nào. Xa kê không kén đất, thấy trồng ở các miệt vườn đồng bằng, ở miền núi cao như ở núi Cấm An Giang có khí hậu mát mẻ.

Nhận xét bước đầu cho thấy, cây xa kê phát triển tốt ở ĐBSCL và miền Đông Nam bộ; có người thấy ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên; chưa thấy nói ở miền Bắc. Ở nước ngoài, xa kê có trồng ở Malaysia và Philipin ngang với vĩ tuyến miền trung Trung bộ.

Việc phát triển cây trồng LN- LTTP là rất khả thi, vì có thể lồng ghép với nhiều chương trình hiện hành, như các dự án xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc, 5 triệu ha rừng.., nhất là chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhận thức được vấn đề trên, ngoài các nhà khoa học lâm nghiệp đã liên tục nghiên cứu từ lâu; nhiều nhà khoa học và các cơ sở nghiên cứu về cây trồng đã bắt đầu hợp tác bằng những hoạt động cụ thể liên quan với những vấn đề trên, như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc; Viện Rau Hoa Quả và Dâu tầm và Viện Cây lương thực thực phẩm ở ĐBSH; GsTs Trần An Phong và đơn vị Nghiên cứu (NGO) của mình tại Tây Nguyên và Nam Trung bộ, Viện Lúa ĐBSCL và Hội Giống Cây trồng Nam bộ. Nội dung hợp tác bước đầu là trao đổi ý tưởng, trao đổi giống cây trồng như giống lúa cực sớm OMCS, nhất là giống cây lâm nghiệp- lương thực thực phẩm như trình bầy trên. Khi được đầu tư qua các đề tài/ dự án thích hợp, chắc chắn sự hợp tác này sẽ sâu rộng hơn nữa, nhất là tới các địa phương có yêu cầu.

Vừa qua (11/05/2009) Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã về thăm và làm việc với Viện Lúa ĐBSCL, sau khi tỏ ý hài lòng về việc Viện đóng góp tới 80% giống lúa mới các loại cho sản xuất lúa ở ĐBSCL, có khuyến khích Viện hoạt động ra ngoài phạm vi cây lúa và ra ngoài vùng ĐBSCL.

8/5/09

Phát triển giống bắp có nhiều vitamin

TINKHOAHOC. Giống bắp biến đổi gen có 3 vitamin trong chiến lược biofortification, đã được phát triển do một nhóm các nhà khoa học ở Tây Ban Nha và Liên Bang Đức. Những dấu ấn mang tính đột phá lần đầu tiên đó là tính chất đa vitamin có trong một giống cây trồng. Hạt bắp vàng chứa tiền chất vitamin A (beta-carotene) gấp 169 lần hơn hàm lượng thông thường. Nó còn chứa ascorbate (vitamin C) gấp 6 lần và gấp 2 lần hàm lượng folate so với giống bắp truyền thống. Dẫn đầu nhóm nghiên cứu là TS Paul Christou của Đại Học Lleida, Tây Ban Nha, ông tin rằng giống bắp đa vitamin như vậy sẽ có thể giúp chúng ta cải thiện bửa ăn của những nước đang phát triển. Một trăm grams hạt bắp chuyển gen này có thể cung cấp lượng khuyến cáo cần thiết hàng ngày (RDI: recommended daily intake) đối với beta-carotene, cũng như vitamin A, 20% RDI của ascorbate và bằng 1 lượng cần thiết folate. Giống bắp chuyển gen còn cung cấp một lượng khiêm tốn chất antioxidants như lutein và lycopene. Giống bắp chuyển gen này còn thể hiện gen crtI từ vi khuẩn Erwinia để gia tăng hàm lượng beta-carotene, gen dhar của cây lúa để làm tăng hàm lượng ascorbate và gen folE của E. coli để làm tăng hàm lượng folate. Những gen như vậy đã được chuyển vào giống bắp trắng Nam Phi và được chứng minh tính ổn định qua 5 thế hệ rồi. Xem tạp chí PNAS http://dx.doi.org/10.1073/pnas.0901412106

(GS.TS. Bùi Chí Bửu)

Chiến lược làm giảm Aflatoxin ở cây bắp Phi Châu

TINKHOAHOC. Các nhà khoa học thuộc Viện IITA (International Institute for Tropical Agriculture) và Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đã xây dựng một chiến lược làm giảm sự tạp nhiễm của aflatoxin trên cây bắp Phi Châu. Aflatoxins là một trong những mầm mống gây ung thư nghiêm trọng nhất cho người. Chúng được tạo ra bởi nấm mốc Aspergillus, phổ biến hơn hết là A. flavus, trong đậu phọng, sắn, khoai yam và bắp. Mỗi năm aflatoxins làm thiệt hại nông nghiệp Phi Châu 450 triệu USD. IITA phát triển dòng Aspergillus flavus có tính chất atoxigenic như một “biocontrol agents”. Xem chi tiết http://www.iita.org/cms/details/news_summary.aspx?a=95&z=81

(GS.TS. Bùi Chí Bửu)

Rhizobia có liên quan đến tính kháng rầy mềm trên đậu nành

TINKHOAHOC. Rầy mềm đậu nành là một trong những đối tượng gây hại lớn nhất đối với nông dân Hoa Kỳ. Nó làm thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu USD mỗi năm do thiệt hại năng suất và chi phí thuốc sâu. Nó được ghi nhận đầu tiên tại bang Wisconsin vào năm 2001 và được ghi nhận mức phá hại kỷ lục tại 21 bang Hoa Kỳ, 3 tỉnh của Canada. Rầy mềm đậu nành tấn công bằng cách chích hút nhựa cây. Chúng truyền virus gây bệnh khảm có tên là alfalfa mosaic virus và bệnh chết khô (dreaded soybean). Nông dân thường sử dụng thuốc sâu để kiểm soát quần thể aphid. Gần đây, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Pennsylvania State đã phát hiện một phương cách kiểm soát hữu hiệu chúng: đó là sử dụng vi khuẩn cố định đạm. Cây họ đậu có khả năng cố định đạm khí trời nhờ vi khuẩn cộng sinh mà chúng ta gọi với thuật ngữ rhizobia. Họ đã tìm thấy mối tương tác của rhizobia và cây ảnh hưởng đến tính kháng đối với các sinh vật ăn thịt côn trùng (insect herbivores), thí dụ như rầy mềm đậu nành, và một vài dòng rhizobia liên quan đến tính kháng mạnh hơn đến các “mutualist partners” của chúng. Consuelo De Moraes, tác giả chính của bài viết trên tạp chí Plant and Soil đã nói rằng "Lần đầu tiên có những dòng rhizobia khác nhau ảnh hưởng trên herbivory. Điều này có thể là một công cụ giúp cây phòng chống lại insect herbivory. Nó cũng có thể áp dụng cho tất cả cây thuộc nhóm đậu đỗ". Xem chi tiết http://live.psu.edu/story/39092 hoặc http://dx.doi.org/10.1007/s11104-009-9924-1 hoặc http://www3.interscience.wiley.com/journal/122328517/abstract

(GS.TS. Bùi Chí Bửu)

Giống cây trồng kháng thuốc cỏ mà không cần gen lạ

TINKHOAHOC. Sử dụng enzyme thuộc dạng “tailor-made enzyme”, các nhà khoa học thuộc ĐH Minnesota và Massachusetts General Hospital đã phát triển thành công giống thuốc lá kháng thuốc cỏ mà không cần thay đổi DNA của chúng. Daniel Voytas tác giả chính của bài viết đăng trên tạp chí Nature nói rằng "Nó vẫn là một GMO nhưng tính cải biên này rất tinh tế. Chúng tôi thực hiện một sự thay đổi vô cùng nhỏ trong chuỗi trình tự của cây hơn là việc chèn vào một DNA lạ". Cách tiếp cận mới lạ này tạo ra một tiềm năng để phát triển các giống cây trồng cải tiến và hạn chế được tính chất của sinh vật cải biên di truyền. Voytas và ctv. đã sử dụng một zinc finger nuclease (ZFN) ứng với vùng mục tiêu trên cây thuốc lá là acetolactate synthase (ALS) genes. Các đột biến của gen ALS cho thấy có quan hệ với tính kháng thuốc cỏ thuộc gốc imidazolinone và sulphonylurea. Họ quan sát được tần suất cao của vùng mục tiêu gen, với hơn 40% cây ở trạng thái tái tổ hợp với sự cải biên của gen ALS. ZFNs là những protein tổng hợp gắn với chuỗi trình tự DNA chuyên biệt và cải biên ở gần vị trí kết dính này do những đứt gãy của dây đôi. ZFNs đã được sử dụng để thao tác trên nhiều bộ gen của các sinh vật, từ thuốc lá cho đến cá zebrafish và ngay cả tế bào của động vật hữu nhũ. Xem chi tiết bài viết trên tạp chí Nature http://www1.umn.edu/news/news-releases/2009/UR_CONTENT_107428.html hoặc http://dx.doi.org/10.1038/nature07845 http://www.springerlink.com/content/f5l108080521538u/?p=68ae960c58b34f529651fcec82a34b1c&pi=0

(GS.TS. Bùi Chí Bửu)

3/5/09

Hoa Kỳ, TQ đặt biến đổi khí hậu làm ưu tiên hàng đầu

TINKHOAHOC (*). Theo VOA,“Cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều đặt vấn đề biến đổi khí hậu làm ưu tiên hàng đầu của những vấn đề cần phải giải quyết. Hai nước đang xem việc gia tăng hiệu suất năng lượng như một phương tiện chính để giảm thiểu lượng khí thải carbon và như một một lãnh vực để tạo những công ăn việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "

Trong bài diễn văn đọc trước lưỡng viện quốc hội hồi hạ tuần tháng hai vừa qua, Tổng thống Barack Obama hứa hẹn là chính phủ sẽ đầu tư vào 3 lãnh vực mà ông gọi là 'cực kỳ quan trọng' cho tương lai của nền kinh tế Hoa Kỳ. Lãnh vực đầu tiên trong danh sách của ông là năng lượng.

Tuy nhiên, ông Obama cũng nói thêm rằng Trung Quốc, chứ không phải Hoa Kỳ, là nước đã đạt được nhiều thành quả nhất trong việc đạt được những chỉ tiêu về hiệu suất năng lượng.

Tổng thống Obama nói: "Chúng ta biết rằng nước nào thu hoạch sức mạnh của năng lượng sạch và có thể tái tạo sẽ là nước dẫn đầu trong thế kỷ 21. Nhưng Trung Quốc lại chính là nước đã phát động nỗ lực lớn nhất trong lịch sử để làm cho kinh tế của họ có hiệu suất năng lượng ở mức cao."

Sự nhấn mạnh của ông Obama về việc thông qua gia tăng hiệu suất năng lượng để đối phó với nạn biến đổi khí hậu phản ánh một yếu tố tương đối mới trong chính sách môi trường của cả Washington lẫn Bắc kinh.

Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm đến 1/4 dân số trên trái đất và tiêu thụ khoảng 1/3 năng lượng của toàn thế giới.

Một số các nhà khoa học cho rằng hai nước này cũng góp phần nhiều nhất trong việc tạo ra sự biến đổi của khí hậu trên trái đất. Đây là hai nước thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, và là nơi thải ra phân nửa lượng khí thải carbon dioxide trên thế giới qua việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhiều nhà phân tích, và ngay cả các giới chức Trung Quốc, cũng tin rằng Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nước thải ra chất carbon dioxide nhiều nhất. Tuy nhiên, Tổng thống Obama đã nói đúng khi ông cho rằng Trung Quốc đang có được những thành quả vượt bực trong nỗ lực gia tăng hiệu suất năng lượng. Chính phủ Trung Quốc đã đề ra chỉ tiêu là giảm thiểu 20% tỉ lệ tiêu thụ năng lượng với tổng sản lượng nội địa trong vòng 5 năm từ năm 2006 tới năm 2010. Trung Quốc cũng nhắm tới mục tiêu là các loại năng lượng có thể tái tạo sẽ chiếm 10% tổng số năng lượng tiêu thụ vào năm 2010 và 15% vào năm 2020.

Các nỗ lực của Trung Quốc đã mang lại một số kết quả. Tỉ suất năng lượng, tức số năng lượng được dùng để sản xuất một đơn vị của GDP, đã giảm 4,21% trong năm vừa qua sau khi giảm được 3,66% trong năm trước đó.

Ông Lưu Kỳ, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, cho biết rằng nước ông sẽ tiếp tục thúc đẩy công cuộc bảo tồn năng lượng để giảm khí thải và chống chọi với nạn biến đổi khí hậu.

Ông Lưu nói rằng đối với chính phủ Trung Quốc nỗ lực bảo tồn năng lượng và công cuộc phát triển quốc gia có tầm quan trọng ngang nhau.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều trở ngại cần phải khắc phục. Khoảng 70% điện năng của Trung Quốc là do các nhà máy chạy bằng than đá sản xuất, và số nhà máy điện than đá mà Trung Quốc xây dựng trong vòng 5 năm qua có công suất tương đương với toàn bộ các nhà máy điện than đá của Hoa Kỳ. Tuy nhiều nhà máy mà Trung Quốc mới xây tương đối không gây nhiều ô nhiễm như các nhà máy loại cũ, nhưng công cuộc đô thị hóa và tiêu chuẩn sinh hoạt ngày càng cao ở Trung Quốc khiến cho nhu cầu điện của Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Ông Trần Sĩ Hải, một viên chức của Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, cho biết tình trạng suy thoái của kinh tế toàn cầu khiến cho việc giảm thiểu tỉ suất năng lượng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Ông Trần nói rằng Trung Quốc cần phải cắt giảm tỉ lệ tiêu thụ năng lượng nhưng đồng thời lại phải duy trì tỉ lệ tăng trưởng cao các công nghiệp như luyện thép và sản xuất xi măng.

Trong khi đến thăm Bắc kinh hồi tháng trước, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã hội kiến ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc. Bà cho báo chí biết rằng trong cuộc gặp gỡ này bà đã thảo luận về năng lượng có thể tái tạo, kỹ thuật thu giữ và tồn trữ khí carbon tại các nhà máy chạy bằng than, và hiệu suất năng lượng của các tòa nhà.

Bà Clinton nói: "Những kỹ thuật này có vai trò vô cùng thiết yếu trong việc thúc đẩy cho sự tăng trưởng kinh tế lâu bền ở hai quốc gia chúng ta và cho việc khắc phục vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, một vấn đề đang ngày càng trở nên khẩn thiết hơn."

Bà Clinton cũng cho biết rằng các giới chức cấp cao của đôi bên sẽ mở các cuộc thamkh ý kiến trong thời gian trước khi hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu được tổ chức ở Copenhagen vào tháng 12.

Các bản phúc trình mới đây của Hội Á châu ở New York và Viện Brookings ở Washington cho rằng nếu không có sự hợp tác giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ thì nỗ lực chống lại nạn biến đổi khí hậu có phần chắc sẽ không đạt được kết quả.

Tình trạng thiếu hợp tác này đã diễn ra trong quá khứ. Trung Quốc đã từ chối ấn định một mức trần cho nước họ về số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà họ được phép thải ra. Bắc kinh nói rằng các nước giàu trong thế giới công nghiệp hóa đã hưởng nhiều lợi ích từ các giai đoạn phát triển có mức khí thải cao. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ ông George W Bush đã không chiụ ký kết Nghị định thư Kyoto một phần là vì văn kiện này không bao gồm mức trần cho Trung Quốc về số lượng khí thải.

Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung của Hội Á châu, cho rằng bất kỳ hiệp ước nào về khí hậu mà không bao gồm cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều sẽ bị thất bại.

Ông Schell nói: "Nếu giữa chúng ta – giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có một bên quyết định làm ngơ vấn đề này thì sẽ không có một giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu và như thế mọi người chúng ta đều phải gánh chịu hậu quả, không phải chỉ ở Trung Quốc và Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới."

Những nỗ lực hợp tác Mỹ-Trung trong lãnh vực hiệu suất năng lượng đã được khởi sự. Một văn kiện về hợp tác môi sinh đã được ký kết giữa thành phố Greensburg ở tiểu bang Kansas đã bị bão xoáy tàn phá và thành phố Miên Châu của tỉnh Tứ Xuyên bị động đất phá sập nhiều nhà cửa hồi tháng 5 năm ngoái. Hai thành phố này sẽ hợp tác để thực thi một đồ án thiết kế về hiệu suất năng lượng trong lúc tiến hành công tác xây dựng lại nhà cửa.

Tổng thống Obama đã nhắc tới thành phố Greensburg khi đọc diễn văn tại quốc hội hồi tháng trước. Ông cũng đã nhấn mạnh tới sự tin tưởng của ông là hiệu suất năng lượng và phát triển kinh tế luôn luôn đi đôi với nhau.

Ông Obama nói: "Tôi nghĩ tới Greensburg, Kansas, một thành phố nhỏ đã bị bão xoáy phá hủy hoàn toàn, nhưng đang được cư dân xây dựng lại như một thí dụ để mọi người trên khắp thế giới thấy được cách thức mà năng lượng sạch có thể cung cấp điện cho cả một cộng đồng – phương thức mà năng lượng sạch có thể mang lại công ăn việc làm và cơ hội kinh doanh cho một nơi từng là một đống gạch vụn."

Cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều cam kết những khoản chi tiêu lớn trong các kế hoạch kích thích kinh tế cho những năm sắp tới. Quyết tâm của hai nước trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ được trắc nghiệm một phần qua việc họ muốn dành ra bao nhiêu ngân khoản để phát triển, thực thi và giám sát các chương trình về hiệu suất năng lượng.”

Alison Klayman

VOA, http://www.voanews.com/vietnamese/2009-03-06-voa15.cfm
(*) Chép lại để suy ngẫm.

Người theo dõi

Mời bạn cùng lên đường!

Mời bạn cùng lên đường!